Đẩy mạnh công tác quản lý vận tải, thực hiện thành công “mục tiêu kép”

Thứ hai, 29/11/2021 14:54
(ĐCSVN) – Trong thời gian qua, các doanh nghiệp vận tải đường bộ, hàng không, đường sắt nhất là vận tải hành khách gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Trước tình hình đó, các Bộ, ngành, cơ quan chức năng đã ra nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện “mục tiêu kép”, phòng chống dịch hiệu quả, đồng thời phát triển kinh tế xã hội, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe Nhân dân.
Ảnh minh họa: Tạp chí GTVT 

Bộ GTVT đã ban hành 05 Quyết định hướng dẫn tạm thời về tổ chức giao thông, kiểm soát dịch cho 05 lĩnh vực chuyên ngành giao thông vận tải, gồm: đường bộ, đường sắt, hàng không dân dụng, đường thủy nội địa và hàng hảiđể các cơ quan, đơn vị liên quan và địa phương thống nhất, áp dụng trên toàn quốc (các biện pháp phòng, chống dịch trong hoạt động vận tải, quy định rõ trách nhiệm của lái xe, đơn vị vận tải, đầu mối bốc xếp hàng hoá, tăng cường kiểm soát dịch nơi đi, nơi đến, hạn chế tối đa kiểm tra tại chốt, tránh ùn tắc tại các chốt kiểm soát dịch, đặc biệt tại các chốt cửa ngõ ra vào các thành phố lớn); đồng thời ban hành nhiều văn bản nhằm đôn đốc, chỉ đạo các Cục chuyên ngành, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện nhiều biện pháp cụ thể trong công tác phòng chống dịch COVID-19.

Bộ Công an đã tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, đã trực tiếp và chỉ đạo Cục CSGT ban hành 04 kế hoạch, 01 phương án, 15 điện cùng nhiều công văn chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương và lực lượng CSGT nắm chắc tình hình diễn biến của dịch bệnh để phối hợp với ngành Y tế và các cơ quan chức năng triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa thực hiện “mục tiêu kép”, phòng chống dịch hiệu quả, đồng thời phát triển kinh tế xã hội, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe Nhân dân. CSGT Công an các đơn vị, địa phương đã bố trí nhân sự thực hiện nhiệm vụ chốt chặn, kiểm soát, phân luồng, hướng dẫn giao thông nhằm phòng, chống dịch COVID-19, tạo thuận lợi lưu thông hàng hóa tại hàng nghìn chốt trên địa bàn cả nước.

Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 khi sử dụng phương tiện đưa, đón cán bộ, chiến sỹ và trong thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; làm tốt công tác đảm bảo kỹ thuật cho các xe tham gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đặc biệt là chiến dịch tăng cường xe cứu thương, xe vận chuyển quân và trang thiết bị y tế cho các tỉnh phía Nam. Đến nay Quân đội đã điều động 7.886 xe ô tô các loại cho công tác phòng chống dịch, trong đó: 1.656 xe con, 1.446 xe ca, 3.203 xe vận tải, 734 xe cứu thương và xe xét nghiệm, 847 xe chuyên dùng khác.

Bộ GTVT đã thành lập Tổ Công tác đặc biệt của Bộ (Quyết định số 1563/QĐ-BTGTVT ngày 23/8/2021) để kịp thời giải quyết các vướng mắc về công tác vận tải trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19; thường xuyên, liên tục tổ chức họp trực tuyến với các Bộ, ngành, 63 địa phương về công tác vận tải gắn với công tác phòng, chống dịch; phối hợp với Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để thống nhất các phương án phối hợp đảm bảo vận chuyển thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân và vận chuyển hàng hoá phục vụ sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu; tổ chức các buổi làm việc với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông về xây dựng ứng dụng công nghệ nhận diện phương tiện bằng mã QRcode; xây dựng Kế hoạch phối hợp, hỗ trợ tối đa về vận tải và tổ chức giao thông cho thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Tổ công tác đã trực tiếp kiểm tra và xử lý ngay các tồn tại bất cập về vận tải và tổ chức giao thông phát sinh trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Bộ GTVT đã thành lập 04 tổ kiểm tra hiện trường trực tiếp theo dõi hoạt động vận tải đường bộ, đường thuỷ nội địa, hàng hải, đường sắt, hàng không tại các chốt kiểm soát dịch, trên các tuyến quốc lộ, cảng biển, bến thuỷ nội địa, đầu mối hàng hoá tại 19 tỉnh, thành phố đang thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, tập trung phối hợp ngay với lực lượng chức năng của địa phương để xử lý các điểm ùn tắc, báo cáo hàng ngày về Tổ công tác đặc biệt để tổng hợp. Tổ công tác đặc biệt của Bộ GTVT đã phối hợp với thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh xây dựng phương án huy động phương tiện; người điều khiển phương tiện; tổ chức vận tải; bảo dưỡng sửa chữa; cứu hộ giao thông; tổ chức giao thông trên các tuyến liên tỉnh và các đầu mối vận tải trọng yếu để đảm bảo hỗ trợ tối đa hoạt động vận tải phục vụ khám chữa bệnh, xét nghiệm, tiêm chủng vắc-xin; vận chuyển lương thực, thực phẩm thiết yếu; vận chuyển máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên vật liệu phục vụ thi công các công trình trọng điểm; vận tải cho các dịch vụ công ích thiết yếu; các hoạt động kinh tế khác và bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội (Kế hoạch số 8850/KH-BGTVT ngày 25/8/2021).

Để tiếp tục bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép” trong thời gian tới, bên cạnh những kết quả bước đầu, các cơ quan chức năng đề ra nhiệm vụ cụ thể trong từng lĩnh vực.

Về lĩnh vực đường bộ: tiếp tục chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đến các cơ quan, đơn vị. Đang triển khai việc đánh giá kết quả hoạt động của hệ thống xử lý dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình; thực hiện điều chỉnh phần mềm trực tuyến cấp giấy phép kinh doanh vận tải, phù hiệu, biển hiệu và thực hiện công bố cấu trúc thông tin, thiết bị và quy trình kiểm tra mã QRcode trên phù hiệu theo quy định tại Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT.

Tổng hợp sửa đổi, bổ sung danh mục tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh. Tiếp tục thực hiện điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Lĩnh vực đường thủy nội địa: các đơn vị chức năng đã làm việc với các đơn vị liên quan về các giải pháp tăng cường kết nối đường thủy nội địa với các cảng biển lớn; tăng cường lấy ý kiến doanh nghiệp để thúc đẩy, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải thủy nội địa.

 Lĩnh vực đường sắt: tiếp tục duy trì và thực hiện nghiêm việc phân tích giữ liệu băng tốc độ chạy tàu để kịp thời đôn đốc, chấn chỉnh, xử lý các trường hợp không thực hiện đúng biểu đồ chạy tàu; 100% nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu có đủ chứng chỉ nghề, bằng cấp đào tạo; duy trì kiểm tra, giám sát 100% lái tàu khi lên ban phải đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định; triển khai quyết định 1596/QĐ-BGTVT ngày 30/8/2021 của Bộ GTVT về ban hành hướng dẫn tạm thời về tổ chức giao thông, kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải bằng phương tiện giao thông đường sắt trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19.

Lĩnh vực hàng không dân dụng: tính đến trung tuần tháng 9/2021, có tổng số 274 tàu bay đăng ký quốc tịch Việt Nam, tăng 13 tàu bay so với năm 2020 và tăng 09 tàu bay so với cùng kỳ năm 2020. Theo số liệu thống kê, tỷ lệ chuyến bay đúng giờ đạt 94,4% và tỷ lệ chuyến bay hủy chuyến 1,9%.

Lĩnh vực hàng hải: để bảo đảm an toàn cho các phương tiện hàng hải, các lực lượng chức năng đã thực hiện kiểm tra 482 lượt phương tiện thủy nội địa cấp VR – SB (phát hiện 2.307 khiếm khuyết); kiểm tra 575 lượt tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến nội địa (phát hiện 2.459 khiếm khuyết); kiểm tra 148 lượt tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế (phát hiện 948 khiếm khuyết); kiểm tra 1.494 lượt tàu biển nước ngoài (phát hiện 1.537 khiếm khuyết và lưu giữ 02 lượt tàu)./.

Mai Thư

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực