Bắc Kạn: Hàng trăm điểm sạt lở trên các tuyến đường vẫn chưa được khắc phục

Thứ hai, 24/08/2015 16:01

Đợt mưa to kéo dài từ đầu tháng 8 đã để lại hậu quả nặng nề cho Bắc Kạn, với tổng thiệt hại ước tính 30 tỷ đồng; trong đó, các tuyến giao thông bị sạt lở nhiều, với hàng ngàn mét khối đất đá cần phải bóc đổ. Tuy nhiên, đến nay tất cả các tuyến đường mới chỉ thực hiện việc thông xe chứ chưa thể dọn sạch lòng đường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi tham gia giao thông.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bắc Kạn Ma Trương Thiêm cho biết: Do nhiều tuyến đường bị sạt lở nên Sở tập trung giải quyết nhanh việc thông xe, còn việc hót sạch toàn bộ đất đá mất rất nhiều công, cần phải có kinh phí để thuê các doanh nghiệp thực hiện. Sở Giao thông đã lập phương án thực hiện, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có đơn vị nào nhận thi công do Sở vẫn còn nợ các doanh nghiệp một số tiền rất lớn từ năm 2013-2014.

Theo Ban quản lý đường bộ thuộc Sở Giao thông Vận tải Bắc Kạn, trong hai năm 2013 và 2014, tổng nợ đọng kinh phí khắc phục hậu quả bão lũ các công trình giao thông đường bộ của Sở gần 47 tỷ đồng; trong đó, nợ nhiều nhất là của Công ty cổ phần quản lý - bảo dưỡng đường bộ với 27,5 tỷ đồng, Công ty Hồng Hà trên 10 tỷ đồng... Trận mưa lũ vừa qua, tổng khối lượng đất đá sạt lở gần 76.000 m3, theo đó số kinh phí cần phải có để khắc phục trên 16 tỷ đồng.

Theo Sở Giao thông Vận tải Bắc Kạn, trên toàn bộ các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ có gần 400 điểm sạt lở, nhiều nhất là Tỉnh lộ 258 với gần 200 điểm, khối lượng đất đá phải thu dọn gần 23.000 m3; đường Tỉnh lộ 257 cũng có trên 100 điểm sạt lở, khối lượng đất đá cần thu dọn hơn 13.000 m3...

Trên thực tế, các tuyến đường này đều đã được thông xe ngay sau khi bị sạt lở, nhưng chỉ là tạm thời vì có nhiều điểm sạt lở đất đá vẫn chiếm gần hết lòng đường, không chỉ cản trở giao thông mà còn có nguy cơ gây tai nạn rất cao, đặc biệt là vào ban đêm, vì các tuyến đường trên Bắc Kạn đều có nhiều điểm cua rất khó quan sát. Tại thời điểm này, nhiều điểm sạt lở không chỉ bị đất chiếm lòng đường mà ở những điểm này, nước vẫn chảy liên tục từ trên núi xuống, nguy cơ hỏng đường rất cao./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực