Vĩnh Phúc: Chính sách hỗ trợ hợp lý, nông dân hăng hái làm giàu

Thứ ba, 24/12/2019 14:17
Trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách vẫn có không ít nông dân năng động, mạnh dạn “đi tắt, đón đầu”, biết tận dụng cơ chế, chính sách hỗ trợ để trở thành những triệu phú, tỷ phú.

Khép lại năm 2019, so với các ngành, lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng mạnh như công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, kết quả ngành Nông nghiệp tỉnh nhà đạt được khá khiêm tốn.

Tuy nhiên, trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách vẫn có không ít nông dân năng động, mạnh dạn “đi tắt, đón đầu”, biết tận dụng cơ chế, chính sách hỗ trợ để trở thành những triệu phú, tỷ phú. Thành công họ đạt được không chỉ góp sức giúp bức tranh nông nghiệp của tỉnh có thêm những gam màu sáng mà còn làm thay đổi nhận thức, thói quen sản xuất manh mún, nhỏ lẻ của nhiều nông dân khác để hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp trong thời kỳ hội nhập.

Từ hướng đi đúng và trúng…

Không thể phủ nhận những chuyển biến tích cực về công nghiệp và du lịch đã và đang góp phần tạo nên sự bứt phá lớn trong phát triển kinh tế cho tỉnh Vĩnh Phúc, song đi kèm với đó lại là những khó khăn, thách thức lớn cho sản xuất nông nghiệp. Điều đáng nói là trong khi thị trường tiêu thụ nông sản tiếp tục phải đối mặt với nhiều rào cản thương mại, cạnh tranh gay gắt trong khu vực và thế giới; dịch bệnh trên vật nuôi bùng phát thì ngày càng có nhiều nông dân không mặn mà gắn bó với ruộng đồng, khiến số diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang vụ sau tăng hơn vụ trước… Đứng trước thực trạng này, tỉnh ta đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích người nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để thích ứng với bối cảnh mới, đưa nông nghiệp phát triển bền vững.

leftcenterrightdel
 Các cơ chế, chính sách của tỉnh đã thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp

Đơn cử, để chuyển đổi sản xuất nông nghiệp từ chiều rộng sang chiều sâu, nắm bắt nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng đối với các loại thực phẩm hữu cơ, rau an toàn, thời gian qua, tỉnh đã có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đầu tư xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; hướng dẫn nông dân nuôi trồng những loại cây, con giống ngắn ngày, đem lại giá trị kinh tế cao và đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP. Hiện trên địa bàn tỉnh đã áp dụng và chứng nhận quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp VietGAP cho 33 cơ sở chăn nuôi lợn, 3 cơ sở chăn nuôi bò sữa, 9 cơ sở nuôi trồng thuỷ sản và 4 cơ sở sản xuất, sơ chế rau, củ... Cách làm này đã giúp người nông dân có được những hợp đồng thu mua dài hạn của các doanh nghiệp, đơn vị chế biến thực phẩm, cung ứng thực phẩm an toàn. Không những thế, họ còn được tiếp cận với những kỹ thuật canh tác mới, chủ động nắm bắt nhu cầu và biến động của thị trường để điều chỉnh sản xuất, giảm dần nỗi lo “được mùa mất giá” như phương thức canh tác truyền thống trước kia vẫn sử dụng.

Hay, nhằm cải thiện tình trạng thiếu hụt lao động ở nông thôn, riêng năm 2019, Vĩnh Phúc đã chi hơn 11 tỉ đồng vốn ngân sách cho nông dân vay vốn mua các loại máy nông nghiệp như: Máy làm đất, máy cấy, máy gặt đập liên hợp, máy vắt sữa bò, máy thái cỏ, máy nghiền, trộn thức ăn chăn nuôi. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện công tác dồn điền đổi thửa tại các địa phương, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thuê, gom ruộng đất sản xuất với quy mô lớn, phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Cách làm này không chỉ giúp nâng cao thu nhập trên diện tích canh tác mà trong quá trình sản xuất, các hộ nông dân còn được tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật, có cơ hội được nâng cao kiến thức, tay nghề; thay đổi nếp nghĩ, cách làm theo tư duy sản xuất hàng hoá, phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Và không thể không nhắc tới Nghị quyết số 202 về chính sách hỗ trợ đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016 – 2020 đã được tỉnh triển khai trong 2 năm gần đây. Thực hiện Nghị quyết này, UBND tỉnh đã giải ngân vốn hỗ trợ cho 3 dự án đầu tư vào sản xuất rau an toàn trong nhà lưới theo quy trình VietGAP và đầu tư cơ sở giết mổ lợn tập trung với tổng số tiền hơn 7 tỷ đồng. Hiệu quả bước đầu các dự án mang lại không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp sạch trong tỉnh và hướng đến xuất khẩu mà còn góp phần sử dụng hiệu quả đất đai, nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho lao động nông nghiệp, từng bước thúc đẩy sản xuất hàng hóa và tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh.

Cũng nhờ đó, mặc dù diện tích đất canh tác giảm đi đáng kể, song két thúc năm 2019, sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn đem lại thu nhập ổn định cho người nông dân. Đáng mừng là tại Vĩnh Phúc ngày càng có thêm nhiều những hộ sản xuất nông nghiệp trở nên giàu có nhờ đầu tư quy mô lớn và mạnh dạn ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất.

… đến những triệu phú, tỷ phú nông dân

 Khi những tờ lịch cuối cùng của năm 2019 chuẩn bị được gỡ xuống cũng là lúc vợ chồng anh Trần Văn Luận, xã Trung Hà, huyện Yên Lạc liên tiếp đón thương lái từ nhiều nơi tìm đến mua bò thương phẩm chuẩn bị nguồn thực phẩm đón Tết Canh Tý 2020.

Không giấu được niềm vui khi dẫn chúng tôi đi một vòng thăm 3 khu chuồng đang nuôi hơn 20 con bò 3B, trong đó có chừng 10 con đã đến kỳ xuất bán, anh Luận khoe: Đúng là cái khó ló cái khôn. Sau bao năm xoay xỏa đủ nghề, hết làm nông đến đi chợ rồi lặn lội sang cả Hà Tây, Hưng Yên để cấy, gặt thuê mà cuộc sống gia đình tôi vẫn chẳng khấm khá lên được. Năm 2016, thấy sức khỏe đã giảm sút không thể nay đây mai đó làm thuê mãi, tôi bàn với vợ về xây chuồng nuôi bò. Với số tiền 30 triệu đồng tích cóp được chỉ vừa đủ mua 4 con bò giống, không dám vay mượn thêm, tôi phải tận dụng lại những cây có sẵn trong vườn dựng tạm một khu chuồng và bắt đầu khởi nghiệp bằng nghề nuôi bò lấy thịt. Lứa đầu tiên, do nuôi ít và chưa có kinh nghiệm chọn giống nên hiệu quả kinh tế đem lại chưa cao nhưng không nản lòng, tôi làm hồ sơ vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư nuôi hơn 10 con bò giống Red Angus hay còn gọi là bò hổ vằn và ngay lứa ấy đã thu lãi hơn 100 triệu đồng. Từ năm 2018 đến nay, nhận thấy giống bò 3B cho hiệu quả kinh tế cao lại không quá cầu kỳ công chăm sóc, tôi quyết định chuyển hẳn sang nuôi giống bò này.

Hiện gia đình anh Luận đang có 3 khu chuồng thường xuyên duy trì nuôi hơn 20 con bò thịt giống 3B. Cũng nhờ nuôi bò, từ chỗ phải đi làm thuê khắp nơi nay anh nông dân Trần Văn Luận đã trở thành triệu phú với thu nhập trung bình mỗi năm trên 300 triệu đồng, gấp 10 lần số tiền vợ chồng anh tích cóp trong suốt hơn 20 năm lấy nhau dành để khởi nghiệp cách đây 3 năm. Và có lẽ cái được hơn cả là giờ đây anh không còn tư tưởng làm ăn “cò con”, lấy ngắn nuôi dài như trước nữa. Tâm sự với chúng tôi, anh bảo: “Từ chỗ phải tự tay làm chuồng nuôi bò để tiết kiệm chi phí, không dám vay ngân hàng vì lo thất bại không biết lấy gì trả nợ, nay tôi sẵn sàng vay 500 triệu đồng thầu lại 5 sào đất của xã để nuôi cỏ làm thức ăn cho bò. Trong năm 2020, tôi có dự định sẽ chuyển chuồng trại ra khu đất này để vừa mở rộng quy mô đàn bò vừa áp dụng phương pháp chăn nuôi mới đảm bảo an toàn sinh học”.

Đã nhiều lần nghe kể về anh nông dân Lê Văn Cương, ở thôn Xuân Chiểu, xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường chưa học hết lớp 2 vẫn kiếm bạc tỷ mỗi năm nhờ mô hình chăn nuôi trâu, bò nhưng quả thực, khi tận mắt nhìn ngôi nhà khang trang, rộng rãi với đầy đủ tiện nghi cùng hệ thống chuồng trại được thiết kế khoa học, bài bản chúng tôi vẫn không giấu được sự ngạc nhiên, ngưỡng mộ…

Rót chén trà nóng hổi mời khách như để giúp chúng tôi xua bớt đi cái lạnh sáng mùa đông sau quãng đường gần 30 km từ thành phố Vĩnh Yên về Vĩnh Ninh một ngày cuối năm, anh Cương kể: "Tôi sinh ra trong gia đình nông dân chính hiệu lại đông con nên dù bố mẹ quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" cái nghèo vẫn cứ đeo bám. Những năm đầu thập kỷ 80, cũng vì bị cái đói hành hạ nên đang học dở lớp 2 tôi đành phải nghỉ học ở nhà trông em; lên 15 tuổi đã bắt đầu bươn trải khắp nơi để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Đến khi lấy vợ, ra ở riêng cuộc sống cũng chẳng khấm khá hơn là mấy nên lúc nào trong đầu cũng chỉ có ước mong làm cách nào để giàu? Nhưng để biến giấc mộng ấy thành hiện thực cũng phải đánh đổi bằng khá nhiều công sức và thời gian, cứ ngày đi làm thợ xây, tối về tôi lại tranh thủ làm thêm công việc cửu vạn, bốc vác xi-măng, nhặt nhạnh từng đồng chờ cơ hội lập nghiệp… Và phải đợi đến năm 2007, nhận thấy quê mình có vùng đất bãi màu mỡ, thuận lợi cho việc chăn nuôi vỗ béo đàn gia súc lớn nên bao nhiêu vốn liếng tôi dồn hết vào đầu tư xây dựng chuồng trại và bắt tay gây dựng cơ nghiệp với 3 con bò thịt. Cũng may công việc thuận buồm xuôi gió nên sau hơn 10 năm tôi đã có được cơ ngơi như hôm nay."

Hiện, trên diện tích hơn 1000m2, anh Cương thường xuyên nuôi khoảng 200 con bò sữa và trâu, bò thịt; trung bình mỗi năm trừ chi phí thu trên 1 tỷ đồng và thường xuyên tạo việc làm ổn định cho 5-6 công nhân với thu nhập bình quân hơn 6 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, trong những tháng cuối năm 2019, do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi khiến nguồn thực phẩm khan hiếm đã đẩy giá xuất bán trâu, bò thương phẩm lên trên 90.000 đồng/kg hơi, giúp doanh thu của trang trại tăng lên đáng kể. Cứ mỗi con trâu, bò nhập về sau 3 tháng vỗ béo anh đã cầm chắc 2 triệu tiền lãi.

Chia sẻ về định hướng trong tương lai, anh Cương bày tỏ mong muốn xã sớm có khu chăn nuôi tập trung để anh cùng bà con liên kết, mở rộng quy mô chăn nuôi. Anh khẳng định sẵn sàng đứng ra nhận bao tiêu sản phẩm, truyền đạt kinh nghiệm, với mong muốn mỗi người dân giàu có, quê hương sẽ phát triển.

Không phải lập nghiệp từ hai bàn tay trắng như anh Luận, anh Cương, ông Nguyễn Hữu Đạt, Giám đốc Hợp tác xã Ngọc Phúc, đóng tại xã Ngọc Thanh, thành phố Vĩnh Yên lại đến với “nghiệp nông” khi đã ở tuổi ngoài 60. Với ông, làm nông nghiệp vừa như một thú vui tao nhã để cải thiện sức khỏe, tâm lý tuổi già và cũng là cách để góp phần mang tới cho người thân, bạn bè và người tiêu dùng những sản phẩm nông nghiệp an toàn.

Sẵn niềm đam mê với rau xanh và biết đến cây măng tây qua một người bạn thân đang công tác tại Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam, nhận thấy đây là loại cây có nhiều tiềm năng để phát triển trên thị trường nên ông đã mạnh dạn bỏ ra hàng tỷ đồng thuê lại hơn 2 ha đất của các hộ dân ở Nông trường T80 và đầu tư hệ thống tưới tự đồng, cải tạo chất đất bằng biện pháp sinh học, quyết định trồng măng tây theo quy trình sản xuất rau an toàn tiêu chuẩn VietGAP, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đầu năm 2017, Hợp tác xã Ngọc Phúc do ông Đạt và 6 thành viên có chung tâm huyết thành lập đã đưa những khóm măng tây đầu tiên bén duyên với Nông trường T80. Sau 2 năm bỏ công chăm sóc, hơn 30.000 cây măng tây của ông Đạt đã cho thu hoạch đều đặn hơn 70 kg mỗi ngày với giá bán trung bình trên dưới 80.000 đồng/kg. Hiện Hợp tác xã Ngọc Phúc đang tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động với thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng; khoảng 10 lao động thời vụ với mức công nhật 230 nghìn đồng/ngày.

Chia sẻ về định hướng thời gian tới, ông Đạt cho biết giữa năm 2020, hợp tác xã sẽ tiếp tục thuê đất, mở rộng diện tích trồng măng tây lên khoảng 4ha và trồng thêm 30.000 cây măng tây. Toàn bộ diện tích măng tây được trồng sẽ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất sạch để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường và tạo việc làm ổn định cho các lao động địa phương.

Anh Luận, anh Cương và ông Đạt chỉ là 3 trong số hàng nghìn những nông dân giàu nghị lực, chăm chỉ, biết nắm bắt thời cơ, tận dụng điều kiện, lợi thế sẵn có để vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương ở Vĩnh Phúc. Những thành quả của họ thật đáng trân trọng. Trước thềm năm mới, mong rằng trên khắp các vùng quê trong tỉnh sẽ có thêm nhiều nông dân sản xuất kinh doanh giỏi hơn nữa, góp phần vào sự phát triển của quê hương.

Bích Phượng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực