Mới đây, đoạn clip ghi lại hình ảnh 19 chú chó bị nhốt trong lồng, xung quanh có nhiều đồ đạc gia dụng để dưới sân một chung cư ở quận 7 (TP HCM) giữa trời nắng gây xôn xao dư luận. Một số người dân cho biết họ đã thay nhau túc trực chăm sóc.
Đến chiều 3/4, chủ nhân của 19 chú chó - chị N.P (SN 1989) trở lại chung cư, gọi xe đến để vận chuyển đồ đạc cá nhân đi, phủ nhận chuyện bỏ rơi đàn thú cưng, đồng thời nhấn mạnh rất yêu thương chúng. Nguyên nhân đàn chó và đồ đạc bên dưới chung cư là vì "bị ép chuyển đi" vì một số lý do.
Liên quan tới sự việc trên, nhiều bạn đọc muốn biết quy định pháp luật liên quan tới nuôi chó, mèo trong phạm vi khu chung cư.
Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Trương Anh Tuấn (đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết mức sống của người dân Việt Nam thời gian qua đã được cải thiện đáng kể, trong đó ghi nhận xu hướng ở các khu chung cư của nhiều gia đình.
Không chỉ giới hạn để trông nhà hay bắt chuột, hiện không ít gia đình coi chó, mèo là vật nuôi phổ biến bởi sự thân thiện và dễ thương của chúng. Xung quanh việc nuôi chó, mèo có nhiều nội dung người dân đang quan tâm như cơ sở cung cấp giống uy tín, nơi bán thức ăn, dịch vụ chăm sóc, nơi chữa bệnh, thậm chí cả lo phần hậu sự cho chúng.
|
Ảnh minh họa, nguồn: visaho.vn |
Điều 2 Chương I Luật Chăn nuôi 2018 (Luật số: 32/2018/QH14, ngày 19 tháng 11 năm 2018, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2020) nêu rõ: Gia súc là các loài động vật có vú, có bốn chân được con người thuần hóa và chăn nuôi. Gia cầm là các loài động vật có hai chân, có lông vũ, thuộc nhóm động vật có cánh được con người thuần hóa và chăn nuôi.
Trong khi đó, động vật khác trong chăn nuôi là động vật ngoài gia súc, gia cầm và ngoài Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, động vật rừng thông thường, động vật thủy sản, danh mục động vật rừng hoang dã thuộc Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
Ngoài ra, tại Phụ lục II Thông tư 23/2019/TT-BNNPTNT, ngày 30 tháng 11 năm 2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về hoạt động chăn nuôi thì chó, mèo được xếp vào loại động vật khác.
Luật sư Tuấn cho rằng, căn cứ vào các quy định trên, có thể thấy chó, mèo không thuộc danh mục gia súc, gia cầm, và việc nuôi chó, mèo trong nhà chung cư không thuộc hành vi bị cấm theo quy định.
Tuy nhiên, Khoản 3 Điều 35 Mục 2 Chương IV Nghị định 99/2015/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 30/2021/NĐ-CP, ngày 26 tháng 3 năm 2021) lại quy định hành vi chăn, thả gia súc, gia cầm trong khu vực nhà chung cư là một trong các hành vi bị nghiêm cấm.
Theo quy định tại Điều 66 Mục 1 Chương V Luật Chăn nuôi 2018, chủ nuôi chó, mèo phải thực hiện các yêu cầu sau đây: Thực hiện tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định của pháp luật về thú y; Khi nghi ngờ chó, mèo có triệu chứng bệnh dại phải báo ngay cho Ủy ban Nhân dân cấp xã hoặc cán bộ chăn nuôi, thú y cơ sở và thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật về thú y; Có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi khác, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y; Trường hợp chó, mèo tấn công, gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Có thể nói, Luật Chăn nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành có liên quan đã cụ thể hoá các yêu cầu, điều kiện của một cơ sở, hộ gia đình hay cá nhân chăn nuôi gia súc, gia cầm trong đó có chó, mèo cần bảo đảm các yếu tố có liên quan đến an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường…
Nếu thú cưng được nuôi là gia súc, gia cầm thì cá nhân hay hộ gia đình không được chăn, thả trong khu vực chung cư. Trường hợp thú cưng là các loài động vật ngoài gia súc, gia cầm và ngoài danh mục động vật nêu trên thì pháp luật Việt Nam không cấm nuôi. Khi đó, chủ vật nuôi cần nâng cao trách nhiệm theo đúng quy định, khai báo với chính quyền địa phương; thực hiện các biện pháp phòng bệnh và bảo đảm an toàn cho chó, mèo theo hướng dẫn của cơ quan thú y./.