“Ông Thành môi trường”

Thứ tư, 20/09/2017 10:58
(ĐCSVN) - Hỏi thăm nhà ông Lại Đức Thành, ở thôn Dương Xá, xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm (Hà Nam), chúng tôi không gặp mấy khó khăn khi có rất nhiều người biết ông. Họ bảo hàng chục năm qua, ông Thành đã đam mê với "nghiệp" bảo vệ môi trường nông thôn, nên nhiều người đã gọi là “Ông Thành môi trường”.
Những chậu hoa xinh xắn là sáng kiến của ông Thành
trong việc tận dụng những lốp xe cũ hỏng bỏ đi ở bãi rác. Ảnh: QC

Trăn trở với rác thải sinh hoạt

Xuất phát từ thực tế địa phương, ông Thành nhận thấy vấn đề rác thải sinh hoạt, tình trạng ô nhiễm môi trường là một trong những vấn đề bức xúc. Trăn trở nhiều ngày, ông đã xây dựng và đề xuất mô hình thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt tại hộ cho 320 hộ dân nơi ông sinh sống. Mô hình đã nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ nhiệt tình từ các cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như các dự án về bảo vệ môi trường trên địa bàn.

Do có nhiều cống hiến cho công tác bảo vệ môi trường địa phương, từ năm 2009, ông Thành được cộng đồng và chính quyền địa phương tín nhiệm giao nhiệm vụ, tham gia trong ban quản lý của Dự án môi trường và cộng đồng do tổ chức phi chính phủ CEDO (Đan Mạnh) tài trợ. Thông qua các lớp tập huấn, hội thảo của Dự án trên, ông Thành đã tích lũy được nhiều kiến thức cơ bản về lĩnh vực môi trường.

Bản thân là người tham gia công tác Hội Cựu chiến binh, với phương châm lấy các chi hội CCB làm lòng cốt, nhiều năm qua, ông đã góp sức tích cực cho công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân địa phương, làm thay đổi thói quen cho nhân dân về hành vi xả rác bừa bãi ra môi trường cũng như phổ biến việc phân loại rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình…

Để triển khai công việc được hiệu quả, ông Thành còn trình cấp trên xây dựng quy chế thu gom phân loại rác thải tại hộ gia đình để người dân thuận tiện trong thực hiện; động viên 2 gia đình cựu quân nhân cùng tham gia tổ thu gom vận chuyển rác hàng chục năm qua.

Với ý thức cao về bảo vệ môi trường, khi đi thực tế các bãi rác thải tập kết, ông Thành thấy có nhiều lốp xe máy mòn, hỏng chuyển ra bãi rác, mà lốp xe máy bằng cao su phải vài trăm năm mới tiêu hủy mà còn gây ô nhiễm môi trường. Từ đó, ông đã có sáng kiến sử dụng các lốp xe phế thải làm thành những chậu hoa, chậu rau bắt mắt vừa đẹp, bền mà góp phần bảo vệ môi trường. Sáng kiến này đã được nhân rộng ra nhiều nơi trong huyện, trong tỉnh và tỉnh bạn học tập.

Mô hình nuôi giun quế bảo vệ môi trường

Trao đổi với chúng tôi, ông Thành cho biết: Nuôi giun quế là một trong các mô hình kinh tế nhỏ làm điểm mà ông mạnh dạn nhận triển khai từ năm 2009.

Mô hình nuôi giun quế và ủ phân hữu cơ vi sinh tại gia đình được ông Thành phát triển bài bản từ khi tiếp nhận. Ông hạ quyết tâm làm thành công để người địa phương làm theo.

Ông Thành chia sẻ: Nuôi giun quế làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, thủy cầm, tạo ra sản phẩm sạch cho gia đình, cho xã hội,.. Hiện nay, chỉ với 80 khoanh ống giếng nuôi giun quế đã mang lại thu nhập hàng năm cho gia đình ông từ 45- 50 triệu đồng, tương ứng với thu nhập của gia đình cấy 4 - 5 mẫu lúa/năm.

Còn phân giun là loại phân hữu cơ rất tốt dùng để  bón trồng cây cảnh, rau hữu cơ, rau sạch, rau mầm. Mỗi 1 kg phân giun  bán với giá 5000 – 7000 đồng/kg, trị giá ngang với 1 kg lúa.

Nuôi giun quế không mất nhiều thời gian, dễ chăm sóc, không dịch bệnh, chi phí làm chuồng trạị, giống vốn ban đầu thấp, cho hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, nuôi giun quế còn góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Từ năm 2013, nhận lời mời của nhiều tổ chức, hội, đoàn thể địa phương như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh các cấp, ông Thành đã tham gia trực tiếp giảng dạy hàng trăm lớp tập huấn, để truyền đạt kiến thức kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật nuôi giun và giúp đỡ, hỗ trợ một phần giống giun cho các hội viên để tìm một hướng phát triển kinh tế mới, thoát nghèo.

Những ống giếng cống dùng nuôi giun quế tại mô hình của gia đình ông Lại Đức Thành.
Ảnh: QC

Cụ thể, ông Thành (với vai trò là giảng viên chính) đã phối hợp cùng cán bộ dự án, cán bộ các cấp hội đi tập huấn hội thảo, chia sẻ kinh nhiệm cho cán bộ, hội viên, các đoàn thể của hơn 70 xã trong 6 huyện, thị của tỉnh Hà Nam và gần 40 chi hội, đoàn thể của huyện Thanh Liêm và hàng trăm buổi tập huấn cho cán bộ các tỉnh bạn như: Hưng Yên, Thái Bình, Nam Đinh, Thái Nguyên... Các nội dung của bài giảng tập trung vào kiến thức liên quan đến các vấn đề như: Nâng cao kiến thức bảo vệ môi trường; phân loại rác thải tại hộ gia đình; giảm thiểu và ứng phó với biến đổi khí hậu; ủ phân hữu cơ vi sinh tại hộ gia đình; nuôi giun quế thâm canh tại hộ gia đình.

Từ mô hình nuôi giun quế thành công, những năm qua đã có hàng trăm hộ gia đình nông dân trong và ngoài tỉnh Hà Nam tới gia đình ông tham quan, học hỏi kinh nghiệm nuôi giun và mua giống về nuôi. Các mô hình làm tới đâu, ông Thành đều ghi lại bằng hình ảnh, bằng video từ những công đoạn, quy trình kỹ thuật làm tư liệu để xây dựng các bài giảng sống động, minh họa cho các buổi tập huấn, hội thảo nhằm giúp hội viên dễ tiếp thu, thực hành, áp dụng.

Từ những kết quả thành công đã đạt được của các mô hình vừa tăng gia sản xuất, vừa có tác dụng bảo vệ môi trường nên thời gian qua. đã có nhiều cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương đến nhà ông Thành để tìm hiểu thông tin. Từ năm 2014 đến nay, ông Thành đã trở thành nhân vật chính trong các phóng sự tuyên truyền về chuyên đề môi trường, gương người tốt, việc tốt phát sóng trên các kênh của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nam; Kênh Truyền hình Quốc hội…

Với những thành tích đã đạt được, ông Lại Đức Thành vinh dự được tặng thưởng nhiều bằng khen của UBND tỉnh Hà Nam, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở...

“Trong những năm qua, bản thân tôi luôn không ngừng rèn luyện, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ. Tôi đã hiện thực hóa lời dạy của Bác “nói đi đôi với làm” để tuyên truyền, vận động cộng đồng cùng chung tay bảo vệ môi trường” – Ông Thành tâm sự

Và cứ như thế, câu chuyện về “ông Thành môi trường” tiếp tục được người dân truyền tai nhau để ngày càng có nhiều người đến tham quan, học hỏi và làm theo./.                                                                      

Trần Quang Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực