Bảo đảm TTATGT đi đôi với phòng, chống dịch hiệu quả

Thứ hai, 22/11/2021 15:59
(ĐCSVN) – Cùng với sự chung tay, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đại dịch COVID-19 đang từng bước được kiểm soát, tạo tiền đề nối lại các hoạt động kinh tế - xã hội trong trạng thái “bình thường mới”. Cũng như nhiều lĩnh vực ngành nghề khác, công tác bảo đảm TTATGT phải đồng thời thực hiện nghiêm mục tiêu kép, vừa bảo đảm TTATGT vừa phòng chống dịch hiệu quả.

Năm 2021, là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030 và các kế hoạch 5 năm 2021-2025. Trong 6 tháng đầu năm đã diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, bầu cử Quốc hội khoá XV và Hội đồng nhân dân các cấp, kinh tế đất nước sau giai đoạn chống dịch COVID-19 đợt đầu đã dần phục hồi trong những tháng cuối năm 2020 với đà tăng trưởng cao, thúc đẩy sự gia tăng mạnh mẽ của nhu cầu giao thông và số lượng phương tiện, tạo áp lực lớn lên nhiệm vụ bảo đảm TTATGT.

Từ giữa tháng 6/2021, khi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 với biến chủng Delta bùng phát với tốc độ lây lan nhanh, quy mô rộng, Trung ương và các địa phương đã nhanh chóng điều chỉnh chiến lược, xác định phòng chống dịch COVID-19 là ưu tiên cao nhất của cả hệ thống chính trị, giảm thiểu các hoạt động kinh tế-xã hội và tham gia giao thông không thiết yếu, lấy xã, phường là pháo đài chống dịch, khoanh vùng, thiết lập hệ thống chốt kiểm soát phòng dịch chặt chẽ, dày đặc trên hệ thống các tuyến đường giao thông, đòi hỏi sự điều chỉnh kịp thời tất cả các giải pháp, các lực lượng làm công tác bảo đảm TTATGT phải đồng thời thực hiện nghiêm hai mục tiêu, vừa bảo đảm TTATGT vừa phòng chống hiệu quả dịch COVID-19.

Những kết quả và hạn chế

Mặc dù năm 2021, tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, các lực lượng đồng thời phải chống dịch, thêm vào đó, nước ta diễn ra nhiều sự kiện chính trị, xã hội quan trọng như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, cùng nhiều đợt cao điểm về TTATGT, song với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ngành, địa phương, tình hình TTATGT năm 2021 tiếp tục có chuyển biến tốt, cả 03 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương do TNGT đều giảm so với cùng kỳ năm 2020.

Tính đến 15/9/2021, TNGT giảm 2.527 vụ (-23,64%), số người chết giảm 817 người (-16,37%), số người bị thương giảm 2.237 người (-28,38%), ùn tắc giao thông kéo dài trên các tuyến trục chính ra vào Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và tại các đầu mối giao thông chính trước khi đợt dịch COVID-19 bùng phát cơ bản được kiểm soát.

Tai nạn giao thông để lại nhiều hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội. (Ảnh: Trần Vũ Trọng)

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm TTATGT năm 2021 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục.

Trong thời gian qua, tình hình TTATGT còn diễn biến phức tạp, số người chết do TNGT trong 02 tháng đầu năm 2021 tăng so với cùng kỳ năm 2020; mức độ giảm TNGT chưa tương xứng với mức độ giảm của lưu lượng giao thông; số vụ TNGT do nguyên nhân lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn gây ra có giảm nhưng vẫn còn không ít; còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Điển hình là vụ TNGT tại Thanh Hóa, ngày 22/3/2021 làm 07 người tử vong; 02 vụ TNGT ngày 16/3/2021 tại Hòa Bình và Nghệ An làm 05 người chết và 03 người bị thương; vụ TNGT ngày 26/3/2021 trên QL3 làm 03 người chết và 01 người bị thương; vụ TNGT ngày 06/6/2021 tại Đắk Lắk làm 03 người chết và vụ TNGT ngày 13/6/2021 tại Hưng Yên làm 03 người chết, vụ TNGT tại Cao Bằng ngày 13/9/2021 làm 02 người chết, Vụ TNGT tại Hà Tĩnh ngày 14/09/2021 làm 03 người đi xe máy thiệt mạng, Vụ TNGT tại Phú Thọ ngày 21/09/2021 làm 05 người bị thiệt mạng v.v….

Tình hình vi phạm quy định pháp luật về TTATGT đường bộ vẫn diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là tình trạng xe khách, xe tải chạy quá tốc độ, vi phạm quy định về nồng độ cồn, chở quá tải trọng, chở quá số người quy định, đi sai phần đường, làn đường, vi phạm các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, vẫn xảy ra tình trạng người dân ở khu vực ngoài đô thị đi mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm.Tình trạng chống người thi hành công vụ diễn biến phức tạp với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng, các đối tượng vi phạm hết sức manh động, liều lĩnh và coi thường pháp luật.

Tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ còn xảy ra tại các chốt kiểm soát dịch COVID-19 trên các tuyến giao thông đường bộ, đường thuỷ nội địa tại một số địa phương, đặc biệt là tại các chốt giao thông ra/vào các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Tình hình vi phạm tải trọng xe ô tô trên đường bộ diễn ra phức tạp tại một số địa phương, nhất là nơi có mỏ vật liệu, khoáng sản, công trình xây dựng, nhà máy xi măng, cảng và tái diễn xe quá tải đường dài; tái diễn tình trạng cơi nới thành thùng xe để chở hàng quá tải… dẫn đến tình trạng đường bộ ở nhiều nơi bị xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là các tuyến đường cấp tỉnh, cấp huyện, có địa phương mặt đường trên những tuyến đê xung yếu cũng bị hư hỏng do xe quá tải hoạt động.

Bảo đảm TTATGT trong trạng thái “bình thường mới”

Trong những tháng còn lại của năm 2021 và năm 2022, cùng với sự vào cuộc và nỗ lực cao nhất của cả hệ thống chính trị, dịch bệnh COVID-19 sẽ từng bước được kiểm soát, kinh tế-xã hội sẽ từng bước được phục hồi và tăng trưởng trở lại. Theo đó,  hoạt động giao thông, vận tải sẽ dần quay về với mức độ trước khi có đại dịch COVID-19 và tiếp tục gia tăng.

Lực lượng cảnh sát giao thông-Công an TP Cần Thơ kiểm tra người tham gia giao thông .
Ảnh: K.C 

Theo nhận định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các chuyên gia y tế thì virus Sars-Cov2 sẽ vẫn tồn tại trong một thời gian dài, đòi hỏi tất cả các quốc gia, tromg đó có Việt Nam phải có chiến lược “sống chung với COVID-19” . Điều này đòi hỏi chúng ta cần tiếp tục phải thực hiện các giải pháp kiểm soát chặt chẽ nhằm ngăn ngừa lây nhiễm dịch bệnh song song với phát triển kinh tế - xã hội. Cả hệ thống chính trị và mọi người dân cần phải quán triệt và thực hiện nghiêm mục tiêu, cũng như các nhiệm vụ giải pháp phòng chống dịch COVID-19 được xác định trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 của BCH Trung ương Đảng,  Kết luận số 07-KL/TW ngày 11/6/2021 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế-xã hội, Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội, các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đảm bảo kiểm soát tốt dịch COVID-19, bảo vệ sức khoẻ của nhân dân, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Đối với công tác bảo đảm TTATGT trong những tháng cuối năm 2021 và năm 2022, Bộ, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kết luận số 45-KL/TW ngày 01/2/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18/CT-TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông và Quyết định số 2060/QĐ-TTg ngày 12/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia về bảo đảm TTATGT đường bộ giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2045.

Trong đó, mục tiêu trọng tâm là tiếp tục kéo giảm TNGT so với năm 2021 (giảm tai nạn giao thông từ 5-10% số vụ, số người chết, bị thương so với năm 2019 – trước khi xảy ra đại dịch COVID-19); khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đầu mối giao thông trọng điểm; không để xảy ra ùn tắc giao thông do hoạt động kiểm soát dịch bệnh. Các cơ quan chức năng và các địa phương phối hợp tổ chức thực hiện thực hiện kế hoạch Năm An toàn giao thông 2022 với chủ đề chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông an toàn gắn với kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19”, đồng thời xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật TTATGT năm 2022 bám sát chủ đề của năm, phối hợp với các cơ quan thành viên thực hiện có hiệu quả các nội dung chương trình phối hợp đã ký kết; đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng internet, mạng xã hội, nền tảng kỹ thuật số, đảm bảo an toàn phòng dịch COVID-19.../.

Minh Ngọc

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực