Vụ án “Nạn nhân trở thành bị cáo”: Tòa án bỏ qua những tình tiết quan trọng? ​

Thứ hai, 24/09/2018 14:49
(ĐCSVN) - Sau 2 lần tạm hoãn, mới đây, Tòa án nhân dân huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) đã tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án với bị can Phạm Anh Tuấn về tội: Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ… Điều đáng nói là tại phiên xét xử này, nhiều tình tiết quan trọng liên quan đến bản chất vụ việc đã được công bố.

Từ nạn nhân “bỗng dưng” trở thành bị can, người nhà kêu cứu!

Từ nạn nhân “bỗng dưng” trở thành bị can, người nhà kêu cứu!

Quang cảnh phiên tòa.

Như Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã phản ánh trong một số bài viết trước, ngày 08/12/2016, Phạm Anh Tuấn, trú ở phố Bãi Nai, xã Mông Hóa, huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) trên đường đi học về, khi di chuyển sang đường để vào nhà thì bị Nguyễn Hữu Đức điều khiển xe máy có dung tích lớn đâm phải. Hậu quả là Nguyễn Hữu Đức bị thiệt mạng, Phạm Anh Tuấn bị thương phải đi cấp cứu. Khó hiểu là sau đó, Công an huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) đã tiến hành điều tra và ra quyết định Khởi tố vụ án hình sự, quyết định khởi tố bị can với Phạm Anh Tuấn (người bị xe của Nguyễn Hữu Đức đâm phải) về tội: Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ… Vì vậy, gia đình Phạm Anh Tuấn đã phải gửi đơn kêu cứu tới rất nhiều cơ quan chức năng.

Trong phần xét hỏi và tranh luận tại phiên xét xử sơ thẩm vừa qua đã xuất hiện rất nhiều tình tiết quan trọng. Theo các luật sư, những tình tiết này sẽ có ảnh hưởng lớn đến việc xác định rõ hơn bản chất của vụ việc cũng như trách nhiệm của các bên có liên quan đến vụ tai nạn giao thông xảy ra vào ngày 08/12/2016.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân huyện Kỳ Sơn thừa nhận tại Tòa
về việc có nhiều bút lục trong hồ sơ vụ án đã bị tẩy xóa.

Theo đó, căn cứ vào các văn bản, bút lục, tài liệu được Chủ tọa phiên tòa công bố trong phiên xét xử, có thể thấy bản thân Nguyễn Hữu Đức (được xác định là người bị hại) đã có nhiều vi phạm khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Cụ thể, Nguyễn Hữu Đức là người điều khiển chiếc xe máy đâm phải Phạm Anh Tuấn lúc đó đang qua đường nhưng tại thời điểm xảy ra vụ tai nạn, Đức chưa đủ tuổi cấp giấy phép lái xe để điều khiển loại phương tiện có dung tích xi-lanh lớn. Nội dung bút lục ghi lời khai của các nhân chứng có mặt tại hiện trường khi vụ tai nạn xảy ra cũng đều cho thấy, thời điểm đó, Đức không đội mũ bảo hiểm, di chuyển với tốc độ cao, không làm chủ được tốc độ nên đâm vào và đẩy nạn nhân Tuấn văng xa trên đường. Trong đó, nhiều nhân chứng khẳng định, xe Đức đi rất nhanh, “tốc độ lên tới 70 - 80 km/h” tại khu vực có biển báo số 225 (Chú ý trẻ em). Thực tế kết quả khám nghiệm hiện trường cùng các dấu vết còn lại trên mặt đường sau khi tai nạn xảy ra cũng cho thấy nội dung lời khai của các nhân chứng là hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, khó hiểu là những tình tiết nói trên lại không được chú ý trong suốt quá trình điều tra vụ án. Tranh tụng tại Tòa, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân huyện Kỳ Sơn vẫn bảo vệ quan điểm cho rằng, những lỗi của Nguyễn Hữu Đức chỉ là “lỗi hành chính”?

Mặt khác, cũng tại phiên xét xử sơ thẩm, khi trả lời câu hỏi của Chủ tọa phiên tòa về việc tại sao lại có tới 3 Biên bản khám nghiệm hiện trường, Điều tra viên Cao Đức Sơn đã khẳng định: Sở dĩ phải tiến hành khám nghiệm hiện trường nhiều lần là do: “Tại lần khám nghiệm hiện trường đầu tiên (ngày 08/12/2016 - PV), sơ đồ hiện trường mà cơ quan điều tra công an Kỳ Sơn lập là chưa chính xác, chưa xác định được vị trí dừng xe của bị cáo Tuấn và chưa xác định được chính xác vị trí điểm va chạm”. Đến ngày 12/5/2017 (tức là hơn 5 tháng sau - PV), cơ quan điều tra mới tiến hành làm lại hiện trường. Trong khi đó, ngày 10/01/2017, cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an huyện Kỳ Sơn đã ban hành Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can Phạm Anh Tuấn là thiếu khách quan. Bởi Quyết định khởi tố đó đã được ban hành dựa trên kết quả khám nghiệm hiện trường lần 1 “chưa chính xác” như xác nhận của Điều tra viên Cao Đức Sơn. Điều này đã có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc tố tụng; ảnh hưởng lớn đến bản chất và diễn biến của vụ việc.

 

Điều tra viên Cao Đức Sơn lý giải nguyên nhân
vụ việc có tới 3 Biên bản khám nghiệm hiện trường.

Cũng tại phiên xét xử sơ thẩm, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân huyện Kỳ Sơn cũng đã phải xin lỗi về việc có sai lệch về các khoảng cách, số liệu giữa bản cáo trạng của Viện Kiểm sát và kết luận điều tra của cơ quan cơ quan CSĐT. Đồng thời, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân huyện Kỳ Sơn cũng công khai thừa nhận “có việc một số bút lục bị tẩy xóa” và cho rằng việc tẩy xóa hồ sơ là do Điều tra viên của cơ quan CSĐT. Cụ thể, nhiều bút lục như: bút lục số 236, bút lục số 237, bút lục số 309… đã có một số nội dung bị tẩy xóa. Theo các luật sư, đây là vi phạm hết sức nghiêm trọng bởi quá trình điều tra, bút lục là những tài liệu có giá trị pháp lý, là cơ sở quan trọng hàng đầu trong điều tra, đánh giá, nhận định về toàn bộ diễn biến trước, trong và sau vụ tai nạn. Cùng với đó, bút lục cũng là những căn cứ quan trọng để các luật sư nghiên cứu, tìm hiểu vụ việc. Những người có mặt tại phiên tòa đặt nghi vấn: Vì sao một số bút lục liên quan đến vụ án này lại bị tẩy xóa? Ai là người đã tẩy xóa các bút lục này và việc tẩy xóa đó có phải nhằm mục đích thay đổi bản chất vụ việc hay không? Những dấu hiệu vi phạm nói trên phải chăng chỉ là “sơ suất” của các cơ quan tố tụng huyện Kỳ Sơn (Hoà Bình) hay còn có nguyên nhân nào phía sau?

Luật sư Nguyễn Thiện Hiệp, Công ty Luật TNHH Việt Tâm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội đánh giá: “Thực tế đến tại thời điểm diễn ra phiên xét xử sơ thẩm vụ án này, cơ quan Cảnh sát điều tra và Viện Kiểm sát nhân dân huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) vẫn gần như không tính đến yếu tố lỗi của Nguyễn Hữu Đức nhưng lại không có đủ yếu tố để chứng minh Phạm Anh Tuấn là nguyên nhân duy nhất gây ra tai nạn. Do đó, theo tôi việc khởi tố bị can với Phạm Anh Tuấn (người bị xe của Nguyễn Hữu Đức đâm phải) về tội: Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ là không có căn cứ xác đáng; vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội, gây bất lợi cho bị cáo”.

Trong một diễn biến khác, tuy đã bị Tòa án nhân dân huyện Kỳ Sơn trả hồ sơ; Viện kiểm sát giao lại hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung nhưng tại phiên xét xử sơ thẩm mới đây, cơ quan CSĐT Công an huyện Kỳ Sơn vẫn chưa thể xác định chính xác điểm va chạm dẫn đến vụ tai nạn. Đặc biệt, liên quan đến vụ tai nạn giao thông xảy ra ngày 08/12/2016 nói trên, đến nay cơ quan CSĐT Công an huyện Kỳ Sơn đã có tới 04 Bản kết luận điều tra với những nội dung sai lệch nhau: Bản kết luận điều tra lần thứ nhất (số 16) ngày 07/3/2017 xác định xe mô tô của Đức đâm thẳng vào giữa thân xe máy bên trái xe của Tuấn; Bản kết luận điều tra lần thứ 2 (số 33) ngày 15/8/2017 chỉ rõ là xe mô tô của Đức đâm một lực rất mạnh vào phía sau đuôi hướng bên trái xe của Tuấn; Bản kết luận điều tra lần thứ 3 (số 01) ngày 21/12/2017 lại cho rằng xe của Đức đâm một lực rất mạnh vào cánh yếm bên trái xe của Tuấn… Theo người được ủy quyền bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị cáo Phạm Anh Tuấn (đồng thời cũng là một cán bộ có nhiều năm làm công tác điều tra hình sự) chia sẻ: “Với việc một vụ án có tới 3 biên bản khám nghiệm hiện trường; nhiều bút lục điều tra bị tẩy xóa; nội dung 04 Bản kết luận điều tra có nhiều điểm “tiền hậu bất nhất” có thể thấy ở đây đã có dấu hiệu khá rõ của việc cố ý làm sai lệch hiện trường, sai lệch hồ sơ vụ án; từ đó dẫn đến việc khởi tố, truy tố oan sai đối với bị can Phạm Anh Tuấn”.

Chính do sự xuất hiện của những tình tiết quan trọng nói trên, kết thúc 2 ngày xét xử, Hội đồng xét xử do ông Nguyễn Văn Khiêm, Phó Chánh án Tòa án nhân dân huyện Kỳ Sơn làm chủ tọa đã quyết định kéo dài thời gian nghị án. Tuy nhiên, sau 6 ngày nghị án, Tòa án nhân dân huyện Kỳ Sơn đã tuyên phạt bị cáo Phạm Anh Tuấn 09 tháng cải tạo không giam giữ về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” và yêu cầu gia đình bị cáo bồi thường cho gia đình bị hại số tiền hơn 360 triệu đồng.

Sau phiên tòa, dư luận đặt câu hỏi: Có hay không việc “bỏ qua” những tình tiết quan trọng trong xét xử và tuyên án đối với bị cáo Phạm Anh Tuấn? Việc xét xử bị cáo Phạm Anh Tuấn có thực sự “đúng người, đúng tội”? 

Liên quan đến việc xét xử bị cáo Phạm Anh Tuấn, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật tỉnh Hòa Bình xem xét một cách khách quan, đầy đủ các tình tiết của vụ án cũng như vai trò của các bên có liên quan đến vụ tai nạn giao thông xảy ra vào ngày 08/12/2016. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần sớm xác minh, làm rõ các dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tố tụng; xử lý nghiêm túc các cá nhân có liên quan.

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về nội dung này./.

Quang Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực