Từ nạn nhân “bỗng dưng” trở thành bị can, người nhà kêu cứu!

Thứ ba, 16/01/2018 18:18
(ĐCSVN) - Khi ra quyết định khởi tố với Phạm Anh Tuấn ở phố Bãi Nai, xã Mông Hóa, cơ quan Công an huyện Kỳ Sơn – Hòa Bình đã căn cứ vào nhiều tình tiết rất “khó hiểu”, thiếu tính lo-gic, tính thuyết phục từ quá trình điều tra để kết luận vụ việc. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn tới việc người mẹ gửi đơn kêu cứu tới nhiều cơ quan chức năng và cơ quan báo chí.

Từ nạn nhân “bỗng dưng” trở thành bị can, người nhà kêu cứu!

Như chúng tôi đã phản ánh ở bài viết trước, Phạm Anh Tuấn, trú ở phố Bãi Nai, xã Mông Hóa, huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) trên đường đi học về, khi di chuyển sang đường để vào nhà thì bị Nguyễn Hữu Đức điều khiển xe máy có dung tích lớn, không có giấy phép lái xe, không làm chủ tốc độ tự gây tai nạn khiến bản thân thiệt mạng, và Phạm Anh Tuấn là người bị tông xe, lẽ ra phải là nạn nhân lại bị cơ quan chức năng khởi tố.

Liên quan đến vụ việc, Công an huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình đã tiến hành điều tra và ra quyết định Khởi tố vụ án Hình sự, quyết định khởi tố bị can với Phạm Anh Tuấn về tội: Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ…

Phản ứng trước kết luận và quyết định của cơ quan điều tra, người nhà Phạm Anh Tuấn đã gửi đơn kêu cứu tới nhiều cơ quan chức năng, cơ quan báo chí vì cho rằng, trong quá trình điều tra Công an huyện Kỳ Sơn đã bỏ qua nhiều tình tiết quan trọng, dẫn đến kết luận vụ việc bị thay đổi về bản chất, thiếu chính xác, khách quan.. để từ đó làm căn cứ ra quyết định khởi tố bị can thiếu cơ sở pháp lý?!

Quyết định đình chỉ điều tra, quyết định phục hồi điều tra của Cơ quan điều tra,
Công an huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: Trần Chiến)

Nhiều tình tiết quan trọng đã không có trong Kết luận điều tra?!

Trải qua quá trình nghiên cứu, đối chiếu các tài liệu liên quan vụ việc, chúng tôi thấy, tại Kết luận điều tra (KLĐT) số 16/KLĐT ngày 7/3/2017 của Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) - Công an huyện Kỳ Sơn, do Thiếu tá Vũ Hoài Nam Sơn ký có khá nhiều tình tiết mâu thuẫn.

Cụ thể, tại phần nhận xét, đề nghị nêu: Bị can Phạm Anh Tuấn là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và nhận thức pháp luật, khi tham gia giao thông do không chấp hành nghiêm luật (GTĐB), điều khiển xe máy chuyển hướng (từ phải sang trái) đột ngột, không chú ý quan sát nên đã gây ra tai nạn giao thông…

Tuy nhiên, tại phần Nội dung vụ án lại cho rằng Tuấn đã dừng xe phía bên phải lề đường, nơi mẹ đẻ bán hoa quả để ăn táo và nói chuyện với mẹ, sau đó mới di chuyển sang đường từ phải sang trái để về nhà nằm ở phía đối diện. Như vậy, việc Tuấn đã dừng xe và sau đó mới đi ngang sang đường (bằng cách dùng chân đẩy xe, hướng đi vuông góc với hướng di chuyển 2 chiều trên đường) có bị coi là "chuyển hướng xe" -  theo Điều 15 Luật Giao thông đường bộ 2008 (GTĐB) như trong phần kết luận của cơ quan CSĐT?

Ngoài ra, căn cứ theo Luật GTĐB thì Tuấn đã dừng xe đúng quy định, đúng lề đường phải, ăn táo nơi mẹ bán hàng sau đó dùng tay xin đường, di chuyển sang ngang về nhà mình..., động tác xin đường của Tuấn là tình tiết chứng minh bản chất vụ việc đã không có trong nội dung bản KLĐT của Công an huyện Kỳ Sơn là điều “vô tình hay hữu ý”(?!)

Một tình tiết quan trọng khác cũng không được Công an huyện Kỳ Sơn xem xét, đề cập trong bản KLĐT số 16/KLĐT ngày 7/3/2017, đó là thời điểm điều khiển phương tiện và gây tai nạn, Nguyễn Hữu Đức (sinh năm 2001) chưa có giấy phép lái xe. Trong khi đó, địa điểm gây tai nạn là khu vực có biển báo hạn chế tốc độ (biển báo 225 – chú ý trẻ em), biển báo trường học, có gờ giảm tốc…

Nếu chiểu theo lo-gic diễn biến, Tuấn giơ tay ra hiệu sang đường, Đức chạy xe nhanh đâm vào người và xe Tuấn, trong khi Đức chưa đủ điều kiện điều khiển, và mất kiểm soát tốc độ phương tiện thì Tuấn mới là nạn nhân trong vụ việc trên.

Tuy nhiên, cơ quan điều tra đã không căn cứ vào các tình tiết thực tế quan trọng trên của vụ việc để xem xét tổng thể mà đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm Anh Tuấn theo Điều 202, khoản 1 Bộ luật Hình sự có phần vội vàng “khó hiểu” và thiếu khách quan. Bên cạnh đó, trong kết luận có thiếu sót khi không đề cập đến trách nhiệm của đối tượng liên đới là chủ xe, khi giao phương tiện dung tích trên 50 cm3 cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông, và gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Căn cứ vào một số tài liệu quan trọng mà chúng tôi đang có, sau khi có bản KLĐT số 16/KLĐT, ngày 7/3/2017, cơ quan tiến hành tố tụng huyện Kỳ Sơn đã tiến hành họp 3 ngành 2 cấp với các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Hòa Bình (9/5  và 7/7/2017). Được biết, tại cuộc họp, xét thấy tình tiết vụ án có nhiều vấn đề cần làm sáng tỏ, để đảm bảo đúng người, đúng tội, xem xét cụ thể về địa hình khu vực cũng như các tình tiết dẫn tới vụ tai nạn không hoàn toàn do lỗi của Tuấn. Ngoài ra, kết quả giám định về độ tuổi, thấy Phạm Anh Tuấn chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, các cơ quan tiến hành tố tụng cấp Tỉnh đã đưa ra quan điểm dừng khởi tố Phạm Anh Tuấn.

Ngày 15/8/2017, cơ quan CSĐT - Công an huyện Kỳ Sơn ra Quyết định đình chỉ điều tra bị can số 03/QĐ-CSĐT, ngày 15/8/2017 với Phạm Anh Tuấn với lý do: Căn cứ vào các nguồn tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ xét thấy đây là vụ TNGT hai bên đều có lỗi gây ra tai nạn, căn cứ vào kết luận giám định độ tuổi của Phạm Anh Tuấn tại thời điểm gây tai nạn chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.

Bên cạnh đó, cùng ngày với Quyết định đình chỉ bị can số 03/QĐ-CSĐT trên, bản KLĐT số 33/KL-CSĐT cũng được cơ quan CSĐT Công an huyện Kỳ Sơn ban hành. Đáng lưu ý, trong bản KLĐT tiếp theo này, nhiều tình tiết quan trọng của vụ việc mới được đề cập tới. Cụ thể như: Việc  Nguyễn Hữu Đức điều khiển xe máy đâm vào xe của Phạm Anh Tuấn là do không làm chủ được tốc độ; Khu vực Đức điều khiển xe chạy qua gây ra tai nạn là khu vực hạn chế tốc độ (có cắm biển báo 225 – chú ý trẻ em, bởi đây là khu vực có trường học).  

Như vậy, dựa trên những tình tiết mới, Quyết định đình chỉ bị can do cơ quan CSĐT Công an huyện Kỳ Sơn có thể coi là thấu tình, đạt lý.

Công an huyện Kỳ sơn có “cố tình” làm trái luật?

Khi tiến hành họp 3 ngành 2 cấp với các cơ quan tố tụng  tỉnh Hòa Bình và nhận được những quan điểm khá rõ ràng từ phía cơ quan cấp tỉnh, Công an huyện Kỳ Sơn đã đình chỉ bị can. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, ngày 7/11/2017, ông Vũ Hoài Nam Sơn – Phó thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình lại tiếp tục ra quyết định phục hồi điều tra bị can số 02/QĐ-CSĐT, ngày 7/11/2017 với Phạm Anh Tuấn và Quyết định phục hồi điều tra vụ án hình sự số 02/QĐ-CSĐT, ngày 7/11/2017 đối với vụ việc trên?

Mới đây nhất, tại KLĐT vụ án đề nghị truy tố số 01/KLĐT, ngày 21/12/2017 cũng do ông Vũ Hoài Nam Sơn ký lại làm gia đình Phạm Anh Tuấn vô cùng khó hiểu bởi những kết luận, đề nghị thiếu khách quan như bản KLĐT ban đầu?! Cụ thể, mặc dù Phạm Anh Tuấn là người bị phương tiện khác đâm phải trong quá trình di chuyển qua đường (nơi không cấm qua đường) nhưng tại đây cơ quan CSĐT lại cho rằng hành vi điều khiển xe máy đi qua đường của Phạm Anh Tuấn là lỗi chính, là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vụ tai nạn giao thông càng khiến quá trình giải quyết vụ việc trở nên “tiền hậu bất nhất”?

Địa điểm xảy ra tai nạn là khu vực có biển báo hạn chế tốc độ (biển báo 225 – chú ý trẻ em),
biển báo trường học, có gờ giảm tốc… (Ảnh: Trần Tuấn)

Hơn nữa, việc xác minh lỗi của Tuấn liệu có thiếu khách quan khi chỉ xét đến việc di chuyển qua đường là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn, trong khi cơ quan CSĐT không hề xác định được Tuấn di chuyển qua đường với vận tốc bao nhiêu? Trong khi đó, người điều khiển chiếc xe máy đâm phải Tuấn là Đức đang di chuyển với tốc độ cao, không làm chủ được tốc độ (nêu tại bản KLĐT số 33/KLĐT của cơ quan CSĐT huyện Kỳ Sơn) nên đâm vào và đẩy nạn nhân Tuấn văng xa trên đường hơn 11m (nêu tại KLĐT số 16 ngày 7/3/2017 của Công an huyện Kỳ Sơn).

Và đặc biệt là tại thời điểm xảy ra vụ tai nạn, Đức chưa đủ tuổi cấp giấy phép lái xe để điều khiển loại phương tiện có dung tích xi-lanh lớn. Như vậy, chỉ trong 01 vụ tai nạn giao thông, nhưng cơ quan CSĐT – Công an huyện Kỳ Sơn lại ban hành tới 03 bản KLĐT với những chi tiết “bất thường” như trên, điều này khiến dư luận, người dân và gia đình Tuấn không khỏi hoài nghi tới sự khách quan của cơ CSĐT Công an huyện Kỳ Sơn trong quá trình điều tra vụ việc?!

Một diễn biến khác, ngày 24/04/2017, cơ quan CSĐT Công an huyện Kỳ Sơn gửi tới gia đình Phạm Anh Tuấn giấy triệu tập bị can, tuy là 02 giấy triệu tập số 06 và số 07 nhưng lại được cơ quan này ban hành cùng trong 1 ngày. Điều này  làm gia đình Tuấn thắc mắc về quy trình, trình tự tố tụng và cách làm việc của cơ quan điều tra Công an Huyện Kỳ Sơn liệu có sự nhầm lẫn thực sự?

Để đảm bảo tính khách quan khi tìm hiểu về vụ việc, chúng tôi đã liên hệ và làm việc với một số cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình. Trong buổi làm việc với ông Nguyễn Văn V. – Chánh án tòa Hình sự, Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình, ông V cho biết: “Sau bản KLĐT vụ án đề nghị truy tố số 16/KLĐT ngày 7/3/2017, các cơ quan tiến hành tố tụng tại huyện Kỳ Sơn đã báo cáo, xin ý kiến, đồng thời tiến hành họp 3 ngành 2 cấp đối với các cơ quan tố tụng tỉnh Hoà Bình. Tuy nhiên, sau 02 lần họp, chúng tôi đã yêu cầu cơ quan điều tra huyện Kỳ Sơn xác minh lại hiện trường vụ tai nạn, xác minh lại độ tuổi của Phạm Anh Tuấn và đưa ra quan điểm: Thứ nhất, dựa trên hồ sơ giám định độ tuổi thì Phạm Anh Tuấn chưa đủ 16 tuổi, như vậy không đủ tuổi để tiến hành khởi tố bị can.

Thứ hai, về hiện trường vụ tai nạn, nguyên nhân lỗi chủ yếu là do Nguyễn Hữu Đức, Đức do không làm chủ tốc độ nên đã đâm trực tiếp vào xe của Tuấn, mặc dù Tuấn cũng là tác nhân gây ra vụ tai nạn nhưng chưa đủ căn cứ để xác định lỗi hoàn toàn là do cháu Tuấn gây ra”.

Đó là quan điểm nhất quán của đại diện cơ quan tố tụng tỉnh Hòa Bình, tuy nhiên hiện tại, Công an huyện Kỳ Sơn vẫn tiếp tục đưa ra quyết định phục hồi điều tra bị can, cũng như quyết định phục hồi điều tra vụ án hình sự, trong khi “bị can” chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, người điều khiển phương tiện tự gây tai nạn và thiệt mạng khi chưa có giấy phép lái xe? Sự việc này đã thấu tình, đạt lý? Câu trả lời xin gửi lại các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Kỳ Sơn, cũng như những cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình?!

Luật sư Vũ Duy Tôn – Trưởng văn phòng Luật sư Hòa Bình, nguyên Phó chánh án tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình cho biết: “Cơ quan CSĐT – Công an huyện Kỳ Sơn khởi tố bị can đối với Phạm Anh Tuấn trong vụ TNGT xảy ra ngày 8/12/2016 là việc làm thiếu khách quan. Căn cứ vào hồ sơ vụ án, căn cứ vào bản KLĐT số 33 ngày 15/8/2017 của CSĐT – Công an huyện Kỳ Sơn thì thấy rõ, chính Nguyễn Hữu Đức mới là người có lỗi trong vụ án này. Vì Đức chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện (xe mô tô) khi tham gia giao thông, do đó không hiểu về quy tắc giao thông, khi đi vào nút giao thông đông dân cư đã không chấp hành biển báo tốc độ, gờ giảm tốc độ, không làm chủ tốc độ và tay lái đã đâm vào xe của Tuấn đang trong quá trình sang đường, gây nên tai nạn. Ngoài ra, không có cơ sở chứng minh Tuấn đang đi trên đường mà chuyển hướng đột ngột vi phạm khoản 2 Điều 15 Luật Giao thông đường bộ. Cơ quan CSĐT – Công an huyện Kỳ Sơn cần phải đình chỉ ngay quyết định khởi tố bị can đối với Phạm Anh Tuấn để giải quyết vụ việc theo đúng  trình tự, quy định của pháp luật”. 

 Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trong những diễn biến tiếp theo…

Quang Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực