Vị trí Phạm Anh Tuấn sang đường về nhà (theo chiều mũi tên)
từ quầy hoa quả của mẹ (khoanh đỏ) sau đó xảy ra tai nạn. (Ảnh: Trần Tuấn)
Theo nội dung đơn kêu cứu từ bà Trần Thị Tươi (mẹ đẻ của Tuấn), trú tại phố Bãi Nai, xã Mông Hóa, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình, thì vào khoảng 11h25 phút ngày 8/12/2016, con trai bà là Phạm Anh Tuấn (SN 2000) trên đường đi học về đã đỗ xe lại sạp hàng hoa quả do bà bán để gặp mẹ. Vị trí bà Tươi bán hàng nằm bên phải đường giao thông (hướng Hòa Bình - Hà Nội) và cũng là vị trí đối diện cửa nhà bà Tươi. Tại đây, Tuấn dừng xe ở sạp hàng vừa ăn táo vừa nói chuyện với mẹ (Tuấn sử dụng loại xe dưới 50 cm3, biển kiểm soát: 28FZ – 01183).
Sau đó, Tuấn ngồi trên xe (không cài số) và dùng chân đẩy xe sang ngang đường, đồng thời sử dụng tay trái ra tín hiệu xin đường để về nhà mình. Khi Tuấn đẩy xe đi được khoảng 2/3 quãng đường thì bị xe mô tô (Nhãn hiệu Honda – Dream, dung tích 98 cm3, biển kiểm soát: 29Y5 – 168.36) do Nguyễn Hữu Đức (SN 2001) điều khiển, chở theo phía sau là Phạm Minh Chiến (SN 2001), di chuyển theo hướng Hòa Bình – Hà Nội, đâm thẳng vào giữa xe (phía bên trái) của Tuấn làm cả 3 cùng ngã ra đường. Xe và người Tuấn bị đẩy ra xa hơn 11m, ngược lên dốc về hướng Hà Nội.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, bà Tươi cùng người dân đã nhanh chóng đưa cả 3 nạn nhân vào cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Sau khi được điều trị, Phạm Anh Tuấn và Nguyễn Minh Chiến đã tạm thời phục hồi, Nguyễn Minh Đức bị nặng hơn, phải chuyển lên điều trị tại bệnh viện Việt Đức – Hà Nội, nhưng do vết thương quá nặng Đức đã tử vong sau hơn 10 ngày điều trị.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, bà Trần Thị Tươi cho biết: “Sau sự việc trên, gia đình chúng tôi nhận được Bản kết luận điều tra (KLĐT) vụ án, số 16/KLĐT – ngày 7/3/2017 nội dung truy tố con trai tôi là Phạm Anh Tuấn, của cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an huyện Kỳ Sơn, do ông Vũ Hoài Nam Sơn – Phó thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an huyện Kỳ Sơn ký. Nội dung văn bản trên kết luận con tôi đã vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ gây tai nạn giao thông dẫn tới hậu quả chết người…
Ngoài ra, bản kết luận của cơ quan CSĐT Công an huyện Kỳ Sơn cũng đề nghị Viện kiểm sát nhân dân huyện Kỳ Sơn truy tố bị can với Phạm Anh Tuấn về tội: Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.
Trong vụ việc này, bà Trần Thị Tươi phân trần: “Con tôi là người bị Nguyễn Hữu Đức điều khiển xe phân khối lớn, không làm chủ tốc độ đâm phải, đáng nhẽ con tôi phải được coi là nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông thì mới đúng, đằng này con tôi vừa bị tông xe lại vừa bị truy tố đó là chuyện rất vô lý (?!)".
Sau khi nhận được bản kết luận điều tra, xét thấy nội dung ghi nhận trong bản kết luận có nhiều tình tiết không chính xác, bà Trần Thị Tươi đã gửi đơn kêu cứu tới các cơ quan chức năng, cơ quan báo chí với đề nghị và mong muốn được làm sáng tỏ vụ việc.
Đơn kêu cứu của gia đình Phạm Anh Tuấn gửi các cơ quan chức năng,
cơ quan báo chí cùng các bản kết luận điều tra thiếu nhiều tình tiết quan trọng
của cơ quan điều tra, Công an huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình). (Ảnh: Trần Chiến)
Trao đổi với chúng tôi, một số nhân chứng (xin giấu tên) có mặt tại hiện trường ngày hôm đó đều khẳng định: Lúc đó, Phạm Anh Tuấn trên đường đi học về đã dừng hẳn xe lại tại vị trí bán hàng của mẹ để ăn táo, nói chuyện, sau đó mới di chuyển từ vị trí này đi sang ngang đường để về nhà nằm tại vị trí đối diện.
Thực tế xảy ra là vậy và có sự chứng kiến của nhiều người, nhưng không hiểu sao trong phần nhận xét, đề nghị tại bản KLĐT số 16, ngày 7/3/2016 của Công an huyện Kỳ Sơn lại cho rằng, Tuấn điều khiển xe chuyển hướng (từ phải sang trái) đột ngột không chú ý quan sát nên đã gây ra tai nạn giao thông, vi phạm khoản 1, điều 202 – Bộ luật Hình sự. Như vậy là không đúng thực tế và thiếu tính thuyết phục.
Gia đình nạn nhân và nhiều người dân đều nhận định rằng: Nếu căn cứ vào các tình tiết vụ việc thì Tuấn phải là nạn nhân của vụ tai nạn giao thông, bởi khi xảy ra tai nạn, người và xe của Tuấn đang di chuyển đẩy xe bằng chân sang đường về nhà (có ra hiệu bằng tay để sang đường vì xe lúc này xe không nổ máy), đúng lúc di chuyển được 2/3 mặt đường thì Nguyễn Hữu Đức điều khiển xe chạy với tốc độ cao, không làm chủ được tốc độ nên đã đâm ngang xe Tuấn.
Tìm hiểu các tài liệu, hồ sơ vụ việc chúng tôi còn thấy, thời điểm xảy ra tai nạn, Nguyễn Hữu Đức chưa có giấy phép lái xe, tức chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện cơ giới theo quy định của pháp luật, nhưng lại được người nhà giao cho sử dụng phương tiện giao thông có dung tích xi-lanh lớn gây tai nạn thì phần lỗi chính là do Đức và những người liên đới giao xe cho Đức chứ không phải do Tuấn.
Thêm nữa, khi Tuấn di chuyển sang đường, có dùng tay đưa lên vẫy để ra tín hiệu xin đường, tuy nhiên trong bản kết luận điều tra của cơ quan Công an lại không đề cập tới tình tiết này, mà chỉ kết luận rằng Tuấn chuyển hướng đột ngột rẽ sang đường không quan sát, không ra tín hiệu xin đường là hoàn toàn sai sự thật?! Trong khi đó, việc Nguyễn Hữu Đức điều khiển phương tiện khi không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tự gây tai nạn cho bản thân và những người tham gia giao thông là điều quá rõ ràng. Tuy nhiên, trong quá trình Đức nằm điều trị tại bệnh viện, cũng như khi Đức qua đời, gia đình bà Trần Thị Tươi vẫn tới thăm, viếng chu đáo theo phong tục.
Luật sư Nguyễn Văn A, Văn phòng luật sư tỉnh Hòa Bình, người bảo vệ quyền lợi cho Phạm Anh Tuấn cho rằng: “Việc cơ quan CSĐT Công an huyện Kỳ Sơn ra quyết định khởi tố Tuấn, trong khi Tuấn thực tế phải là nạn nhân trong vụ việc trên là điều hết sức vô lý. Đặc biệt là khi Tuấn còn chưa đủ tuổi vị thành niên, thì hành vi này đã gây ảnh hưởng rất lớn tới tâm sinh lý và việc học hành của Tuấn. Nên Luật sư A đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình cần sớm vào cuộc kiểm tra, xác minh, làm rõ vụ việc và tiến hành giải quyết theo đúng trình tự quy định của pháp luật, nhằm đảm bảo tính khách quan của vụ việc”.
Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh về vụ việc này trong các bài viết tiếp theo…