Đã có tiếng nói chung về phương án thiết kế Dự án cầu vượt nút giao thông Ô Chợ Dừa

Thứ tư, 05/06/2013 20:35

(ĐCSVN) Chiều 5/6, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến phương án thiết kế nút giao thông Ô Chợ Dừa. Hầu hết các đại biểu đều ủng hộ phương án 3 và 4 trong số 6 phương án được đưa ra lấy ý kiến.

Nút giao thông Ô Chợ Dừa là một trong những nút giao thông quan trọng nhất và phức tạp nhất về tổ chức giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đây là vị trí giao cắt giữa nhiều trục giao thông chính, hiện tại là ngã 6 giao cắt giữa đường vành đai 1, trục xuyên tâm Tôn Đức Thắng – Nguyễn Lương Bằng, đường Khâm Thiên, đường La Thành và đường Đê La Thành (cũ). Đến cuối năm 2013, khi đoạn tuyến Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu thông xe, nơi đây sẽ thành ngã 7.

Hội nghị lấy ý kiến phương án thiết kế nút giao thông Ô Chợ Dừa 
Ảnh: Minh Châu

Hiện tại, công tác tổ chức giao thông vẫn là giao bằng, sử dụng đèn tín hiệu giao thông kết hợp với hành trình đi vòng quanh đảo giao thông khu lưu dấu Đàn Xã Tắc dẫn đến thời gian và chiều dài đường thông qua nút là rất lớn, kể cả ngoài giờ cao điểm, làm giảm tốc độ lưu thông do việc tách nhập làn. Đây được xem là giải pháp tạm thời, tình thế.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định, để giải quyết triệt để, việc triển khai xây dựng cầu vượt qua nút theo quy hoạch là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu bức thiết về giao thông và cải tạo chỉnh trang đô thị.

Để giải quyết hài hòa giữa việc bảo tồn di tích lịch sử Đàn Xã Tắc và cải thiện tình trạng giao thông trong khu vực, thời gian qua, thành phố đã chỉ đạo Chủ đầu tư là Ban Quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội phối hợp chặt chẽ với các nhà quản lý, các chuyên gia, đơn vị tư vấn thiết kế nghiên cứu đầy đủ các phương án xây dựng cầu đảm bảo 5 tiêu chí.

Đó là phải phù hợp với quy hoạch và chỉ giới đường đỏ đã được phê duyệt; bảo tồn một cách tốt nhất di tích Đàn Xã Tắc; bảo đảm phát triển giao thông đô thị khu vực; hạn chế ảnh hưởng đến điều kiện sống của dân cư trong khu vực và cải thiện không gian kiến trúc và cảnh quan đô thị.

Trong quá trình triển khai phương án xây dựng nút giao thông Ô Chợ Dừa thời gian qua, còn nhiều ý kiến khác nhau của các nhà sử học, văn hóa, chuyên môn… tại Hội nghị chiều nay, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn đã giới thiệu 6 phương án để lấy ý kiến thay vì 2 phương án như trước đây.

Hầu hết các ý kiến của các bộ, ngành, hiệp hội, các nhà khoa học, nhà sử học, văn hóa... phát biểu tại Hội nghị đều ủng hộ phương án 3 và phương án 4.

Ở phương án 3, cầu vượt trực thông theo hướng đường vành đai 1, đi lệch về phía Nam phía đường Nguyễn Lương Bằng. Phương án này giải quyết được ưu tiên bảo tồn di tích Đàn Xã Tắc, phù hợp với quy hoạch, cầu đi lệch về phía Nam nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu lưu thông, khoảng cách giữa nhà dân nằm trong giới hạn tối thiểu. 

Với phương án 4 (phương án chữ Y), cầu vượt trực thông theo hướng đường vành đai 1, đi lệch về phía Nam phía đường Nguyễn Lương Bằng có thiết kế bổ sung cầu nhánh đi 1 chiều từ Khâm Thiên qua nút Ô Chợ Dừa, nhập vào cầu chính trên đường vành đai 1.

Đơn vị thiết kế trình bày 6 phương án thiết kế. Phương án 4 được cho là tối ưu và nhận được sự ủng hộ nhiều nhất
Ảnh: Minh Châu

Về cơ bản, phương án 4 kế thừa các ưu điểm của phương án 3, đồng thời khắc phục được hạn chế về giao thông của phương án 3 mà vẫn không ảnh hưởng đến phạm vi khoanh vùng bảo vệ di tích Đàn Xã Tắc, cải thiện được không gian kiến trúc và cảnh quan đô thị. Vấn đề tổ chức giao thông tuy có khó khăn do cầu cong nhưng vẫn khắc phục được để ưu tiên giải quyết yêu cầu về bảo tồn di tích.

Theo chủ đầu tư dự án thì phương án 4 là phương án tối ưu, giữ nguyên hiện trạng không gian hiện có (hơn 1000m2) ở dưới di tích Đàn Xã Tắc, ít ảnh hưởng đến di tích nhất và không phải di dân nhiều. Phương án này cũng ít tốn kém hơn so với các phương án khác.

Nhắc lại kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên nhấn mạnh, Đàn Xã Tắc là di tích lịch sử gắn với kinh thành Thăng Long, có ý nghĩa lịch sử rất quan trọng, cần bảo tồn một cách tốt nhất, phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng cụ thể của địa phương. Việc bảo tồn di tích cũng cần bảo đảm việc phát triển giao thông đô thị khu vực này. Trên cơ sở 6 phương án, Bộ đã có hai cuộc họp để đánh giá và nhận thấy phương án 4 hài hòa hơn, đảm bảo giải quyết được những vấn đề bức xúc của Hà Nội hiện nay.

Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho hay, những gì đã phát hiện được là một bộ phận của Đàn Xã Tắc nhưng chưa phải là trung tâm của Đàn Xã Tắc. Thực hiện phương án 1 và 2 sẽ đụng tới phần lõi của Đàn Xã Tắc, chắc chắn vi phạm Luật Di sản. Phương án 3 và 4 đều không phạm luật. Phương án 4 hay hơn, giải quyết hài hòa được nhiều yếu tố. Phương án 5 làm hầm chui cũng dễ đụng đến phạm vi Đàn Xã Tắc. Phương án 6 mở rộng đường Tôn Đức Thắng và Nguyễn Lương Bằng cũng không đụng chạm đến di sản nhưng cả phương án 5, 6 đều mất thời gian và tốn nhiều kinh phí.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch thành phố Nguyễn Thế Thảo khẳng định, phương án 3 và 4 như lựa chọn của đa số các đại biểu đều có những ưu điểm riêng. Thành phố sẽ tiếp tục cân nhắc các yếu tố, tổ chức lấy ý kiến của người dân 4 phường thuộc quận Đống Đa trước khi trình các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Xây dựng, Giao thông vận tải, từ đó chọn ra phương án tối ưu, kết hợp giữa bảo tồn và phát triển./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực