Đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt trên các quốc lộ

Thứ tư, 26/12/2018 16:05
(ĐCSVN) – Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu tăng cường công tác bảo dưỡng thường xuyên đường bộ, kịp thời khắc phục, sửa chữa các hư hỏng mặt đường như ổ gà, bong tróc không để phát sinh hư hỏng nặng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông...
Ảnh minh họa: baogiaothong.vn

Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) vừa có văn bản số 8615/TCĐBVN-ATGT yêu cầu đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt trên các quốc lộ gửi Cục Quản lý đường bộ III; Các Sở GTVT: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông; Các Ban Quản lý dự án Hồ Chí Minh, Thăng Long, 7; Các Nhà đầu tư dự án BOT, BT.

Theo Tổng cục ĐBVN, thời gian qua, do ảnh hưởng của các đợt mưa cuối năm 2018, trên các tuyến quốc lộ địa phận các tỉnh duyên hải Miền Trung đã xảy ra các hư hỏng mặt đường dạng rạn nứt, ổ gà và sình lún hủy liệt, ảnh hưởng đến chất lượng khai thác các tuyến đường, đặc biệt là các tuyến đường huyết mạch quan trọng, lưu lượng giao thông lớn như QL.1, QL.1D, QL.19, QL.26...

Để đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt và kịp thời khắc phục các hư hỏng, Tổng cục ĐBVN đã có nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện, tuy nhiên, qua kiểm tra hiện trường, công tác khắc phục bảo đảm giao thông chưa được quan tâm.

Tổng cục ĐBVN nhấn mạnh, đối với các tuyến đường đang quản lý, khai thác, hiện đang là thời điểm cuối năm, nhu cầu tham gia giao thông, vận chuyển hàng hóa tăng cao. Do đó, Tổng cục ĐBVN yêu cầu Cục QLĐB III, các Sở GTVT: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông khẩn trương tăng cường công tác bảo dưỡng thường xuyên đường bộ, kịp thời khắc phục, sửa chữa các hư hỏng mặt đường như ổ gà, bong tróc không để phát sinh hư hỏng nặng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Đối với các hư hỏng mặt đường dạng sình lún, ổ gà nặng và mật độ dày nguy cơ gây mất ATGT cần thực hiện khắc phục bảo đảm giao thông bước 1 bằng vật liệu phù hợp để đảm bảo an toàn giao thông, tranh thủ thời tiết thuận lợi, khô ráo, tiến hành xử lý bằng đá dăm láng nhựa hoặc bê tông nhựa nguội; Cục Quản lý đường bộ, các Sở GTVT chịu trách nhiệm rà soát khối lượng hư hỏng, đảm bảo thực hiện đúng các khối lượng hư hỏng mặt đường nêu trên, tránh trùng lặp với các đoạn tuyến đã có dự án sửa chữa đột xuất hoặc dự án trong Kế hoạch sửa chữa đường bộ hàng năm.

Đối với các hư hỏng mặt đường dạng nứt mai rùa, nứt chân chim hoặc ổ gà dạng bong bật nhẹ thì cần thống kê cụ thể khối lượng từng loại hư hỏng, khái toán để đề xuất đưa vào kế hoạch bảo trì hàng năm hoặc báo cáo Bộ GTVT cho phép sửa chữa đột xuất theo quy định.

Đối với các đoạn tuyến đang thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng BOT: Giao Cục QLĐB III đôn đốc, giám sát các Nhà đầu tư thực hiện theo nội dung tại mục 1, 2 và các quy định hiện hành nhằm đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt...

Đối với các đoạn tuyến quốc lộ đã bàn giao cho dự án hoặc đang trong giai đoạn bảo hành, Tổng cục ĐBVN yêu cầu Chủ đầu tư, các Ban QLDA, nhà thầu thi công phải chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn giao thông, khi thi công phải có các biện pháp cảnh báo, bảo đảm giao thông, thi công gọn gàng, dứt điểm (trong trường hợp chưa thi công được phải có các biện pháp cảnh báo hoặc đảm bảo giao thông tạm); chịu trách nhiệm sửa chữa, bảo hành các hư hỏng mặt đường, kịp thời khắc phục nếu để hư hỏng phát sinh do chậm xử lý, do chất lượng thi công không đảm bảo./.

Trường Nhật

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực