Sinh năm 2004, đại biểu Bà Thị Hà là cá nhân tiêu biểu dân tộc S’Tiêng, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Ở tuổi 20, đại biểu Hà hiện đang công tác tại Trường tiểu Học Hoàng Diệu, đồng thời là Bí thư chi đoàn thanh niên thôn Bù Gia Phúc 2.
Thời gian qua, đại biểu Bà Thị Hà bên cạnh tích cực tham gia các hoạt động Đoàn, Hội còn là người truyền cảm hứng cho học sinh, thiếu nhi địa phương trong việc học tập, xây dựng lối sống lành mạnh, có thói quen đọc sách.
|
Đại biểu Bà Thị Hà |
Về dự Đại hội, đại biểu Bà Thị Hà không giấu nổi niềm phấn khởi bởi đây là lần đầu tiên ra thăm Thủ đô và cũng là người trẻ S’Tiêng đầu tiên tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
“Tôi rất vui và rất đỗi tự hào khi bản thân của mình được đại diện cho rất nhiều người trẻ và đặc biệt là những người trẻ thanh niên dân tộc, tôn giáo dự Đại hội. Tôi mong muốn bản thân mình là người truyền cảm hứng để cho tất cả các bạn thanh niên dân tộc, tôn giáo đoàn kết với nhau phát triển bản thân, cống hiến cho quê hương đất nước".
Nữ đại biểu dân tộc S’Tiêng nhận định, những kết quả mà Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã làm được trong thời gian vừa qua đã góp phần xây dựng quê hương đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, phát huy được tinh thần đoàn kết, "tương thân, tương ái".
“Tôi cảm thấy rất tự hào khi được làm công tác mặt trận, góp phần nhỏ bé vào những kết quả đã được nêu trong báo cáo trình Đại hội. Tôi cho rằng, nếu mỗi người trẻ đều tâm huyết góp sức vào sự nghiệp chung thì việc nào cũng thành công!", đại biểu Hà nói.
Đại biểu cũng kỳ vọng nhiệm kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X sẽ thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Hệ thống Mặt trận Tổ quốc tiếp tục có sự đổi mới, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, các cuộc vận động; hướng mạnh về cơ sở, địa bàn khu dân cư, để xây dựng từng khu dân cư bình yên, người dân ấm no, hạnh phúc.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ dành sự quan tâm hơn nữa đến việc học tập của học sinh dân tộc thiểu số; mong các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể quan tâm sâu sắc hơn nữa tới thanh niên là người dân tộc thiểu số, giúp họ có thêm nhiều cơ hội khởi nghiệp, phát triển kinh tế.
Đồng thời, nữ đại biểu mong muốn có thêm chính sách hỗ trợ việc học cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số để các em không bị nghỉ học giữa chừng cũng như có chính sách hỗ trợ học ngoại ngữ cho học sinh dân tộc thiểu số giúp các em vững bước trên con đường tiếp thu tri thức. Với phụ nữ, trẻ em gái đặc biệt là phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số được trang bị hiểu biết, kỹ năng về bình đẳng giới.
"Các rào cản về ngôn ngữ, phong tục tập quán lỗi thời và rào cản về tri thức khiến cho phụ nữ và trẻ em gái người dân tộc thiểu số kết hôn sớm, bỏ dở việc học hành, hạn chế tiếp thu tri thức mới. Là nhân viên y tế, tôi tin tưởng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được chăm sóc sức khỏe tốt hơn để chất lượng cuộc sống được nâng cao hơn", đại biểu dân tộc S’Tiêng bày tỏ./.