Huyện Tuần Giáo (Điện Biên): Công tác hoà giải gắn kết tình làng nghĩa xóm

Thứ ba, 09/05/2017 10:23
(ĐCSVN) - Đoàn kết làng xóm là một truyền thống quý báu của dân tộc ta. Thời gian qua, huyện miền núi Tuần Giáo (Điện Biên) đã phát huy tốt vai trò của công tác hoà giải trong tham gia nắm bắt, giải quyết những mâu thuẫn, xung đột để gắn kết lại tình nghĩa làng xóm.

 Đội ngũ hòa giải viên ở huyện Tuần Giáo (Điện Biên) luôn tích cực bám sát cơ sở. Ảnh: NQ

"Kịp thời, thiết thực, hiệu quả"

Đây là phương châm hoạt động của các tổ hoà giải trên địa bàn huyện Tuần Giáo. Điều đáng nói là phương châm này không chỉ thể hiện trong các văn bản, chương trình hành động mà quan trọng hơn là còn luôn được quán triệt và thực hiện trong từng nội dung hoà giải cụ thể.

Điển hình như việc phát sinh giữa hai gia đình liền kề nhau ở bản Ten Hon, xã Tênh Phông. Hộ bên trong phải sử dụng lối đi qua phần đất của hộ bên ngoài. Theo bản đồ địa chính cũ, lối đi được để rộng 2 m, sau hộ gia đình bên ngoài căn cứ bản đồ địa chính chính quy mới rào hai bên phần đất nhà mình thì lối đi bị thu hẹp, ảnh hưởng đến việc đi lại của hộ gia đình bên trong. Mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra, hộ gia đình bên ngoài không đồng ý mở rộng lối đi như cũ vì cho rằng, diện tích đó đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vụ việc được đưa lên xã, Tổ hoà giải bản Ten Hon và Ban hoà giải xã Tênh Phông vào cuộc. Quá trình hoà giải đã phân tích, giải thích, động viên để các hộ gia đình vừa hiểu được quy định pháp luật, vừa thấy được tình cảm xóm giềng tối lửa tắt đèn có nhau không thể tách rời, không vì một chuyện nhỏ mà mất đi tình đoàn kết vốn có. Kết quả vụ việc hoà giải thành công, hộ gia đình bên ngoài đồng ý mở rộng lại lối đi cho gia đình bên trong như cũ. 

Ông Mùa Dúa Vàng, Tổ phó Tổ hòa giải bản Ten Hon, xã Tênh Phông cho biết: Tổ hòa giải xã Tênh Phông có 5 thành viên. Quá trình hoạt động, mọi thành viên đều cố gắng nắm rõ những quy định, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đồng thời luôn lắng nghe tâm tư, ý kiến của bà con, để kịp thời giải quyết khi xảy ra mâu thuẫn, vấn đề phát sinh trong đời sống.

Theo ông Mùa Súa Tủa, Phó Chủ tịch UBND xã Tênh Phông, do đặc điểm thói quen, phong tục, tập quán và trình độ nhận thức của người dân vùng cao nên trong hoạt động hoà giải, đối với mỗi vụ việc không thể chỉ đơn giản cho các bên thấy rằng luật pháp điều chỉnh như thế này các bên phải tuân thủ, như vậy có khi lại làm mâu thuẫn, xung đột căng thẳng hơn. Cùng với việc chỉ ra cái đúng, sai theo quy định pháp luật, hơn cả là để mỗi người giảm sự bức xúc, là hàng xóm láng giềng cùng chung sống nên nhường nhịn, chín bỏ làm mười xây dựng tình đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau. Đồng thời kiên trì vận động, thuyết phục, lần đầu hoà giải không thành sẽ tiếp tục tiến hành hoà giả lần 2, lần 3… Nhờ đó, hầu hết các vụ tranh chấp, mâu thuẫn trên địa bàn đã được hoà giải thành công. Người sai nhận lỗi sửa sai, người đúng bỏ qua không chấp nhặt để giữ tình cảm, hoà khí xóm giềng. Riêng năm 2016, xã Tênh Phông tiếp nhận 10 vụ, hoà giải thành công 9 vụ.

Tính chung trong toàn huyện Tuần Giáo hiện có 237 tổ hòa giải, với 1.117 hòa giải viên. Mỗi tổ hòa giải có từ 3 - 7 người, gồm trưởng khối, bản hoặc bí thư chi bộ hay hội trưởng các chi hội, đoàn thể như: Cựu chiến binh, phụ nữ, đoàn thanh niên; người có uy tín trong cộng đồng dân cư. Hầu hết các thành viên của tổ hòa giải đều có trình độ học vấn phù hợp và sự hiểu biết về pháp luật. Để nâng cao kiến thức cho đội ngũ hòa giải viên, huyện đã mở nhiều lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ; phát tài liệu tuyên truyền pháp luật về dân sự, hôn nhân gia đình, đất đai, khiếu nại tố cáo, đặc biệt là Luật Hòa giải. Nhờ đó, đội ngũ hòa giải viên nắm bắt kịp thời những chính sách, văn bản pháp luật mới cũng như hệ thống kiến thức, kỹ năng trong công tác hòa giải ở cơ sở.

Tạo đồng thuận, tăng cường đoàn kết

Trao đổi với chúng tôi, Trưởng phòng Tư pháp huyện Tuần Giáo Bùi Anh Hùng cho biết: Từ khi thành lập đến nay, các tổ hòa giải luôn hoạt động đúng mục đích, yêu cầu và có tỷ lệ hòa giải thành công thường xuyên đạt trên 97%. Các lĩnh vực chủ yếu đã hòa giải là hôn nhân gia đình, tranh chấp đất đai... Công tác hòa giải cơ sở góp phần gắn kết gia đình; tăng cường tình hàng xóm, anh em, hạn chế tối đa hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở, là điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Thực tiễn tiến hành công tác hoà giải ở huyện Tuần Giáo những năm qua cho thấy, cùng với việc vận động, thuyết phục đôi bên cần chú trọng thông tin, tuyên truyền những quy định cụ thể của pháp luật điều chỉnh trong lĩnh vực đang có tranh chấp, mâu thuẫn, giúp người dân có nhận thức, hiểu biết pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Do đặc thù địa bàn đông người dân tộc thiểu số, trình độ văn hóa, hiểu biết còn hạn chế, nên hoạt động tuyên truyền luôn được các xã, thị trấn lồng ghép vào các buổi họp dân và bằng tiếng dân tộc để người dân nắm và hiểu dễ dàng hơn. Ngoài ra, để việc hòa giải có hiệu quả, các thành viên làm công tác hòa giải không chỉ có kiến thức pháp luật, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ hòa giải, hiểu biết về phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa và kinh nghiệm cuộc sống xã hội mà còn phải có khả năng vận dụng những kiến thức, hiểu biết đó để phân tích, giải thích, thuyết phục, cảm hóa các bên giải quyết tranh chấp phù hợp với pháp luật, đạo đức xã hội, phong tục tập quán của người dân địa phương. Các thành viên tổ hòa giải đều là người bản địa nên vận dụng linh hoạt giữa các quy phạm pháp luật và phong tục tập quán để hiểu rõ tâm tư nguyện vọng của đối tượng, nhận được sự đồng thuận của cộng đồng dân cư nơi xảy ra mâu thuẫn. Từ đó đưa ra cách giải quyết tốt nhất cho đôi bên. Việc làm tốt công tác hoà giải góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống, giảm tình trạng khiếu nại, tố cáo, nhờ đó, trên địa bàn không xảy ra điểm nóng, khiếu kiện đông người. Những vụ việc xảy ra tại cơ sở có khi chỉ là những mâu thuẫn rất nhỏ nhưng nếu không khéo léo giải quyết sẽ phát sinh thành vụ việc lớn, phức tạp. Bằng sự nhiệt tình, trách nhiệm, hoà giải thấu lý, đạt tinh, thành viên các tổ hoà giải đã góp phần tạo sự đồng thuận của đôi bên. Từ đó vun đắp tình làng, nghĩa xóm thêm bền chặt, gắn bó; củng cố cuộc sống bình yên ở các bản làng.

Tìm hiểu được biết, khó khăn lớn nhất trong tiến hành công tác hòa giải ở huyện Tuần Giáo hiện nay đó là nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế. Khi các sự việc phát sinh, tranh chấp liên quan đến đất đai, tài sản, các tổ hòa giải rất khó thuyết phục được các bên tự thỏa thuận, thống nhất với nhau. Do đó, thành viên các tổ hoà giải cần nêu cao tinh thần tự nguyện, trách nhiệm; đồng thời tăng cường bám, nắm cơ sở, phối hợp với cấp uỷ, chính quyền cùng các cơ quan chức năng chủ động nắm bắt hoàn cảnh của từng vụ việc để đưa ra hướng giải quyết hợp tình, hợp lý.

Cũng theo ông Bùi Anh Hùng, Trưởng phòng Tư pháp huyện Tuần Giáo, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác hoà giải, thời gian tới Phòng Tư pháp sẽ tiếp tục tham mưu với UBND huyện Tuần Giáo trong việc tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ hoà giải viên; biên soạn tài liệu, tình huống thường xảy ra ở cơ sở cho các tổ hoà giải, hoà giải viên nghiên cứu làm cẩm nang áp dụng trong thực tiễn; quan tâm củng cố, kiện toàn đội ngũ hoà giải viên về cả số lượng và chất lượng…

Có thể thấy, với phương châm “Kịp thời, thiết thực, hiệu quả”, công tác hoà giải trên địa bàn huyện Tuần Giáo (Điện Biên) đã thực sự có vai trò quan trọng trong việc giữ ổn định ở cơ sở; góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

Phạm Như Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực