Cân nhắc dừng thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy

Thứ năm, 23/07/2015 15:02

Sau hai năm thực hiện việc thu phí bảo trì đường bộ đối với xe mô tô, xe gắn máy (xe máy), có thể nói, mục tiêu đề ra vẫn chưa được như mong muốn. Chính vì vậy , Bộ Giao thông Vận tải vừa có đề xuất dừng thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy.

 

 Việc thu phí bảo trì đường bộ với xe máy hiện nay đang gặp khó khăn.
(Nguồn: vietnamnet.vn)


Ông Lê Hoàng Minh, Chánh Văn phòng Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương cho biết, thời gian qua, sau khi triển khai việc lấy ý kiến của các địa phương về việc có nên tiếp tục thu phí đường bộ với xe máy hay không, đến nay có 32 địa phương đã phản hồi. Trong đó, 30 địa phương bày tỏ quan điểm đồng thuận và kiến nghị tiếp tục thực hiện chính sách này nhưng phải có chế tài cụ thể. Hiện có Khá n h Hòa, Đà Nẵng, Đồng Nai , Bà Rịa - Vũng Tàu , Vĩnh Long, Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội đã đề nghị bỏ thu loại phí này. Các địa phương khác chưa có văn bản hồi âm về Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương.

Theo kết quả thanh tra mới đây của Bộ Tài chính tại 8 quỹ địa phương trong năm 2014, tổng số phí sử dụng đường bộ thu từ xe máy mới chỉ được gần 100 tỷ đồng, đạt 22,2% so với kế hoạch. Điều này cho thấy, dù đã tính đến quyền lợi cho các tổ chức thu, như UBND cấp phường được trích lại 10% và cấp xã được 20% tổng mức thu, nhưng số tiền thu được cũng không lớn.

Mặt khác, theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2015, Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương mới thu được khoảng 180 tỷ đồng tiền phí bảo trì đường bộ đối với xe máy trên toàn quốc , đạt khoảng 7% so với kế hoạch.

Còn thống kế của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, cho thấy số tiền thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy giảm dần trong 2 năm qua. Năm 2013, số phí bảo trì đường bộ, Hà Nội thu được 55 tỷ đồng, đến 2014 còn 36 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2015 mới đạt 3 tỷ đồng.

Như vậy, với quy định nguồn thu này sẽ để lại cho địa phương sử dụng, nhưng với số thu ít ỏi như trên thì chưa chắc đủ để chi cho bộ máy làm việc chứ chưa nói đến việc hỗ trợ việc duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường bộ trên địa bàn.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nếu việc thực hiện thu phí đường bộ đối với xe máy mà thiếu hiệu quả thì cần phải cân nhắc lại. Hay nói cách khác, các chính sách của nhà nước chỉ thực thi hiệu quả khi phù hợp với thực tiễn. Với những chính sách đã được ban hành nhưng chưa tạo được sự đồng thuận của người dân, chưa đi vào cuộc sống thì cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu để điều chỉnh. Nếu tiếp tục thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy, cơ quan chức năng cần có giải trình để bảo đảm sự đồng thuận của xã hội.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước cho biết , theo quan điểm của ông nên bỏ thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy vì kết quả thu rất ít. Hiện nay việc thu phí BOT đối với xe ô tô đã gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, vì vậy cũng nên bỏ thu phí xe máy để tránh gây bức xúc cho nhân dân. Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh cũng đang đề nghị UBND tỉnh báo cáo về vấn đề này, sau khi có báo cáo của UBND tỉnh, chúng tôi sẽ cân nhắc để kiến nghị dừng hay tiếp tục thu.

Ông Phạm Quang Thiều, p hường Phú Diễn, Bắc Từ Liêm , Hà Nội cho biết, gia đình ông có bốn chiếc xe máy. Đến thời điểm này , ông vẫn chưa đóng phí bảo trì đường bộ đối với những xe này bởi không thấy ai hỏi và hàng xóm của ông cũng chưa ai đóng phí này.

Bà Nguyễn Thị Hoa, Tổ phó Tổ dân phố 2B phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội bày tỏ, việc thu phí đường bộ đối với xe máy nên bỏ vì ảnh hưởng đến tư tưởng của người dân. Bản thân bà mỗi lần đi thu phí đều rất vất vả giải thích, nhiều người viện dẫn nhiều lý do để khất lần và không đóng, thậm chí nhiều người còn tỏ ra khó chịu.

Còn anh Vũ Việt Anh, trú tại 36 đường Nguyễn Thị Định, phường Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ: “Tôi có nghe nói đến việc thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy. Chính quyền địa phương đã xuống từng hộ gia đình để ghi biển số xe, chủ xe để thông báo, nhưng đến giờ này vẫn chưa thấy ai đi thu phí”.

Đánh giá về tính khả thi của văn bản pháp luật, ông Lê Hoàng Minh, Chánh Văn phòng Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương chia sẻ, trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật , nhà làm luật không hình dung ra quá nhiều vấn đề trong thực tế, chỉ bao quát được vấn đề tổng thể nhưng khi đưa về địa phương thì triển khai không đồng bộ dẫn đến mỗi địa phương thu mức phí khác nhau, gây ra sự không đồng thuận. Ngoài ra, ngay tại địa phương cũng đưa ra các mức thu khác nhau giữa đô thị và nông thôn cũng tạo ra dư luận không tốt.

Mặt khác, dù có chế tài quy định rất rõ nếu không nộp phí và lệ phí sẽ bị phạt từ 1- 3 lần , nhưng vấn đề là đối tượng của thẩm quyền xử phạt không phải là lực lượng công an mà là nhiều cơ quan như tài chính, thuế, UBND các cấ p cũng đã gây khó khăn cho việc xử phạt . Chế tài như vậy dẫn đến người nộp và người không nộp đánh đồng giống nhau, tạo ra sự không đồng thuận ngay trọng cộng đồng địa phương đó.

Theo đánh giá, nguyên nhân phí đường bộ thu từ xe máy đang có chiều hướng giảm chủ yếu là do các cấp chính quyền địa phương chưa thật sự quyết liệt trong công tác tổ chức thu. Nhiều quỹ địa phương chưa chú trọng đến công tác tham mưu, tổ chức thu phí xe máy mà gần như giao lại cho chính quyền cấp xã, phường, thị trấn thực hiện… Thêm vào đó, nhiều người dân có thắc mắc và chưa đóng phí do không nộp phí cũng không bị lực lượng chức năng xử phạt.

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, Bộ rất băn khoăn việc nên hay không thu phí bảo trì đường bộ với xe máy, bởi nếu không thu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ngân sách các địa phương. Với Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội có nhiều nguồn thu, nhưng với các địa phương khó khăn thì thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy lại rất cần. Song, thực hiện mà không có chế tài xử lý người không nộp thì sẽ rất khó thu, không đạt hiệu quả.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết việc đề xuất dừng thu phí này đối với xe máy cần tiếp tục tổng hợp các giải pháp của các địa phương, sau đó mới thống nhất cách làm khác hiệu quả hơn./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực