Thanh Hóa mở rộng đối tượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Thứ hai, 26/09/2011 11:26

Từ nay đến năm 2015, tỉnh Thanh Hóa sẽ hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo cán bộ, công chức, viên chức có trình độ đại học và sau đại học ở nước ngoài. Đặc biệt, những đối tượng ngoại tỉnh có nguyện vọng và cam kết tình nguyện phục vụ lâu dài tại Thanh Hóa cũng sẽ được hưởng chính sách ưu đãi này. Đây là bước đi mạnh dạn của Thanh Hóa nhằm thu hút, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao nhằm phục vụ chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Theo đó, những đối tượng đủ điều kiện sẽ được gửi đi đào tạo tại các trường đại học đạt đẳng cấp quốc tế trong khu vực và trên thế giới có mức chi phí thấp nhất, phù hợp với ngành nghề đào tạo theo nhu cầu của tỉnh. Để được hưởng chính sách này yêu cầu đối với các đối tượng đào tạo bậc đại học là học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đạt giải chính thức trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, hoặc thi đại học đạt từ 21 điểm trở lên (chưa nhân hệ số và không có môn nào dưới 5 điểm) thuộc các khối A, B, D1 được trường đại học nước ngoài chấp nhận. Đảm bảo về mặt sức khỏe để học tập, công tác lâu dài theo quy định của Bộ Y tế. Đối với học sinh ngoài tỉnh có nguyện vọng và cam kết tình nguyện phục vụ lâu dài tại Thanh Hóa theo sự phân công của UBND tỉnh, thời gian phục vụ ít nhất gấp ba lần thời gian đào tạo. Những đối tượng này sẽ được hỗ trợ 100% chi phí đào tạo (riêng học phí chi không quá 7.500 USD/năm), ước tính mức hỗ trợ 38.218 USD/người/khóa đào tạo. Những sinh viên đạt xuất sắc về trình độ ngoại ngữ từ 81 điểm TOEFL iBT trở lên nếu có nguyện vọng được gửi đi đào tạo trực tiếp cả 4 năm ở nước ngoài.

Với hình thức đào tạo sau đại học, ngoài đối tượng là cán bộ đang công tác tại các cơ quan Nhà nước có đủ điều kiện, tỉnh còn mở rộng sang các đối tượng là sinh viên tốt nghiệp đại học loại khá, giỏi tại các trường đại học trong cả nước có chuyên ngành đào tạo đại học phù hợp với nhu cầu của tỉnh, có nguyện vọng và tình nguyện, cam kết làm việc lâu dài theo sự phân công của UBND tỉnh tại Thanh Hóa, thời gian phục vụ ít nhất gấp ba lần thời gian đào tạo. Tuổi đời đào tạo thạc sĩ không quá 35 tuổi, tiến sĩ không quá 40 tuổi. Trong đó, đào tạo tiến sĩ yêu cầu có đề cương nghiên cứu phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, được hội đồng khoa học chuyên ngành thẩm định thông qua và được trường đối tác đồng ý chấp thuận. Tỉnh cam kết những học viên đủ tiêu chuẩn tham gia được hỗ trợ 100% chi phí đào tạo. Các học viên thuộc đối tượng do các cơ quan Nhà nước và các đơn vị hưởng lương ngân sách của tỉnh cử đi học được hưởng nguyên lương và phụ cấp (nếu có) trong thời gian học tiếng Anh và bồi dưỡng chuyên môn trong nước. Giai đoạn học ở nước ngoài được hưởng lương và các chế độ khác theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Ngoài mức hỗ trợ của tỉnh, học viên được nhận học bổng từ tổ chức hay cá nhân có nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước sẽ được thưởng mức 50% giá trị học bổng, nhưng không quá 15.000 USD/khóa đào tạo. Đối với những sinh viên đại học nếu kiểm tra không đạt yêu cầu về ngoại ngữ, chuyên môn, sức khỏe để theo học các lớp đào tạo thì sẽ được nhận vào trường Đại học Hồng Đức và được ưu tiên lựa chọn chuyên ngành đào tạo phù hợp. Tỉnh Thanh Hóa cũng khuyến khích các nhà đầu tư, cơ quan, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong tỉnh tài trợ, đỡ đầu hoặc đầu tư cho những sinh viên nghèo học giỏi, có nhu cầu học tập bằng cách đóng góp phần kinh phí ngoài phần kinh phí hỗ trợ của tỉnh và được ưu tiên sử dụng sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Học viên sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trở về nước phải chịu sự phân công công tác của UBND tỉnh. Các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội trong tỉnh có trách nhiệm tiếp nhận và bố trí công việc cho các đối tượng này khi được UBND tỉnh điều động đến nhận nhiệm vụ tại đơn vị. Học viên sau khi hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức về quản lý Nhà nước được tiếp nhận vào biên chế, công chức, viên chức không phải qua thi tuyển. Đồng thời, những học viên hoàn thành chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ được tham gia vào nguồn dự thi đào tạo cán bộ lãnh đạo quản lý của tỉnh.

Thực hiện chương trình này, Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2015, toàn tỉnh sẽ bổ sung 400 cán bộ, công chức, viên chức có trình độ cao cho các cơ quan Nhà nước, các cơ sở sản xuất kinh doanh trong tỉnh đang có nhu cầu và các ngành nghề mới phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực