Chuyện đèn xanh, đèn đỏ...

Thứ sáu, 29/09/2017 14:29
(ĐCSVN) - Đã có những búc xúc của người tham gia giao thông khi bị "điều chỉnh" bởi hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại Hà nội; "điển hình" phải kể đến đèn xanh, đèn đỏ tại ngã tư Phạm Hùng – Đỗ Đức Dục (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Cảnh "chôn chân" trên đường đến 4 lần đèn xanh - đỏ vẫn chưa đi qua
được ngã tư Đỗ Đức Dục - Phạm Hùng . Ảnh: QC


Ghi nhận hệ thống tín hiệu đèn giao thông tại địa điểm trên từ hướng Đỗ Đức Dục sang chợ Nam Trung Yên vào tầm giờ cao điểm đi làm buổi sáng gần đây, chúng tôi thấy: Tín hiệu đèn xanh – 20s, đèn đỏ 70s, trong khi trục đường chính Phạm Hùng đèn xanh – 80s, đèn đỏ 30s… Sự bố trí này đang hàng ngày tạo ra những bất cập...

Có thể thấy, đơn vị lắp đặt và hiệu chỉnh thời gian đèn giao thông với chủ ý ưu tiên thời gian di chuyển cho phương tiện đường chính Phạm Hùng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, lưu lượng phương tiện trên đường Đỗ Đức Dục cũng không hề nhỏ. Đây chính là nguyên nhân chính phát sinh ra hệ lụy tắc đường, hỗn loạn giao thông xảy ra triền miên hàng năm qua khiến không ít người đi đường bức xúc.

Đang chờ đèn đỏ, anh Phạm Văn Tùng (quê Nghệ An), hiện đang làm tại một công ty truyền thông trên đường Nguyễn Khang, Hà Nội cho biết: "Mỗi buổi sáng vào giờ cao điểm đi làm, phải đi qua ngã tư Đỗ Đức Dục – Phạm Hùng là sự ám ảnh đối với tôi. Do thời gian chạy tín hiệu đèn xanh, đỏ giữa đường chính và đường phụ lệnh pha nhau lớn, khiến có hôm tphải "chôn" chân  3 đến 4 nhịp đèn xanh - đỏ mới qua được nút giao này.

Ngoài ra, phóng viên còn chứng kiến cảnh đường tắc, một số người điều khiển phương tiện xe máy do thiếu sự kiên nhẫn, đã bất chấp nguy hiểm phóng liều lên vỉa hè để lao xe rẽ ra đường Phạm Hùng xuống hướng nút giao Trung Hòa. Một số khác chỉ đơn giản muốn băng qua rừng xe cộ càng nhanh càng tốt để kịp đưa con đến trường, đi làm và giải tỏa sự ức chế.

Đã vậy, tín hiệu đèn rẽ trái trên trục đường Phạm Hùng vào đường Đỗ Đức Dục, trong khi tín hiệu đèn xanh chỉ có 15s nhưng tín hiệu đèn đỏ tới 90s. Biên độ lớn như vậy có vẻ tạo ra một khoảng cách an toàn, tuy nhiên không hề làm lợi cho tình thế giao thông mà góp phần làm cho tình hình giao thông trở nên rối ren hơn, bởi khi rẽ trái, do thời gian ngắn, nên người điều khiển phương tiện thường phải vù ga (kể cả ô tô, xe máy) để băng nhanh qua ngã tư. Và tình trạng lấn làn, nhốn nháo đã gây ra tình trạng mất an toàn giao thông, đôi khi bị cảnh sát giao thông xử lý do lỗi vô ý vượt đèn vàng...

Ông Lê Trung Thành, nhà ở Mễ Trì Thượng, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) tỏ ra rất bức xúc: “Việc thiết kế thời gian dừng chờ đèn đỏ cho đường ưu tiên quá lâu, trong khi thời gian đèn xanh ngã rẽ quá ít là điều hết sức bất hợp lý. Nhiều hôm tôi phải dừng xe đến 6 nhịp vẫn chưa qua khỏi nút giao cắt này. Người dân chúng tôi mong muốn và kiến nghị cơ quan chức năng sớm xem xét, hiệu chỉnh lại tín hiệu đèn tại đây cho phù hợp với lưu lượng phương tiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia giao thông, tránh nguy cơ ùn tắc, tai nạn giao thông”.

Việc lưu lượng phương tiện giao thông trên đường Đỗ Đức Dục lớn một phần do ở địa bàn phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) hiện nay tập trung khá nhiều lao động, công nhân viên chức, học sinh, sinh viên ở các địa phương về thuê nhà trọ. Bên cạnh đó, tuyến đường trên còn đón một lượng phương tiện khác lưu thông từ một số phường, xã từ địa bàn giáp ranh quận Thanh Xuân sang. Do vậy, vào giờ cao điểm, lượng người và phương tiện tham gia giao thông lại càng tăng đột biến.

Cũng tại ngã tư Đỗ Đức Dục - Phạm Hùng vào một ngày do tắc đường,
nên một số phương tiện trèo lên vỉa hè để đi cho nhanh.... Ảnh: QC

 

“Nếu thời gian đèn đỏ và đèn xanh được cơ quan quản lý điều chỉnh hợp lý, tôi nghĩ tình trạng tắc đường và hỗn loạn giao thông tại ngã tư Phạm Hùng – Đỗ Đức Dục sẽ được giải quyết” – bà Nguyễn Thị Thơ, nhà ở số 126 Đỗ Đức Dục đóng góp ý kiến.

Việc ách tắc giao thông do bất cập cơ sở hạ tầng đành một nhẽ, nay hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại một số nút giao do hiệu chỉnh thời gian chưa hợp lý đang làm cho tình trạng ùn tắc, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn hơn.

Quan sát một số khu vực khác trên địa bàn thành phố Hà Nội, chúng tôi ghi nhận bất cập tương tự liên quan đến đèn tín hiệu giao thông cũng diễn ra ở số nút giao, ngã tư như: Ngã tư Trung Kính - Mạc Thái Tông - Vũ Phạm Hàm; nút giao tại đường Vũ Phạm Hàm-Nguyễn Khang và ngã 3 đường Láng... Hiện tại đây tình trạng đèn xanh đỏ hoạt động thiếu hợp lý cùng với ý thức tham gia giao thông kém của một bộ phận người đi đường như vượt đèn đỏ, rẽ trái, chèn ép phương tiện khác đã thường xuyên gây ra cảnh nhốn nháo, ùn tắc, mất an toàn giao thông.

Còn tại nút giao Ngã Tư Sở, hướng đi từ phố Nguyễn Trãi rẽ trái ra đường Láng, người đi đường phải dừng chờ đèn đỏ lên đến 93 giây, trong khi thời gian di chuyển của đèn xanh chỉ có 15 giây. Tình trạng trên đã khiến không ít người bức xúc khi phải đi qua nút giao này vào mối buổi sáng. Đặc biệt, khi xe cộ rẽ theo hướng đường Láng vào giờ cao điểm buổi sáng rất đông, dừng chờ đèn đỏ bị “dồn cục” lại, dẫn tới ùn tắc liên tục, nhiều hôm trời đổ mưa là lập tức tắc đường cục bộ…

Theo ông Thân Văn Thanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô-tô Việt Nam - một chuyên gia về lĩnh vực an toàn giao thông nhận định: Việc đặt chu kỳ thời gian đèn tín hiệu giao thông cố định chỉ được chấp nhận khi mật độ giao thông còn thấp, ít thay đổi. Khi lưu lượng phương tiện tăng lên, cơ quan chức năng cần phải rà soát và căn chỉnh lại chu kỳ đèn tín hiệu, dựa trên điều kiện thực tế của từng hướng đi tại các nút giao thông. Do đó, nếu mật độ giao thông tại một khu vực có những thay đổi, chuyển biến theo từng thời kỳ, thì việc duy trì chu kỳ đèn tín hiệu cố định từ năm này qua năm khác là không phù hợp. Khi đó, đèn tín hiệu giao thông không những không thực hiện được đúng chức năng định hướng, phân luồng mà còn là một phần nguyên nhân gây ùn tắc giao thông. Ngoài ra, phương án phân làn phương tiện được kỳ vọng góp phần ổn định trật tự giao thông, hạn chế ùn tắc nhưng cách thức triển khai thiếu đồng bộ, chưa thường xuyên, liên tục để tạo thành thói quen của người tham gia giao thông, gây phản tác dụng, không đạt hiệu quả như mong muốn…

"Để giải quyết những bất cập trên, cơ quan chức năng cần thường xuyên khảo sát..., có sự tính toán, điều chỉnh tín hiệu giao thông phù hợp với sự biến động do nhu cầu giao thông tại từng nút giao và từng thời điểm. Cùng với đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý hạ tầng giao thông là Sở Giao thông vận tải (GTVT) và lực lượng CSGT có nhiệm vụ thực thi, cưỡng chế, xử phạt những hành vi vi phạm giao thông" – ông Thanh cho biết thêm.

Từ các vấn đề đã nêu, người tham gia giao thông mong muốn các cơ quan chức năng cần lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp để rà soát, điều chỉnh những bất cập về đèn tín hiệu giao thông tại một số nút giao, ngã tư đường trên địa bàn thủ đô. Đồng thời, cần tham mưu cho cơ quan quản lý liên quan từ trung ương đến địa phương để tìm ra giải pháp phù hợp nhất nhằm xử lý, điều chỉnh lại hệ thống tín hiệu đèn tại mỗi nút giao thông không chỉ riêng thủ đô mà cả ở các địa phương, góp phần giúp người và phương tiện tham gia giao thông được thuận lợi, tránh ùn tắc..../.                                    

Trần Quang Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực