Người đứng đầu địa phương chịu trách nhiệm nếu không xử lý kịp thời các vụ bạo hành trẻ em

Thứ sáu, 17/08/2018 09:47
(ĐCSVN) – Người đứng đầu địa phương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc để xảy ra tình trạng không xử lý kịp thời các vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em xảy ra trên địa bàn, không kịp thời hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em có nguy cơ hoặc là nạn nhân của xâm hại, bạo hành.
Các em thiếu nhi vẽ tranh với chủ đề bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại tình dục. Ảnh: Minh Châu

Đây là một trong những giải pháp được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) nêu ra để bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn trong thời gian tới tại văn bản trả lời Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo ( tỉnh Lâm Đồng) về việc bạo lực, lạm dụng tình dục với trẻ em.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện nay, bạo lực và xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em vẫn là vấn đề xảy ra ở mọi quốc gia và các nền văn hóa trên thế giới. Ước tính toàn cầu có khoảng 150 triệu trẻ em gái và 73 triệu trẻ em trai là nạn nhân của bạo lực và xâm hại tình dục. Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có tỷ lệ trẻ em bị bạo lực và xâm hại cao.

Ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trong đó hơn 60% trẻ em bị xâm hại tình dục. Trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân trong gia đình (bố đẻ, bố dượng, anh, em họ...) là 21,3%, bởi thầy giáo, nhân viên nhà trường là 6,2%, bởi người quen, hàng xóm là 59,9%, đối tượng khác là 12,6%”. Bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Trong thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện một số các giải pháp. Cụ thể, hoàn thiện khung pháp lý và triển khai các quy định pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em như Luật trẻ em, Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em, Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16 tháng 5 năm 2017của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, trong đó quy định và phân công rất rõ trách nhiệm của từng ngành, từng cấp.

Đồng thời phối hợp với Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xử lý kịp thời, đúng người, đúng tội, nghiêm minh các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt các vụ nổi cộm trực tiếp lãnh đạo Đảng, Nhà nước có ý kiến...

Trong thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp nêu trên, đồng thời kiến nghị rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về vấn đề này.

Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung pháp luật về bảo vệ trẻ em; đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện các quy định của pháp luật về phòng ngừa các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em, can thiệp và hỗ trợ trẻ em bị bạo hành và xâm hại; hoàn thiện và chỉ đạo thực hiện tốt quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi bạo hành, xâm hại và can thiệp kịp thời cho trẻ em.

Bên cạnh đó, tăng cường sự phối hợp của các ngành có liên quan để xử lý nghiêm các vụ việc liên quan đến bạo hành và xâm hại trẻ em, Bộ Công an tiếp tục chấn chỉnh công tác tiếp nhận, xử lý tin tố giác tội phạm; thành lập các đường dây nóng, điện thoại, thư điện tử, hòm thư tố giác tội phạm tại nơi công cộng. Nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em; rà soát hồ sơ, xử lý dứt điểm các vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em còn tồn đọng; xử lý nghiêm khắc theo đúng quy định của pháp luật các tổ chức, cá nhân có hành vi bao che, chậm trễ, cố tình kéo dài hoặc không xử lý vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em. Chủ trì, phối hợp xây dựng quy trình điều tra đặc biệt, xét xử đặc biệt đối với hành vi xâm hại tình dục trẻ em.

Mặt khác, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, không bạo lực học đường. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo nhà trường thực hiện các giải pháp xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo hành, xâm hại trẻ em. Tăng cường giáo dục kiến thức về giới, kỹ năng phòng tránh bạo lực, bạo hành; chủ động phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp có nguy cơ bị bạo hành, xâm hại. Rà soát toàn bộ hệ thống các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở nuôi dưỡng trẻ thiệt thòi, đảm bảo thực sự là môi trường an toàn cho trẻ em. Kiên quyết thu hồi, đóng cửa các cơ sở vi phạm, chấm dứt hành nghề đối với mọi trường hợp vi phạm.

Biện pháp khác là giáo dục kỹ năng phòng ngừa bạo hành, xâm hại ngay từ trong gia đình. Trong đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các địa phương tuyên truyền, giáo dục lối sống trong gia đình; hướng dẫn gia đình kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực và xâm hại trẻ em, trách nhiệm phát hiện, thông báo và tố giác hành vi vi phạm quyền trẻ em.

Đáng chú ý, bố trí đủ nguồn lực cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác trẻ em, bố trí cán bộ làm công tác trẻ em, bố trí ngân sách địa phương để thiết lập, triển khai hoạt động dịch vụ bảo vệ trẻ em. Người đứng đầu địa phương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc để xảy ra tình trạng không xử lý kịp thời các vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em xảy ra trên địa bàn, không kịp thời hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em có nguy cơ hoặc là nạn nhân của xâm hại, bạo hành.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; phối hợp chặt chẽ trong quá trình thực thi pháp luật về bảo vệ trẻ em, bảo đảm thực hiện quyền trẻ em trong quá trình tố tụng (pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, xử lý vi phạm hành chính, giám định tư pháp).../.

Minh Thư

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực