Những tấm gương điển hình thi đua học và làm theo Bác

Thứ sáu, 01/11/2024 10:34
(ĐCSVN) - Học tập và làm theo gương Bác, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình xuất hiện những tấm gương điển hình trên nhiều lĩnh vực, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, qua đó giúp nhân lên nhiều hành động đẹp, có ý nghĩa, đưa việc học và làm theo Bác ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất.
Phát huy sức trẻ và sự nhiệt huyết, anh Phạm Văn Lừng (áo trắng, đứng giữa) luôn nỗ lực làm việc, tích lũy kinh nghiệm, mạnh dạn khởi nghiệp, làm giàu trên mảnh đất quê hương. (Ảnh: Báo Ninh Bình). 

Mạnh dạn khởi nghiệp, làm giàu trên mảnh đất quê hương

Khắc ghi lời dạy của Bác “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, anh Phạm Văn Lừng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Luxer Việt Nam (thành phố Ninh Bình) luôn cố gắng phát huy sức trẻ và sự nhiệt huyết, nỗ lực làm việc và tích lũy kinh nghiệm, mạnh dạn khởi nghiệp, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Công ty TNHH MTV Luxer Việt Nam do anh Lừng làm Giám đốc được thành lập năm 2012. Đây là đơn vị chuyên sản xuất và cung ứng vật tư ngành nội thất, quảng cáo và gia công các hạng mục, lắp đặt màn hình Led. Với vai trò là người lãnh đạo, anh luôn định hướng cho cán bộ, công nhân, người lao động trong Công ty thực hiện việc học tập và làm theo Bác gắn với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… Nhờ đó, phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo được lan tỏa mạnh mẽ với nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, áp dụng thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh, góp phần tạo ra nhiều sản phẩm, hàng hóa chất lượng cao, giúp tiết kiệm chi phí và làm lợi cho Công ty hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Từ 1 xưởng sản xuất ban đầu chỉ với 5 lao động, đến nay Công ty TNHH MTV Luxer Việt Nam đã mở rộng quy mô lên 12 xưởng sản xuất, tạo việc làm ổn định cho 150 lao động. Doanh thu của Công ty thời điểm năm 2019 đạt 55 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động 5,5 triệu đồng, đến năm 2023 tăng lên 92 tỷ, thu nhập bình quân của người lao động 8,2 triệu/người/tháng. Dự kiến tổng doanh thu năm 2024 đạt 105 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động tăng 8,5 triệu/người/tháng.

Xác định vấn đề cốt lõi cho sự phát triển bền vững Công ty là nguồn nhân lực, anh Lừng cũng đã đưa ra nhiều phương án để xây dựng đội ngũ nhân sự đáp ứng “thời kì công nghiệp 4.0” như liên hệ chặt chẽ với các cơ sở đào tạo nghề, trường nghề trong tỉnh để có được nguồn nhân sự dồi dào, chất lượng cao; đưa hệ thống Công nghệ thông tin vào khâu tuyển dụng nhân sự, quản lý cơ cấu, tổ chức nhân sự giúp quản lý bộ máy nhân sự một cách có hệ thống , logic và hiện đại; thường xuyên mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao tay nghề, trình độ của người lao động…

Đặc biệt, với vai trò là Chủ nhiệm CLB Thanh niên khởi nghiệp Thành phố Ninh Bình, anh Lừng còn tích cực kết nối những thanh niên tiêu biểu trong hoạt động sản xuất kinh doanh trên nhiều lĩnh vực như: Thương mại dịch vụ, quảng cáo, sản xuất và kinh doanh nội thất, cơ khí, điện tử, trồng rau, hoa công nghệ cao… Qua đó giúp các cơ sở kinh doanh cùng hỗ trợ nhau phát triển, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Mới đây nhất, với Dự án “Xây dựng và phát triển mô hình sản xuất tự động hóa sản phẩm Gương kính décor”, anh vinh dự đạt giải Nhất Cuộc thi “Dự án thanh niên khởi nghiệp sáng tạo” tỉnh Ninh Bình do Tỉnh đoàn Ninh Bình, Hội LHTN Việt Nam tỉnh phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ tỉnh tổ chức năm 2023. Dự án của anh còn xuất sắc trở thành 1 trong 10 dự án lọt vào Chung kết Cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo” năm 2023 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội LHTN Việt Nam tổ chức.

Với sự nỗ lực và thành công bước đầu, anh Lừng trở thành tấm gương sáng trong phong trào thanh niên khởi nghiệp tại TP Ninh Bình, giúp thay đổi nhận thức, mức sống của thanh niên địa phương, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

 Chị Lê Thị Thu Thủy (áo đỏ, đang đứng) luôn kiên trì, tích cực tuyên truyền, vận động gia đình, người thân và nhân dân trên địa bàn thực hiện tốt phong trào hiến máu tình nguyện, đăng ký hiến mô, hiến tạng.

Sẵn sàng làm mọi điều tốt đẹp ngay khi có thể

Với chị Lê Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ thành phố Tam Điệp, những lời dạy của Bác - Chủ tịch danh dự đầu tiên của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam luôn là kim chỉ nam cho mọi hành động: “Phải xuất phát từ tình yêu thương tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và làm mọi việc có thể làm được để giảm bớt đau thương cho họ… Không được có thái độ hách dịch, ban ơn, cần làm việc cho tốt, luôn chí công vô tư thì ít mắc sai lầm. Không nên thiên về hình thức, việc gì có lợi cho dân thì làm”.

Từ nhỏ chị Thủy luôn mong ước được làm các hoạt động vì cộng đồng, được làm công việc gắn với nghề y để có thể giúp đỡ được nhiều người. Khi trở thành Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Tam Điệp, chị Thủy cùng với tập thể Hội đã khẳng định vai trò là “cánh tay nối dài” trong các hoạt động nhân đạo, từ thiện, giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn, những mảnh đời kém may mắn, yếu thế vươn lên trong cuộc sống. Theo thời gian, những việc làm nhân đạo của Hội ngày càng được nhân lên, nhiều chương trình của Hội ngày càng được nhiều người biết đến và kết nối các nhà hảo tâm tham gia như: Tết Nhân ái, Tháng Nhân đạo, Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo, Triệu bước chân nhân ái… qua đó đã nhân lên niềm vui, niềm tin vào cuộc sống cho biết bao cảnh đời khó khăn.

Trong 10 năm qua (2014 - 2024), phong trào “Tết vì người nghèo - Nạn nhân chất độc da cam” (từ năm 2023 được gọi là “Tết nhân ái”) do các cấp Hội tổ chức đã vận động, tiếp nhận và trao tặng 12.753 suất quà, trị giá 4,7 tỷ đồng; Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” đã kết nối các nhà hảo tâm giúp đỡ các địa chỉ nhân đạo, đặc biệt quan tâm giúp đỡ các địa chỉ là các em đang độ tuổi đến trường. Theo đó, năm 2014 mới chỉ giúp đỡ được 02 địa chỉ, đến năm 2024 số địa chỉ được giúp đỡ cộng dồn qua các năm là 60. Mỗi địa chỉ được giúp đỡ ít nhất trong 6 tháng, có 15 địa chỉ được giúp đỡ trên 5 năm. Tổng giá trị trợ giúp cho các địa chỉ nhân đạo trong 10 năm là 1.164,45 triệu đồng.

Nhiều chương trình của Hội Chữ thập đỏ TP Tam Điệp ngày càng được nhiều người biết đến và kết nối nhiều nhà hảo tâm cùng tham gia. (Trong ảnh: Chị Lê Thị Thu Thủy cầm micro, ngoài cùng bên phải). 

Đặc biệt, chị Thủy luôn kiên trì, bền bỉ, tích cực tuyên truyền, vận động gia đình, người thân và nhân dân trên địa bàn thực hiện tốt phong trào hiến máu tình nguyện, đăng ký hiến mô, hiến tạng. Công tác tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân tham gia hiến máu chuyển biến tích cực theo các năm, số người tham gia hiến máu năm 2014 mới chỉ có 150 người đến nay mỗi năm có trên 800 người đăng ký tham gia. Số đơn vị máu hiến từ 100 đơn vị/năm đến nay đã đạt trên 700 đơn vị/năm. Trong 10 năm qua (2014 - 2024) Hội Chữ thập đỏ thành phố Tam Điệp đã vận động được 6.321 tình nguyện viên tham gia, hiến 5.179 đơn vị máu (tương đương 1.295 lít máu) cung cấp cho các bệnh viện điều trị, cấp cứu bệnh nhân.

Nổi bật nhất là công tác tuyên truyền vận động người dân đăng ký và hiến mô tạng, trở thành điểm sáng được các cấp ghi nhận biểu dương. Từ năm 2018 đến nay đã vận động được 55 người đăng ký hiến mô tạng sau khi qua đời, đã vận động được 01 trường hợp hiến tạng, 03 người hiến giác mạc. Đặc biệt, bản thân chị đã dám vượt qua thách thức truyền thống vận động gia đình đăng ký hiến mô tạng của em trai để nối dài sự sống cho 4 người mắc bệnh hiểm nghèo và mang lại ánh sáng cho 2 người mù; vận động bố đẻ và người thân hiến tặng giác mạc cho 4 người mù.

Chia sẻ về phương châm sống và làm việc của bản thân, chị Thủy cho biết mọi hành động, việc làm đều xuất phát mong muốn duy nhất “Tôi chỉ sống trên thế giới này có một lần. Vì vậy, nếu tôi có thể làm bất cứ điều tốt đẹp nào hay thể hiện lòng nhân ái của mình với bất kỳ ai, tôi sẽ thực hiện ngay không chậm trễ bởi vì tôi sẽ không sống trên thế giới này tới lần thứ hai”.

Với tấm lòng nhân ái và những nghĩa cử cao đẹp, chị Lê Thị Thu Thủy đã nhận được Bằng khen của Thủ tướng chính phủ và nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp. Hội Chữ thập đỏ thành phố Ninh Bình năm nào cũng được khen thưởng, từ năm 2020 đến nay tập thể Hội đã 04 lần biểu dương và 01 lần được nhận Giấy khen của Ban Thường vụ Thành ủy về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

 Những cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (giai đoạn 2014 - 2024) được Tỉnh ủy Ninh Bình tôn vinh, biểu dương ngày 3/10 vừa qua.

Những tấm gương như anh Phạm Văn Lừng, chị Lê Thị Thu Thủy là 2 trong số 65 điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác giai đoạn 2014 - 2024, mới đây được Tỉnh ủy Ninh Bình biểu dương, tôn vinh. Theo đồng chí Bùi Mai Hoa, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, tỉnh Ninh Bình vinh dự 5 lần được Bác Hồ về thăm. Những lời căn dặn ân cần của Bác qua mỗi lần về thăm đều thể hiện tình cảm sâu sắc của Người dành cho Ninh Bình. Khắc sâu tâm nguyện, lời dạy của Người, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Bình đã phát huy sức mạnh đoàn kết, thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Các nội dung học tập và làm theo Bác đã được cụ thể hoá thành các tiêu chí rèn luyện đối với mỗi cán bộ, đảng viên; phương thức triển khai có nhiều đổi mới, sáng tạo thông qua thực hiện các chủ đề công tác, các đợt sinh hoạt chính trị toàn Đảng; các chuyên đề học tập hàng năm, qua đó tạo môi trường rèn luyện, thực hiện các nội dung đăng ký làm theo Bác. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã thực sự thấm sâu trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, nét văn hóa lắng đọng, bền vững và có sức truyền cảm mạnh mẽ. Các điển hình tiên tiến được tôn vinh là minh chứng rõ nét nhất kết quả triển khai việc học tập và làm theo Bác những năm qua ở các cấp của tỉnh Ninh Bình./.

ĐP (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực