Vụ tranh chấp nhà đất kéo dài hơn 20 năm tại TP. Hồ Chí Minh: TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục thụ lý vụ án hơn 22 tháng vẫn chưa đưa ra xét xử

Thứ sáu, 23/08/2024 15:48
“Kể từ khi thụ lý vụ án từ ngày 17.10.2022 đến nay là hơn 22 tháng, TAND TP Hồ Chí Minh vẫn chưa đưa vụ án ra xét xử. Việc Toà án chậm trễ đưa vụ án ra xét xử có dấu hiệu vi phạm Điều 203 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của nguyên đơn. Trong vụ án này, nguyên đơn đã phải theo đuổi công lý trong suốt 23 năm, kiệt quệ kinh tế, suy kiệt tinh thần, sức khoẻ”, luật sư Mai Lưu Phúc, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh bày tỏ quan điểm.
Nhà đất số 16/2 đường Hùng Vương nối dài (sau đó được đổi thành 171 Kinh Dương Vương và hiện nay là 431 Kinh Dương Vương, quận Bình Tân) 

Vụ án kéo dài 23 năm, sau 22 tháng thụ lý, bao giờ TAND TP Hồ Chí Minh mới đưa ra xét xử?

Vụ án tranh chấp quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất số 16/2 đường Hùng Vương nối dài (sau đó được đổi thành 171 Kinh Dương Vương và hiện nay là 431 Kinh Dương Vương, quận Bình Tân) bắt đầu từ năm 2001. Vụ án được các cấp Tòa đưa ra xét xử giữa nguyên đơn là ông Trang Văn Minh, bị đơn là bà Thạch Thị Sari.

Năm 2012, TAND Tối cao có Quyết định tái thẩm, tuyên huỷ các bản án đã tuyên trước đó, giao hồ sơ vụ án cho TAND TP. Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định pháp luật (thời điểm này bà Thạch Thị Sari chết vào năm 2010).

Hơn 8 năm sau, ngày 2.10.2020, TAND TP. Hồ Chí Minh ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự và Quyết định huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm các đương sự mua bán, sang nhượng, cầm cố, thế chấp, thay đổi hiện trạng nhà và đất xung quanh đối với tài sản đang tranh chấp tại số 171 Kinh Dương Vương và hiện nay là 431 Kinh Dương Vương, quận Bình Tân.

Ngày 14.2.2022, TAND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh có Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự ngày 2.10.2020 của TAND TP. Hồ Chí Minh.

Đến ngày 1.7.2022, TAND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh Quyết định giám đốc thẩm, qua đó tuyên huỷ Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự ngày 2.10.2020 của TAND TP. Hồ Chí Minh về vụ án “Tranh chấp quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là ông Trang Văn Minh, bị đơn là bà Thạch Thị Sari. Giao hồ sơ vụ án cho TAND TP. Hồ Chí Minh giải quyết sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Ngày 17.10.2022, TAND TP. Hồ Chí Minh có Thông báo thụ lý vụ án số 383/TB-TL.VA. Như vậy, hơn 23 năm “xử rồi hủy, hủy rồi xử”, vụ án này lại về “điểm ban đầu”. 

Tuy nhiên, điều khiến các đương sự liên quan vụ án bất bình là đến nay đã 22 tháng vụ án được thụ lý lại nhưng TAND TP. Hồ Chí Minh chưa đưa ra xét xử.

Từ khi TAND TP Hồ Chí Minh thụ lý vụ đến nay, ông Trang Minh Nhựt (con trai ông Trang Văn Minh) đã nhiều lần gửi đơn đến TAND Tối cao bày tỏ bức xúc. Ngày 4.1.2024, TAND Tối Cao đã có công văn gửi TAND TP Hồ Chí Minh cho biết TAND Tối cao nhận được 3 đơn của công dân Trương Minh Nhựt đề ngày 10.10.2023 (nộp trực tiếp tại Ban thanh tra TAND Tối cao) phản ánh về việc giải quyết vụ án tranh chấp của gia đình công dân. TAND Tối cao đã chuyển đơn này đến TAND TP Hồ Chí Minh xem xét, giải quyết.

Trong một diễn biến liên quan vụ án, ngày 18.12.2023, TAND TP Hồ Chí Minh ra thông báo về việc đo vẽ do thẩm phán Lại Huỳnh Tú ký với nội dung: TAND TP Hồ Chí Minh thông báo cho các đương sự có tên nêu trên được biết về việc Trung tâm đo đạc bản đồ thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường TP Hồ Chí Minh sẽ thực hiện việc đo vẽ hiện trạng vị trí nhà đất tại hiện trạng vị trí nhà đất số 431, 431A, 431B Kinh Dương Vương, phường An Lạc, quận Bình Tân (số cũ 16/2, sau đó là 171 Hùng Vương nối dài, khu phố 6, thị trấn An Lạc, huyện Bình Chánh), TP Hồ Chí Minh”.

 
Thông báo về việc đo vẽ của TAND TP Hồ Chí Minh. 

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Mai Lưu Phúc, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ra thông báo thụ lý số: 383/TB-TLVA ngày 17.10.2022. Vụ án này đã giải quyết từ năm 2001, trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Toà án các cấp trước đây thì được thu thập đầy đủ các tài liệu chứng cứ để giải quyết vụ án. Đến nay khi Toà án thành phố Hồ Chí Minh xét xử lại lần 3, theo tôi, không xuất hiện tình tiết nào mới có thể làm thay đổi bản chất vụ án.

Hơn nữa, theo Điều 203 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định thời hạn chuẩn bị xét xử:

1. Thời hạn chuẩn bị xét xử các loại vụ án, trừ các vụ án được xét xử theo thủ tục rút gọn hoặc vụ án có yếu tố nước ngoài, được quy định như sau:

a) Đối với các vụ án quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này thì thời hạn là 04 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án;

Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 02 tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 203.

Vụ án tranh chấp quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất giữa ông Trang Văn Minh và bà Thạch Thị Sary được quy định tại Điều 26.

Luật sư Mai Lưu Phúc, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh: "Việc Toà án chậm trễ đưa vụ án ra xét xử có dấu hiệu vi phạm Điều 203 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của nguyên đơn". 

Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: Lập hồ sơ vụ án; Xác định tư cách đương sự, người tham gia tố tụng khác; Xác định quan hệ tranh chấp giữa các đương sự và pháp luật cần áp dụng; Làm rõ những tình tiết khách quan của vụ án; Xác minh, thu thập chứng cứ theo quy định của Bộ luật này; Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; Tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải theo quy định của Bộ luật này, trừ trường hợp vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn; Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Bộ luật này.

Mặc dù tư cách đương sự, người tham gia tố tụng, xác định quan hệ tranh chấp, các tình tiết khách quan vụ án, tài liệu chứng cứ… đã được các cấp Toà án trước đây thực hiện đầy đủ. Đáng lẽ ra, Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phải xem xét, giải quyết vụ án một cách nhanh chóng nhằm đảm bảo quyền lợi cho đương sự trong vụ án này. Vì bản chất vụ án này đã kéo dài từ năm 2001 đến nay.

Nhưng kể từ khi Toà án thụ lý vụ án từ 17.10.2022 thì đến ngày 27.11.2023, Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh  mới ra Quyết định xem xét, thẩm định tại chỗ; Ngày 18.12.2023, Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh  ra Thông báo về việc đo vẽ.

Kể từ ngày thụ lý vụ án đến nay là 22 tháng, vượt quá thời gian chuẩn bị xét xử theo quy định pháp luật nhưng vẫn chưa biết khi nào vụ án mới được đưa ra xét xử. Việc Toà án thành phố Hồ Chí Minh chậm trễ đưa vụ án ra xét xử là có dấu hiệu vi phạm Điều 203 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của nguyên đơn”.

Nhà đất 431 Kinh Dương Vương trong vụ án tranh chấp có nguồn gốc như thế nào?

Theo trình bày của ông Trang Minh Nhựt (SN 1977, ngụ 431 Kinh Dương Vương, khu phố 6, phường An Lạc, quận Bình Tân) và nội dung trong các bản án đã xét xử thể hiện, năm 1988, ông Trang Văn Minh (SN 1934, cha ruột ông Trang minh Nhựt) mua nhà đất tọa lạc tại 16/2 đường Hùng Vương nối dài (sau đó được đổi thành 171 Kinh Dương Vương và hiện nay là 431 Kinh Dương Vương, quận Bình Tân) với giá 7,5 lượng vàng 24K. Giao dịch mua bán được nhiều người chứng kiến, ký xác nhận tại UBND phường. Do nhiều lý do nên anh ông Minh đã nhờ bà Thạch Thị Sari đứng tên, trông coi giúp khu nhà đất này.

Năm 1998, khi thực hiện quy hoạch mở đường, tổ công tác đến yêu cầu bà Sari (người đứng tên trong hợp đồng mua bán nhà đất) nộp các giấy tờ liên quan nhưng bà Sari không có (vì toàn bộ giấy tờ ông Minh quản lý). Tuy nhiên, bà Sari tự làm đơn cớ mất nộp cho tổ công tác đền bù giải tỏa với mục đích lấy tiền đền bù giải tỏa. Sau đó, ông Minh phát hiện và mang toàn bộ giấy tờ bản chính liên quan đến nhà đất này nộp cho ban đền bù giải tỏa để làm sáng tỏ.

Trong suốt 23 năm “xử rồi hủy, hủy rồi xử”, vụ án nay lại về “điểm ban đầu” 

Bà Sari tiếp tục làm đơn tranh chấp liên quan toàn bộ tài sản mà bà đã đứng tên giúp ông Minh. Trong quá trình giải quyết tranh chấp, ngày 22.6.2001, TAND huyện Bình Chánh ra quyết định kê biên khẩn cấp tạm thời, cấm các đương sự mua bán, sang nhượng, cầm cố, thế chấp, thay đổi hiện trạng nhà đất trên để đảm bảo cho việc xét xử và thi hành án. Ngày 11.7.2001, Cơ quan Thi hành án cùng TAND huyện Bình Chánh, chính quyền địa phương lập biên bản kê biên toàn bộ nhà đất với diện tích hơn 1.700m2.

Trong khi Tòa án đang thụ lý giải quyết và tài sản tranh chấp đang bị kê biên thì UBND huyện Bình Chánh lại thu lý giải quyết khiếu nại trái thẩm quyền và công nhận cho bà Sari 1.512m2 đất trống trong khuôn viên đất là tài sản đang bị kê biên. Việc làm không đúng quy định pháp luật nêu trên sau này được UBND quận Bình Tân (tách ra từ huyện Bình Chánh) xử lý bằng việc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSDĐ) do UBND huyện Bình Chánh (cũ) cấp chuyển nhượng giữa bà Thạch Thị Sari và bà Liên Diệp đối với phần đất 1.225m2.

Liên quan đến những sai phạm của UBND huyện Bình Chánh thời điểm này, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo xử lý 9 cán bộ công chức sai phạm trong việc giải quyết tranh chấp nhà đất tại 171 (số mới 431) Kinh Dương Vương. Cũng từ những quyết định sai quy định pháp luật của UBND huyện Bình Chánh thời điểm này dẫn đến hệ luỵ kiện cáo kéo dài suốt nhiều năm.

Báo Đại biểu Nhân dân sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc và cử tri cả nước.

Theo Báo Đại biểu Nhân dân

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực