Đắk Lắk: Tăng cường quản lý xe công nông để bảo đảm an toàn giao thông

Thứ ba, 15/12/2015 14:33
Xe công nông được xem là phương tiện cơ giới chủ lực trong sản xuất nông nghiệp của các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng. Tuy nhiên, công tác quản lý xe công nông trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang bộc lộ nhiều bất cập. Gần đây loại xe này đang được xem là “hung thần” trên đường, gây ra nhiều vụ tai nạn thương tâm.

7 giờ sáng trên đường Hồ Chí Minh, đoạn qua địa bàn xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar, hàng chục xe công nông nối đuôi nhau từ các thôn, buôn ùa ra quốc lộ. Trên thùng xe luôn có từ 3 đến 10 người chủ yếu là lao động đi thu hái cà phê và trẻ em. Để kịp lên rẫy, nhiều xe chạy với tốc độ cao, khi rẽ vào các nương, rẫy không có đèn báo chuyển hướng gây nguy hiểm cho người và phương tiện. Chiều về, xe chở đầy nông sản, cà phê, người lao động ngồi vắt vẻo trên thành, thùng xe, ngồi chồng lên nông sản. Nhiều xe không có biển số, không có đèn, người điều khiển xe không có bằng lái, thiếu các biện pháp đảm bảo an toàn. 

Với hơn 2 hécta cà phê đang cho thu hoạch, anh Y Sôl Êban, buôn Cuôr Đăng A, huyện Cư M’gar đã mua 2 chiếc công nông (một lớn, một nhỏ). Theo anh Y Sôl Êban, do rẫy cách xa nhà 3km, đường đi mùa mưa thường lầy lội, mùa nắng bụi mù mịt nên công nông là phương tiện dễ đi nhất được gia đình anh lựa chọn. Ngoài sử dụng công nông để lưu thông, chở nông sản, anh Y Sôl Êban còn sử dụng để chở nước ở suối về cho gia đình dùng. Cả 2 xe công nông của gia đình anh Y Sôl Êban đều có tên nhà sản xuất, năm sản xuất nhưng không có biển số, không có đèn. Anh Y Sol Êban chưa có giấy phép lái xe hạng A4 nhưng anh và người thân trong gia đình vẫn sử dụng loại xe này trên đường Hồ Chí Minh và các tuyến đường liên thôn trong xã. 

Lực lượng công an thực hiện khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn. (Ảnh: TTXVN)

Tại các huyện Krông Búk, Krông Pắk, Ea H’leo và thị xã Buôn Hồ, mật độ lưu thông của xe công nông nhiều hơn. Xe còn được hoán cải để chở gỗ, nông sản. Anh Nguyễn Văn Minh làm cơ khí tại xã Hòa An, huyện Krông Pắk cho biết: Hàng ngày tiệm của anh sửa chữa hàng chục xe công nông. Hầu hết là xe mới, được người dân mua về đều mang đến tiệm cơ khí để cơi nới thùng xe theo nhu cầu sử dụng. 

Theo ông Trịnh Hữu Kiệm, Trưởng phòng Vận tải, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đắk Lắk, đối với xe công nông đầu ngang thuộc diện cấm lưu hành theo quy định, tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện nghiêm. Tuy nhiên, hiện nay phương tiện này vẫn còn hoạt động tại một số thôn, buôn vùng sâu vùng xa để vận chuyển nông sản, khai thác lâm sản trái phép. Đối với xe công nông (xe máy kéo, máy cày tay) không thuộc diện đình chỉ tham gia giao thông theo chỉ thị 46/2004/CT-TTg ngày 9/12/20-4 của Chính phủ, nhưng cần tăng cường biện pháp quản lý để đảm bảo an toàn giao thông. Thực tế tại tỉnh Đắk Lắk, công tác quản lý xe công nông còn gặp nhiều khó khăn. Việc quy hoạch hệ thống đường gom, đường dành riêng cho phương tiện này rất khó thực hiện vì thiếu quỹ đất và kinh phí giải phóng mặt bằng, kinh phí đầu tư xây dựng. Hiện nay, một số xưởng cơ khí nhỏ ở các huyện, thị xã tự ý cải tạo xe máy cày, chuyển đổi hệ thống lái bằng càng sang hệ thống lái bằng vô lăng, không được cơ quan chuyên môn thẩm định. Việc phối hợp xử lý vi phạm về độ chế xe công nông vẫn chưa đồng bộ nên gây khó khăn trong công tác quản lý loại phương tiện này. 

Tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 78.808 xe công nông đang hoạt động có đăng ký. Ngoài ra, còn 5.000 xe chưa đăng ký. Từ năm 1996 đến nay, tỉnh mới sát hạch cấp giấy phép lái xe hạng A4 cho 10.491 người. Tỷ lệ người có giấy phép lái xe hạng A4 ở Đắk Lắk chỉ chiếm 13% so với số phương tiện hiện có. Đa số người điều khiển công nông (máy kéo nhỏ, máy cày tay) là người làm nông nghiệp, đồng bào dân tộc thiểu số nên ý thức chấp hành luật giao thông rất hạn chế. 

Khi chưa có phương tiện hữu hiệu thay thế xe công nông theo ông Đỗ Bình Chính, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Đắk Lắk, tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý xe công nông, nhằm đảm bảo an toàn giao thông và giảm nguy cơ tai nạn giao thông trên các tuyến có xe công nông lưu thông. Hàng năm, Sở phối hợp với các cơ sở đào tạo lái xuống các huyện, thị xã chiêu sinh mở các lớp đào tạo lái xe hạng A4 cho chủ phương tiện; hướng dẫn đồng bào các dân tộc thiểu số chấp hành luật giao thông đường bộ, xe phải đăng ký biển số, lắp đèn, xi nhan, tuân thủ luật giao thông; không tự ý hoán cải làm thay đổi kích cỡ, hình dạng xe. Công an giao thông các huyện, thị xã, thành phố tăng cường lực lượng kiểm tra, nhắc nhở người điều khiển công nông tuân thủ tốc độ, hạn chế lưu thông ở các tuyến đường có nhiều phương tiện cùng lưu thông. 

Cũng theo ông Đỗ Bình Chính, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ kinh phí cho người học lái xe công nông (xe máy kéo, máy cày nhỏ) để lấy giấy phép lái xe hạng A4; giảm thời gian học thực hành lái xe, tăng thời gian học Luật Giao thông đường bộ, bởi vì thực chất người học lái xe hạng A4 đã biết điều khiển thành thạo loại phương tiện này. Cục Đăng kiểm cần có hướng dẫn trong việc kiểm tra, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật cho xe công nông; xây dựng tiêu chuẩn ngành, quy định xe công nông vì khái niệm về xe công nông ở mỗi địa phương được hiểu một cách khác nhau./.

Phạm Cường/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực