Gia Lai: Đổi mới trong phương thức tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông

Thứ hai, 24/07/2023 08:35
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – Trước thực trạng đối tượng gây tai nạn giao thông là thanh thiếu niên chiếm tới hơn 50%, trong đó 40% số vụ liên quan đến người dân tộc thiểu số, Công an tỉnh Gia Lai đã thực hiện nhiều biện pháp để cải thiện thực trạng này.

Trong 6 tháng đầu năm 2023 ( tính từ 15/12/2022 đến 14/6/2023): Toàn tỉnh Gia Lai xảy ra 165 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm 112 người chết, 111 người bị thương; so với cùng kỳ năm 2022, giảm 02 vụ, giảm 12 người chết, giảm 26 người bị thương. Tính bình quân, cứ 10.000 phương tiện giao thông cơ giới đường bộ xảy ra 1,55 vụ  tai nạn giao thông, làm chết 1,05 người và bị thương 1,04 người.

Nguyên nhân xảy ra tai nạn chủ yếu do không chú ý quan sát (chiếm 26,06%),  đi sai làn đường, phần đường (19,39%), tránh vượt, dừng, chuyển hướng sai quy định (15,76%), vi phạm tốc độ, khoảng cách an toàn (9,09%). Ngoài ra, tình trạng người điều khiển phương tiện gây tai nạn đã sử dụng rượu bia chiếm 26,67%, và người điều khiển phương tiện không có giấy phép lái xe chiếm 16,97%.

Trong đó, đối tượng gây tai nạn là thanh thiếu niên (chiếm 50,86%, trong đó 17 trường hợp dưới 18 tuổi); 40% số vụ liên quan đến người dân tộc thiểu số.

Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Gia Lai kết hợp tuyên truyền, tặng mũ bảo hiểm cho người  dân.

Trước tình trạng người dân, đặc biệt là một bộ phận người dân tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số thiếu hiểu biết pháp luật dẫn đến vi phạm Luật giao thông đường bộ (LGTĐB). Đặc biệt tình trạng một bộ phận thanh thiếu niên thường xuyên uống rượu, bia rồi điều khiển phương tiện tham gia giao thông gây ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo các đơn vị, Công an địa phương, nòng cốt là lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) và Công an cấp xã triển khai đồng bộ các biện pháp công tác; tập trung điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình địa bàn để bố trí lực lượng tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật giao thông; tập trung rà soát đối tượng thường xuyên vi phạm để có biện pháp phòng ngừa, răn đe, tuyên truyền giáo dục,…

Bên cạnh đó, hoạt động tuyên truyền giáo dục thường xuyên đẩy mạnh nhằm phổ biến pháp luật giao thông đường bộ trong cộng đồng dân cư, nhất là vùng giáo dân, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa…với nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, tập quán của các đồng bào dân tộc thiểu số.

Có thể kể đến các chương trình kết hợp biểu diễn văn nghệ và tuyên truyền phổ biến pháp luật về an toàn giao thông do Đội văn nghệ xung kích Công an tỉnh Gia Lai phối hợp với Công an các địa phương. Trong khuôn khổ chương trình, các hoạt động giao lưu biểu diễn văn nghệ  được tổ chức cùng với các hoạt động hỏi, đáp trực tiếp, đối với câu hỏi trả lời đúng sẽ được tặng mũ bảo hiểm... Qua đó, chương trình đã tập hợp, thu hút được sự quan tâm của hàng ngàn lượt người, trong đó có đông đảo thanh thiếu niên tham gia. Đây là hoạt động vừa tuyên truyền pháp luật, vừa lan toả hình ảnh đẹp của người chiến sỹ Công an trong lòng Nhân dân.

 Đội văn nghệ xung kích Công an tỉnh Gia Lai chụp ảnh cùng bà con nhân dân 

Đặc biệt, thời gian qua, Công an cấp huyện, cấp xã đã lồng ghép công tác thu thập dữ liệu dân cư, cấp Căn cước công dân và giải quyết các thủ tục hành chính để tuyên truyền pháp luật cho hàng chục ngàn người dân, qua đó từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật nói chung và Luật giao thông đường bộ nói riêng cho người dân trên địa bàn.

Từ tháng 12/2022 đến nay, Công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức hơn 1.700 lượt buổi tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông tại thôn, làng, tổ dân phố với hơn 207.000 lượt người tham gia; hơn 80 lượt tuyên truyền tại các nhà thờ, điểm nhóm tôn giáo thu hút hơn 10.000 tín đồ, giáo dân tham gia; phối hợp tổ chức hơn 250 lượt buổi tuyên truyền luật giao thông và kỹ năng xử lý tình huống khi tham gia giao thông, phòng chống bạo lực học đường tại các trường học thu hút hơn 85.000 giáo viên, học sinh và phụ huynh tham gia.

Thông qua các hoạt động này, lực lượng Công an đã trao tặng hơn 600 mũ bảo hiểm, gần 2.000 phần quà cho những hoàn cảnh khó khăn. Tổ chức hơn 8.000 lượt tuyên truyền lưu động bằng xe loa trên các tuyến quốc lộ, khu đông dân cư, chợ, nơi tập trung đông người, lồng ghép phát 625 video tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại điểm xử phạt vi phạm hành chính, thu hút hơn 8.100 lượt người xem./.

ĐK

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực