Trước đó, cư dân và trụ trì chùa Linh Thông (phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội) có nhiều đơn thư phản ánh về việc một số hộ dân xây dựng nhà ở, lều lán trái phép tại khu vực cổng tam quan thuộc phần đất chùa cổ Linh Thông gây bức xúc trong dư luận kéo dài, cũng như ảnh hưởng tới uy tín của chính quyền địa phương.
Ngày 05/01/2024, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Đặng Thanh Tuấn, Phó Chánh văn phòng HĐND, UBND quận Nam Từ Liêm cho rằng “vụ việc có nhiều điểm cần làm rõ” nên “mất thời gian” chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn kiểm tra, rà soát lại vi phạm đất đai xung quanh khu vực chùa Linh Thông để đưa ra giải pháp xử lý tổng thể. Dự kiến trong tuần này, tức chậm nhất 13/01/2024 sẽ có kết quả.
Vậy là dư luận lại thêm một lần nữa chờ đợi trong hi vọng bởi từ trung tuần tháng 11 năm 2023, đồng chí Nguyễn Quốc Nam, khi đó là Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm (hiện chuyển qua chức danh Phó Chủ tịch HĐND quận Nam Từ Liêm) cũng đã chốt "như đinh đóng cột" sẽ chỉ đạo xử lý dứt điểm trong tuần.
Trước đó, thành phố Hà Nội đã có chỉ đạo “nóng”. Cụ thể, ngày 29/6/2023, Văn phòng Thành ủy Hà Nội có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy về các vấn đề, vụ việc bức xúc trên địa bàn do báo chí phản ánh. Về việc này, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Giám đốc, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chỉ đạo kiểm tra, làm rõ thông tin và xử lý các vấn đề báo chí phản ánh theo quy định pháp luật, trong đó UBND quận Nam Từ Liêm làm rõ thông tin “cần xử lý dứt điểm việc tái lấn chiếm chùa cổ Linh Thông”.
|
Căn nhà số 4 của gia đình bà Đỗ Thị Hiền nằm sát cổng Tam quan chùa Linh Thông và chưa được cấp “sổ đỏ” (Ảnh: Anh Tuấn) |
Đến ngày 30/6, Phó Chủ tịch UBND phường Đại Mỗ là ông Nguyễn Viết Hùng có Báo cáo 317/BC-UBND gửi Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, UBND quận Nam Từ Liêm liên quan đến sự việc. Tiếp đó, ngày 10/7, Phó Chủ tịch phường Đại Mỗ có thêm Báo cáo 341/BC-UBND, gửi UBND quận Nam Từ Liêm và Ban Chỉ đạo 197 quận Nam Từ Liêm.
Liên quan đến nội dung hai báo cáo của Phó Chủ tịch Nguyễn Viết Hùng, các phật tử nhà chùa và người dân địa phương tỏ ra không đồng tình vì cho rằng có nhiều điểm chưa phản ánh đầy đủ, chính xác.
Cụ thể, trong hai báo cáo của Phó Chủ tịch phường Đại Mỗ chỉ nêu hiện trạng, chưa đưa ra phương án giải quyết dứt điểm vụ việc lấn chiếm diện tích đất của nhà chùa. Thậm chí, không đề cập đến thông tin diện tích đất 360m2 trước cổng chùa được phân lô, mua bán trao tay qua nhiều đời chủ. Riêng căn nhà số 4 của gia đình bà Đỗ Thị Hiền nằm sát cổng Tam quan chùa Linh Thông và chưa được cấp “sổ đỏ”.
Thực tế, thửa đất có diện tích 360m2 đã được nêu rõ trong Kết luận thanh tra 97/KL-TT, ngày 12/8/1993 của UBND huyện Từ Liêm (cũ) ban hành. Trong đó xác định, thửa đất này đã được đổi cho một cá nhân để thu về hiện vật là vật liệu xây dựng để tu bổ các công trình trong khuôn viên chùa. Việc này là vi phạm Điều 5 Luật Đất đai lúc bấy giờ. Do đó, UBND huyện Từ Liêm đã yêu cầu UBND xã Đại Mỗ (nay là phường Đại Mỗ) phải thu hồi lại diện tích đất này. Dù vậy, UBND phường Đại Mỗ không thực hiện yêu cầu tại Kết luận thanh tra 97/KL-TT.
Dù đã bước sang năm 2024, sau chỉ đạo của lãnh đạo Hà Nội, vi phạm đất đai xung quanh khu vực chùa Linh Thông vẫn “án binh bất động”.
Trước đó, giai đoạn 2015 - 2017, chùa Linh Thông được đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng không thể hoàn thiện được Tam quan và tường rào bảo vệ nên nội tự chùa vẫn đang phải quây tôn như một “lô cốt” phá vỡ cảnh quan và tiềm ẩn nhiều rủi ro về an ninh trật tự. Không chỉ thế, di tích chùa cũng đang thuộc diện hoàn thiện hồ sơ khoa học và hồ sơ pháp lý trình UBND thành phố Hà Nội ra quyết định xếp hạng./.