Đẩy mạnh đổi mới, cải cách thủ tục hành chính tư pháp tại Tòa án

Thứ sáu, 18/03/2016 19:15
(ĐCSVN) – Sáng ngày 18/3, Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác cải cách thủ tục hành chính tư pháp tại TAND và triển khai hướng về thành lập các Tòa chuyên trách trong các Tòa án.

Phát biểu khai mạc, đồng chí Trương Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TANDTC nhấn mạnh: Một trong những yêu cầu mà Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” đề ra là: “…đổi mới thủ tục hành chính trong các cơ quan tư pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý; người dân chỉ nộp đơn đến Tòa án, Tòa án có trách nhiệm nhận và thụ lý đơn”.

Quán triệt tinh thần trên, trong những năm qua, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo TANDTC đã có nhiều văn bản chỉ đạo các Tòa án tập trung thực hiện cải cách thủ tục hành chính tại Tòa án, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi giải quyết công việc tại Tòa án và coi đây là một trong những giải pháp đột phá để nâng cao hiệu quả các mặt hoạt động của Tòa án.

Đặc biệt đối với các Tòa án địa phương, được sự giúp đỡ của Dự án “Phát triển tư pháp và sự tham gia từ cơ sở” của Canađa, TANDTC đã lựa chọn TAND các tỉnh Hưng Yên, Vĩnh Long, Thừa Thiên Huế để triển khai thực hiện thí điểm mô hình cải cách tư pháp “một cửa”. Trên cơ sở kết quả thực hiện thí điểm của các Tòa án này, cho đến nay nhiều Tòa án trong toàn quốc đã triển khai thực hiện theo mô hình này.



Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. (Ảnh: TH).

Việc triển khai thực hiện mô hình cải cách tư pháp “một cửa” cho thấy: Việc tiếp nhận, xử lý đơn và công văn tập trung vào một đầu mối giúp cho công tác quản lý, điều hành, kiểm tra, tổng hợp, báo cáo thuận lợi và kịp thời hơn. Việc giải đáp và hướng dẫn trực tiếp cho người dân thông qua mô hình “một cửa” đã mang lại hiệu quả thiết thực, số lượt người phải đến liên hệ nhiều lần để giải quyết một vụ việc giảm hơn trước; khắc phục được tình trạng nộp đơn tràn lan, không có căn cứ. Tăng cường tính minh bạch, công khai trong các hoạt động của Tòa án, đồng thời bảo đảm quyền giám sát, kiểm tra và tiếp cận công lý của người dân. Việc thực hiện mô hình cải cách tư pháp “một cửa” cũng là điều kiện để cán bộ công chức Tòa án tạo cho mình một phong cách làm việc thân thiện, gần gũi, cầu thị, tăng thêm sự tin tưởng của người dân đối với Tòa án.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác cải cách hành chính tư pháp tại các Tòa án trong thời gian qua vẫn còn bộc lộ một số hạn chế nhất định như: việc triển khai thực hiện chưa đồng đều tại các đơn vị; việc phân công, phân định trách nhiệm giữa các bộ phận, cá nhân trong hoạt động tố tụng và hoạt động hành chính tư pháp của Tòa án chưa được rõ ràng. Mô hình tổ chức bộ máy và quy trình thực hiện hoạt động hành chính tư pháp tại Tòa án các cấp không thống nhất. Mặt khác, trang thiết bị và môi trường làm việc để tiến hành các hoạt động hành chính tư pháp tại Tòa án các cấp chưa hiện đại, khoa học…

Tại Hội nghị, các ý kiến thống nhất cho rằng, mô hình cải cách hành chính tư pháp một cửa phù hợp với xu thế “chuyên môn hóa cao kết hợp với ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại”, nâng cao trách nhiệm chấp hành pháp luật, tăng cường tính minh bạch, công khai trong công tác giải quyết của Tòa án đồng thời bảo đảm quyền giám sát, kiểm tra và tiếp cận công lý của người dân. Tuy nhiên, mô hình này vẫn mang tính chất thử nghiệm, chưa trở thành quy định chung mang tính bắt buộc đối với các Tòa án. Nhiều Tòa án mới chỉ chú trọng đến công tác xét xử còn các hoạt động thuộc lĩnh vực hành chính tư pháp chưa được chú trọng đúng mực. Đáng chú ý, cá biệt vẫn còn có cán bộ có biểu hiện gây phiên hà, nhũng nhiễu với người dân…

Thẩm phán Ngô Tiến Hùng: Phó Chánh án TAND cấp cao Hà Nội cho hay, hiện nay hệ thống thông tin  và cơ sở dữ liệu tại Tòa án còn hay nghẽn mạng gây khó khăn trong truy cập thông tin, trong khi đó các hành vi xâm phạm của các haker ngày càng tinh vi, nguy hiểm,  song để nâng cấp phần mềm tin học hóa mất nhiều kinh phí. “Cần tăng cường an ninh bảo mật, cấp kinh phí thường xuyên để nâng cấp thích ứng với công nghệ hiện đại mới; đồng thời xây dựng mô hình mẫu đổi mới mô hình cải cách tư pháp hành chính để nhân rộng tại các Tòa án”, Thẩm phán Ngô Tiến Hùng đề nghị.

Thẩm phán Nguyễn Hoàng Đệ, Chánh án TAND tỉnh Vĩnh Long đề nghị tiếp tục rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết, công bố công khai minh bạch để các Tòa án triển khai thực hiện.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá, nhận định đối với những kết quả đạt được, những hạn chế tồn tại, đặc biệt là tham gia ý kiến đối với các mô hình hành chính tư pháp đối với từng cấp Tòa án, các ý kiến thống nhất nhận thức và đề ra những mô hình tổ chức công việc phù hợp nhất với từng Tòa án; đề xuất các giải pháp về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để công khai, minh bạch các hoạt động của Tòa án và tiến tới xây dựng Tòa án điện tử vào năm 2020, triển khai thực hiện nghiêm túc các phần mềm ứng dụng đã được xây dựng, đặc biệt là phần mềm quản lý các loại vụ án; áp dụng thống nhất  quy trình một cửa liên thông. Đồng thời, làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tư tưởng và tinh thần phục vụ nhân dân cho đội ngũ, cán bộ công chức Tòa án nhằm tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi giải quyết công việc tại Tòa án, xây dựng TAND thân thiện, gần dân…/.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực