Xử nghiêm để bảo vệ tối đa quyền được an toàn của trẻ em

Thứ năm, 11/04/2024 14:24
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Bắt cóc trẻ em là nỗi ám ảnh không chỉ với nạn nhân mà cả người lớn. Bởi nó hoàn toàn có thể là khởi đầu cho chuỗi những tội ác, bất hạnh có thể sẽ diễn ra ngay sau đó nên hành vi này cần được ngăn chặn và xử lý nghiêm.

Tối ngày 3/4, thấy 2 bé gái bán kẹo ở khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ quận 1 (TP Hồ Chí Minh) không người trông coi, nghi phạm đã dùng tiền, bánh kẹo dẫn dụ nạn nhân rồi đưa về căn hộ chung cư ở quận Bình Thạnh.

Ngày 6/4, công an phường Bến Nghé, quận 1 tiếp nhận nguồn tin từ chị N.T.C (SN 1997, quê tỉnh Phú Yên, tạm trú tại phường Tân Hưng, quận 7) về việc bị thất lạc hai con ruột là N.K.T.M (SN 2017) và L. H.T.L (SN 2021) tại khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ (phường Bến Nghé, quận 1) từ . Mặc dù chị đã tự đi tìm và liên hệ tại nhiều nơi nhưng không thấy.

Chỉ chưa đầy 42 giờ sau khi tiếp nhận thông tin, công an đã giải cứu thành công, trao trả 2 cháu bé về gia đình, đồng thời tiến hành tạm giữ Phạm Huỳnh Nhật Vi (SN 2003, quê tỉnh Tiền Giang) để điều tra, làm rõ hành vi bắt cóc trẻ em.

Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Trương Anh Tuấn, đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết đây là chiến công xuất sắc của công an TP Hồ Chí Minh nói riêng và lực lượng Công an Nhân dân nói chung vì sự bình yên của mỗi gia đình và toàn xã hội.

Bắt cóc trẻ em là nỗi ám ảnh không chỉ với nạn nhân mà cả người lớn. Bởi nó hoàn toàn có thể là khởi đầu cho chuỗi những tội ác, bất hạnh có thể sẽ diễn ra ngay sau đó nên hành vi này cần được ngăn chặn và xử lý nghiêm.

Nữ đối tượng Phạm Huỳnh Nhật Vi khai nhận muốn bắt cóc trẻ em để nuôi (Ảnh: cơ quan công an cung cấp)

Hành vi dùng thủ đoạn dụ dỗ trẻ em, đưa trẻ em thoát khỏi sự quản lý, trông nom của cha mẹ đã xâm phạm đến quan hệ về quyền được chăm sóc, nuôi và sống chung với cha mẹ, quyền được bảo vệ của trẻ em.

Theo Điều 1 Chương I Luật Trẻ em năm 2016 (Luật số: 102/2016/QH13, ngày 05 tháng 4 năm 2016) quy định, trẻ em là người dưới 16 tuổi, trong khi đó Khoản 2 Điều 6 Chương I Luật Trẻ em năm 2016 nêu rõ nghiêm cấm các hành vi: bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.

Cơ quan chức năng sẽ khẩn trương làm rõ nhân thân của đối tượng Phạm Huỳnh Nhật Vi, động cơ, mục đích, hậu quả mà đối tượng đã gây ra để có hình thức xử lý phù hợp.

Luật sư Tuấn phân tích, nữ đối tượng Nhật Vi có dấu hiệu phạm tội theo Điều 153 Chương XIV phần thứ hai Bộ luật Hình sự năm 2015 (Số: 100/2015/QH13, ngày 27 tháng 11 năm 2015) quy định về tội "Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi”, cụ thể như sau:

Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ 3 đến 7 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 đến 10 năm: Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp; Đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng; Đối với từ 2 người đến 5 người; Phạm tội 2 lần trở lên; Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 đến 15 năm: Có tính chất chuyên nghiệp; Đối với 06 người trở lên; Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Làm nạn nhân chết; Tái phạm nguy hiểm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.

Thực tế đã xảy ra sự việc tương tự ở một số địa phương, thậm chí để lại hậu quả đáng tiếc. Xã hội hiện nay cho thấy nguy cơ mất an toàn đối với trẻ em có thể đến bất kỳ thời gian nào, địa điểm nào. Do vậy, người lớn cần thường xuyên để ý, quan sát và dặn dò trẻ em để tránh tối đa nguy cơ bị tai nạn, bắt cóc cũng như rủi ro khác như bị bạo hành, xâm hại...

“Trẻ em ở thành thị hay nông thôn đều cần phải được tuyên truyền, tập huấn và thực hành tốt một số kỹ năng phòng tránh bị bắt cóc như: Không bắt chuyện với người lạ; Không nhận quà từ người lạ; Giữ khoảng cách 3 mét với người lạ; Không cho người lạ vào nhà; Không "chat" với người lạ; Nhớ số điện thoại của bố mẹ; Đeo đồng hồ có định vị; Đối phó với kẻ bắt cóc như hét lên, chống trả bằng thể lực…”, luật sư Tuấn nhấn mạnh./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực