Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp

Thứ tư, 20/09/2017 15:09
(ĐCSVN) – Với cách làm sáng tạo, những năm qua, phong trào “Thanh niên Ninh Bình thi đua lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng” đã có sức lan tỏa rộng khắp.

Hàng trăm mô hình phát triển kinh tế, tổ hợp tác thanh niên hoạt động hiệu quả đã không chỉ tạo công việc ổn định cho nhiều đoàn viên thanh niên, mà còn là điều kiện thuận lợi giúp nhiều bạn trẻ vươn lên làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương...

Anh Phạm Văn Trung (ngoài cùng, bên trái) giới thiệu về mô hình trồng ổi Đài Loan
kết hợp nuôi cá nước ngọt. Ảnh: MC

Bám sát đặc điểm của một tỉnh thuần nông, để đoàn viên thanh niên có được định hướng đúng đắn và có điều kiện xây dựng các mô hình kinh tế, thời gian qua, các cấp bộ Đoàn ở Ninh Bình đã có nhiều hình thức hỗ trợ thanh niên trong xây dựng phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế tập thể thông qua các chương trình, dự án. Tích cực phối hợp cùng các ban, ngành tổ chức các lớp tập huấn ngắn hạn về kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt và hỗ trợ vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh… Ngoài ra, các cơ sở Đoàn còn tích cực tham gia vào chương trình ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác giữa các cấp bộ Đoàn và Ngân hàng Chính sách xã hội; tuyên truyền về các chủ trương của Đảng, Nhà nước về tín dụng ưu đãi.

Theo thống kê, đến giữa năm 2017, tổng dư nợ do tổ chức Đoàn các cấp ở Ninh Bình đang quản lý là hơn 170 tỷ đồng, thông qua gần 200 Tổ Tiết kiệm và vay vốn với hàng nghìn đoan viên thanh niên đang sử dụng có hiệu quả đồng vốn được vay.

Được biết đến là một trong những điển hình tiêu biểu của thanh niên Ninh Bình về phát triển kinh tế gia đình, “tỷ phú tuổi 30” Hoàng Văn Điền ở xã Yên Mạc, huyện Yên Mô đã có những ngày đầu lập nghiệp đầy vất vả với nghề chăn nuôi lợn. Vượt qua những thất bại đầu tiên, với sự hỗ trợ từ nguồn vốn giải quyết việc làm của Tỉnh Đoàn Ninh Bình, anh Điền đã có thêm điều kiện để vững tin phát triển sản xuất. Đến nay, anh Hoàng Văn Điền đang là chủ của mô hình trang trại tổng hợp có diện tích trên 2 ha với trên 400 con lợn nái, lợn thịt cùng nhiều loại cây trồng quý cho thu nhập bình quân hàng năm từ 1,2 - 1,5 tỷ đồng. Anh Điền cho biết: “Tại thời điểm mới lập nghiệp, sau lần thất bại do thiếu kinh nghiệm sản xuất, sự hỗ trợ của huyện Đoàn Yên Mô về cả vốn ưu đãi cũng như tập huấn kiến thức, kỹ thuật đã giúp mình rất nhiều trong xây dựng và phát triển mô hình chăn nuôi lợn kết hợp trồng trọt”.

Cũng được sự hỗ trợ của tổ chức Đoàn, anh Phạm Văn Trung ở xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh lại thành công với mô hình trồng cây ăn quả và nuôi cá nước ngọt. Từ những đồng vốn ưu đãi do Đoàn thanh niên xã tín chấp cho vay, anh Trung đã mạnh dạn đầu tư cải tạo diện tích hơn 2 ha để trồng 400 gốc ổi Đài Loan và đào ao thả cá. Đến nay, thu nhập bình quân hàng năm của gia đình anh Trung sau khi trừ chi phí còn khoảng 250 - 300 triệu đồng.

Anh Điền, anh Trung chỉ là hai trong số hàng nghìn bạn trẻ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã có được thành công trên cơ sở sự hỗ trợ của các cấp bộ Đoàn. Không ít hộ thanh niên từ làm ăn nhỏ lẻ đã dần phát triển trở thành các chủ trang trại, gia trại, chủ xưởng sản xuất quy mô lớn, sản xuất hàng hóa tập trung, đem lại lợi nhuận cao, giải quyết việc làm cho lao động địa phương với thu nhập ổn định. Hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, hỗ trợ vốn vay ưu đãi..., tổ chức Đoàn đã thực sự đồng hành cùng đoàn viên thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp.

 Một góc trang trại chăn nuôi lợn của "tỷ phú tuổi 30" Hoàng Văn Điền
ở xã Yên Mạc, huyện Yên Mô. Ảnh: MC

Theo chia sẻ của đồng chí Hoàng Ngọc Hòa - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Ninh Bình, thực hiện phong trào “Thanh niên Ninh Bình thi đua lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng” và phong trào “Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã thường xuyên phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên như: Kỹ thuật chăn nuôi lợn sinh sản; nuôi cá nước ngọt, nuôi ếch và kỹ thuật thâm canh các loại cây trồng; tổ chức cho hàng nghìn lượt đoàn viên, thanh niên tham quan các mô hình kinh tế giỏi trong tỉnh để học tập kinh nghiệm, từ đó nhân rộng các mô hình hiệu quả.

Tuy nhiên, cũng theo đồng chí Hoàng Ngọc Hòa, một khó khăn đang đặt ra đối với việc hỗ trợ đoàn viên thanh niên lập nghiệp hiện nay là tại các địa phương, số lượng thanh niên có nhu cầu vay vốn tương đối lớn nhưng nguồn vốn vay mà Đoàn thanh niên quản lý mới chỉ đáp ứng được khoảng 20 - 30%. Điều này là nguyên nhân hạn chế hiệu quả hỗ trợ đoàn viên thanh niên của tổ chức Đoàn các cấp. Do đó, mong mỏi chung của đông đảo đoàn viên thanh niên Ninh Bình là cấp uỷ, chính quyền các cấp và các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp của tuổi trẻ; tăng thêm nguồn vốn, tạo cơ hội cho thanh niên tiếp cận vốn ưu đãi để họ tận dụng thế mạnh của địa phương phát triển kinh tế.

Trong thời gian tới, để phát huy hơn nữa vai trò của thanh niên trong việc phát triển kinh tế tại địa phương, Tỉnh Đoàn Ninh Bình sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp bộ Đoàn, Hội trên địa bàn toàn tỉnh định hướng, hỗ trợ, giúp đỡ cho thanh niên phát triển rộng rãi mô hình kinh tế tập thể với nhiều hình thức, quy mô và trình độ khác nhau trong các ngành, các lĩnh vực; đẩy mạnh tuyên truyền, biểu dương, giới thiệu gương người tốt, việc tốt…, giúp các đoàn viên, thanh niên có thêm kinh nghiệm thực tiễn để áp dụng, làm theo; duy trì, phát triển và nhân rộng các mô hình, tổ hợp tác thanh niên làm ăn có hiệu quả...; đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền về Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với triển khai phong trào “Tuổi trẻ Ninh Bình chung tay xây dựng nông thôn mới”, góp phần xây dựng quê hương Ninh Bình ngày càng phát triển, giàu mạnh./.

Nguyễn Mạnh Cường (CTV)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực