Thời gian qua, Tp. Mỹ Tho, thủ phủ tỉnh Tiền Giang là vùng gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh vận tải hành khách ở các tỉnh phía Nam . Chất lượng vận chuyển khách theo lộ trình từ Tp. Mỹ Tho đến Tp. Hồ Chí Minh còn kém.
Trong khi đó, nhiều năm trở lại đây, loại hình vận tải hành khách chất lượng cao với dịch vụ đưa đón trọn gói tiện ích, giá cả hợp lý đã được nhiều hãng xe khách trong khu vực triển khai như các hãng xe Huệ Nghĩa, Hùng Cường (An Giang), Phương Trang (Tp. Hồ Chí Minh), Kim Hoàng và Thanh Thủy (Trà Vinh).
|
Ảnh minh họa. (Nguồn: baogiaothong.vn) |
Cụ thể, trên tuyến đường Tp. Mỹ Tho - Tp Hồ Chí Minh qua hai đầu bến là Bến xe Mỹ Tho (Tp. Mỹ Tho) và Bến xe Miền Tây (Tp. Hồ Chí Minh) có 4 đơn vị vận tải tham gia với tổng số phương tiện đang khai thác tuyến là 40 xe. Hầu hết các phương tiện đều đã hoạt động trên 9 năm với thời gian vận chuyển từ 6 giờ sáng đến 18 giờ 30 phút mỗi ngày, giãn cách giữa hai chuyến xe bình quân 30 phút/chuyến.
Tháng 9/2014, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tiền Giang cấp phép kinh doanh vận tải khách bằng xe ô tô cho Công ty TNHH Duy Quý (gọi tắt là Duy Quý) với hai loại hình: kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định và kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng. Về tuyến cố định theo lộ trình từ Bến xe Mỹ Tho đến Bến xe miền Tây và ngược lại.
Theo đó, Duy Quý đưa vào hoạt động 3 xe đời mới hiệu SAMCO 29 chỗ ngồi được sản xuất năm 2014. Giá vé chỉ cao hơn giá vé theo phương thức cũ 30.000 đồng/người nhưng hành khách được hưởng nhiều tiện ích như có xe trung chuyển đưa đón và trả khách ở cả hai đầu bến theo yêu cầu, chạy đúng giờ, được cung cấp nước uống, khăn lạnh, máy lạnh, wifi… Đối với loại hình vận tải hành khách theo hợp đồng, Duy Quý đưa vào hoạt động 7 đầu phương tiện đời mới. Mặc dù Duy Quý là công ty vận tải đáp ứng đầy đủ dịch vụ tiện ích song mỗi ngày chỉ được Bến xe Mỹ Tho sắp xếp 3 xe xuất bến vào thời điểm: 4 giờ 20 phút, 5 giờ 20 phút và 19 giờ. Đây là thời điểm sau khi các phương tiện vận tải theo “phương thức cũ” trong ngày tạm ngưng hoạt động. Tương tự, đối với đầu Bến xe miền Tây, giờ xuất bến của phương tiện Duy Quý là 4 giờ, 4 giờ 40 phút và 20 giờ, khi các doanh nghiệp khác không còn khai thác tuyến.
Bên cạnh đó, trong thời gian hoạt động, công ty này cũng gặp vướng mắc với một số đơn vị có phương tiện vận tải hoạt động theo phương thức cũ. Cụ thể, ngày 22/7, hàng chục xe khách kinh doanh vận tải khách theo “phương thức cũ” tập trung trước cổng Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tiền Giang, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Tp. Mỹ Tho) gây sức ép đòi ngành chức năng phải “xử” xe Duy Quý với "tội": cạnh tranh không lành mạnh, xe dù, lập bến cóc... gây thiệt hại đối với các chủ xe.
Để tìm hiểu rõ vấn đề này, phóng viên nhập vai hành khách đi thử xe Duy Quý tìm hiểu các dịch vụ mà doanh nghiệp này cung cấp. Theo quan sát, ngay từ chiều hôm trước đã có khách điện thoại đặt vé cho các chuyến xe sớm 4 giờ sáng trở đi vào ngày hôm sau và chuyến xe nào cũng đủ ghế, chứng tỏ nhu cầu của người dân rất lớn.
Bà Võ Thị Kim Lợi ở đường Đốc Binh Kiều, phường 3, Tp. Mỹ Tho chia sẻ: “Trước đây, từ Tp. Mỹ Tho đi Tp. Hồ Chí Minh tôi không có sự lựa chọn nào khác là thuê xe ôm từ nhà vào bến xe mua vé. Đến Bến xe miền Tây lại đi xe buýt, xe taxi hoặc xe ôm đến nơi cần đến, vừa mất thời gian lại tốn tiền. Còn đi xe Duy Quý rất an tâm, được đón tận nơi, đưa tận chỗ, nhanh chóng, an toàn, tiện lợi, hưởng các tiện ích loại hình xe khách chất lượng cao.”
Chị Đặng Ngọc Dung, một doanh nhân, so sánh, nếu đi khứ hồi từ Mỹ Tho về Tp. Hồ Chí Minh và ngược lại theo “phương thức cũ” mỗi hành khách chi 122.000 đồng các khoản như: vé xe, xe ôm trung chuyển, xe buýt (nếu tính xe taxi thì đắt đỏ hơn nhiều) và mất thời gian 150 phút. Trong khi đó, chị đi xe Duy Quý cũng chỉ tốn 120.000 đồng với thời gian chạy xe 90 phút.
Theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tiền Giang, sự ra đời của Công ty TNHH Duy Quý đóng vai trò tích cực vào tiến trình đổi mới lĩnh vực vận tải hành khách trên địa bàn Tp Mỹ Tho. Hoạt động của công ty góp phần nâng chất lượng vận tải hành khách của tỉnh, đáp ứng nguyện vọng người dân đồng thời tạo nên sự cạnh tranh giữa các đơn vị vận tải. Người dân có thêm cơ hội lựa chọn những tiện ích phù hợp với túi tiền, nguyện vọng. Đây là một bước đột phá, "thức tỉnh" các doanh nghiệp vận tải lâu nay khai thác tuyến vận tải hành khách cố định Bến xe Mỹ Tho - Bến xe miền Tây (Tp. Hồ Chí Minh).
Để giải quyết xung đột giữa hai phương thức kinh doanh vận tải hành khách cũ và mới, thiết nghĩ các cơ quan chức năng hai địa phương, đặc biệt là Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tiền Giang và Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh phối hợp xem xét những vướng mắc của các bên nhằm tháo gỡ, tạo thuận lợi để cả hai loại hình cùng tồn tại. Đồng thời, tiếp tục có cơ chế, chính sách phù hợp trong sắp xếp lại các phương tiện vận tải và loại hình vận tải hành khách. Cách làm này tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình để nâng chất lượng dịch vụ vận tải./.