Đắk Nông: Xe công nông hoành hành trên Quốc lộ 14

Thứ tư, 09/12/2015 15:56
Nhiều năm nay, xe công nông được xem là phương tiện tiện dụng đối với nông dân tại Tây Nguyên nói chung và Đắk Nông nói riêng. Tuy nhiên, việc lưu hành phương tiện này, nhất là trên Quốc lộ 14 và một số tuyến đường đông dân cư đang bộc lộ nhiều mặt trái, đòi hỏi phải chấn chỉnh, quản lý.

Ảnh minh họa. (Nguồn: daknong.gov.vn)

Hơn một tháng trở lại đây, cứ khoảng 6 - 7 giờ sáng và 5 - 6 giờ tối, hàng chục, hàng trăm xe công nông nối đuôi nhau lưu thông trên tuyến Quốc lộ 14. Trên Quốc lộ 14, đoạn qua Đắk Nông, xe công nông lưu hành nhiều trên đoạn đường qua hai huyện Đắk Mil, Đắk Song, đặc biệt là đoạn qua thị trấn Đắk Mil và xã Thuận An (huyện Đắk Mil). Do đang vào cao điểm vụ thu hoạch cà phê nên lượng xe công nông lưu thông qua tuyến đường này cũng vào mùa cao điểm. Hầu hết các xe lưu thông đều vi phạm những lỗi nghiêm trọng về an toàn giao thông như chở hàng hóa công kềnh, người ngồi trên rơ-moóc không đảm bảo an toàn, xe thiếu các thiết bị đảm bảo an toàn như đèn chiếu sáng, đèn xi nhan, tài xế lái xe thiếu quan sát, bị che khuất tầm nhìn… nên rất nguy hiểm. Việc lưu thông cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn vì nhiều tài xế thiếu quan sát, không tuân thủ làn đường theo quy định, chở hàng hóa quá cồng kềnh, thậm chí là chạy song song, hàng 2, hàng 3… 

Tuy nhiên, đối với nông dân Tây nguyên nói chung, và nông dân trồng cà phê nói riêng, xe công nông (còn có tên gọi là xe càng, xe cày, xe máy kéo nhỏ) là loại phương tiện rất đa dụng. Đây vừa là phương tiện vận tải, có khả năng chuyển chở hàng hóa ở những khu vực có độ dốc lớn, đường sá lầy lội, chật hẹp, vừa có thể cơ động trở thành phương tiện xay xát, máy bơm để tưới nước cho cà phê, trong khi tổng chi phí cho mỗi chiếc máy này chỉ từ 30 - 50 triệu đồng, thậm chí thấp hơn. Ông Nguyễn Xuân Ngà, nông dân xã Đức Mạnh, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông cho biết, xe công nông đối với nông dân có rất nhiều tác dụng, phù hợp với nhiều loại đường đất, đường đá... Những tuyến đường đã xuống cấp mà các loại ô tô nhỏ không lưu thông được thì xe công nông vẫn đi được nên rất thuận cho việc vận chuyển vật liệu, phân bón, các sản phẩm khi thu hoạch. Bên cạnh đó, chi phí để mua một xe công nông rẻ hơn nhiều so với các loại xe khác; tháo, lắp dễ dàng nên hết mùa cà phê có thể tháo đầu máy ra để bơm tưới, xay xát... giảm được chi phí mua các phương tiện khác. “Tuy nhiên, cũng có nhiều bất cập, như người điều khiển không để ý, không đăng kiểm, đăng ký xe, nhiều xe quá cũ nát nhưng không chịu tu sửa, rất nguy hiểm khi tham gia giao thông”, ông Ngà nói. 

Việc xe công nông lưu thông nhiều trên Quốc lộ 14, nhất là những lúc trời chập choạng tối hoặc xe chở quá nhiều hàng hóa, kèm người trên rơ-móc, trở thành nỗi lo lắng đối với nhiều tài xế trên tuyến đường này. “Tôi lái xe trên tuyến đường này thường xuyên, nhiều lúc đến đoạn đèo dốc gặp xe công nông đi trời tối mà không có đèn, thấy rất nguy hiểm”, tài xế Nguyễn Văn Khánh, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, cho hay. 

Theo Phòng cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Đắk Nông: Toàn tỉnh hiện có hơn 13.000 xe công nông được đăng ký. Các yêu cầu để đăng ký xe công nông là phương tiện phải có kiểm định chất lượng, bảo hiểm xe và đóng thuế đầy đủ. Hiện nay, việc quản lý và xử lý vi phạm đối với loại phương tiện này trên địa bàn tỉnh Đắk Nông còn gặp nhiều khó khăn. Thiếu tá Nguyễn Công Long, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Đắk Nông thừa nhận: Với đặc thù các tỉnh Tây nguyên, xe công nông rất thuận tiện cho hoạt động sản xuất nông nghiệp của bà con. Tuy nhiên, công tác quản lý, xử lý vi phạm đối với phương tiện này gặp không ít khó khăn. Trước hết, người dân ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số ít tự giác chấp hành và mang phương tiện lên để đăng ký, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này còn rất hạn chế. Lực lượng công an đã xuống tận các xã, phường để tổ chức đăng kí cho bà con, nhưng nhiều người vẫn không đến đăng kí. Bên cạnh đó, công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm cũng khó khăn do đang vào mùa vụ nên người dân điều khiển phương tiện tham gia lưu thông nhiều. Mức phạt tương đối cao (5 triệu đồng cho lỗi không có bằng lái, kèm tạm giữ phương tiện), trong khi người dân điều kiện kinh tế quá khó khăn…

Phòng cảnh sát giao thông tỉnh đang phối hợp với Ban An toàn giao thông, chính quyền các địa phương đã và đang tiến hành các biện pháp đồng bộ để quản lý phương tiện xe công nông. Trước mắt là tập trung nhắc nhở, chấn chỉnh các chủ phương tiện vi phạm, nếu ai cố tình sẽ bị xử phạt nghiêm minh. Về lâu dài, các đơn vị chức năng đang tăng cường công tác phối kết hợp để triển khai hiệu quả các biện pháp như đã nêu ở trên.

“Chúng tôi chủ yếu tăng cường công tác tuyên truyền, để người dân chấp hành nghiêm luật giao thông đường bộ khi điều khiển phương tiện. Các trường hợp vi phạm nghiêm trọng hoặc thường xuyên vi phạm thì cương quyết xử lý. Để quản lý chặt chẽ hơn và phòng ngừa tai nạn đối với phương tiện này thì, phải có sự quản lý giấy phép đối với người điều khiển phương tiện; đồng thời phải quy định tuyến đường và thời gian phương tiện này được lưu thông để đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Phòng cũng tăng cường công tác quản lý đăng ký đối với xe công nông”, ông Long cho hay./. 

Anh Dũng - Ngọc Minh - Hưng Thịnh/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực