Được đầu tư xây dựng từ năm 2008, sau khi hoàn thành, cây cầu treo ở bản Púng Giắt 2, xã Mường Mươn, huyện Mường Chà tỉnh Điện Biên đã “hóa giải” ước mơ không phải chèo bè mảng, lội suối qua suối Nậm Mức để đi nương, làm ruộng của bà con 2 bản Púng Giắt 1 và Púng Giắt 2.
Nhờ cây cầu này, bà con dân tộc Mông các bản Huổi Ho, Huổi Meo được thuận tiện trong việc lưu thông trao đổi hàng hóa nông sản, thông thương kinh tế. Trẻ em ở các bản khó khăn này cũng có cơ hội tiếp bước tới trường do không bị suối sâu ngăn cách. Tuy nhiên, sau nhiều năm không được duy tu, sửa chữa thường xuyên, cây cầu hiện đã xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn những hiểm họa khôn lường cho người, phương tiện mỗi khi đi qua cây cầu “tử thần” này từng ngày, từng giờ.
Theo quan sát, cây cầu có độ cao khoảng trên 20 m so với mặt nước suối Nậm Mức, chiều dài hơn 100m. Hiện tại hai bên đầu cầu, cây dại mọc um tùm, gây cản trở lối đi lên cầu; những thân cây dây leo mọc ở một bên chân cầu đã vươn lên, quấn kín nhiều hệ thống cáp treo. Điều đáng báo động là mặt cầu đã nghiêng hẳn sang một bên do một dây văng đã bị võng xuống. Mặt cầu, nhiều thanh ván gỗ đã bị mục nát, xô lệch do hệ thống ốc vít, bu-lông bị hỏng vẫn còn nằm tạm bợ trên cầu; nhiều thanh gỗ bị hỏng hoặc bị mất chưa được thay thế đã tạo thành những lỗ hổng dài từ 10 đến 40 cm... Với "đặc thù" này, mỗi lần có người, phương tiện đi qua thì toàn bộ cây cầu cùng rung lên bần bật, rồi chao đảo như chiếc võng, làm cho hàng trăm tấm ván gỗ bị dịch di, dịch lại chuyển khỏi vị trí ban đầu, nhìn mà phát khiếp.
Sau hành trình mất gần 20 phút vừa bò, vừa mò mẫm sắp đặt lại những tấm ván trước lúc đặt bàn chân run rẩy lên cầu, bà Ly Thị Khò (70 tuổi, bản Púng Giắt 2, xã Mường Mươn, huyện Mường Chà) cho biết: “Hôm nay bà phải qua suối lên núi đi hái măng. Đi trên cây cầu bà này sợ lắm. Cầu cao, dài lại hư hỏng nặng, nếu mà rơi xuống suối thì nguy hiểm lắm”.
Còn cháu Quàng Văn Cảnh, học sinh lớp 6, điểm trường bản Huổi Vang, xã Mườn Mươn cho biết: “Cháu phải đi tìm con bò của nhà cháu đi ăn trên núi nên cháu phải qua cây cầu này. Lúc trên cầu, cháu sợ lắm. Cháu phải đi chậm, tay bám chắc vào dây cáp mới qua đây được”.
Theo anh Quàng Văn Niêm, bản Púng Giắt 2, xã Mường Mươn: Cây cầu này sau khi làm xong do thời tiết nắng mưa thất thường nên chỉ được một năm sau là hư hỏng, làm bà con đi lại rất khó khăn. Hàng ngày, dân chúng tôi đi làm qua cầu rất nhiều, vất vả lắm, biết là nguy hiểm nhưng vẫn đi vì suối thì không có thuyền, bè nữa. Cũng có người không thể đi qua cầu được”.
Cũng theo anh Niêm : "Vào mùa thu hoạch lúa, ngô thì người dân càng vất vả, khó khăn hơn khi phải vận chuyển lúa, sắn trên cây cầu này. Để qua được cây cầu này, chúng tôi phải chia nhỏ hàng hóa, nông sản ra để vận chuyển và chờ đợi, nhường nhịn nhau qua cầu, rất mất thời gian. Không riêng gì tôi mà bà con nơi đây đang từng ngày mong muốn có một cây cầu an toàn để yên tâm đi lại ".
Theo nhiều người dân ở bản Púng Giắt 2 thì việc người dân bị ngã xe, trượt chân khi đi trên cây cầu này rồi tất tả vào nhà dân xin dầu xoa bóp, sơ cứu đã xảy ra nhiều. Đau lòng và thương tâm nhất là trường hợp cái chết của cháu Lò Thị Bích, 6 tuổi, bản Púng Giắt, học sinh lớp 1 từ vài năm trước. Cháu Bích qua cây cầu này một mình, gặp chỗ ván thưa, không may bị trượt chân, rơi xuống suối và tử vong tại chỗ.
Không phủ nhận thực tế này, ông Lò Văn Lún, Chủ tịch UBND xã Mường Mươn, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên cho biết: Hiện cây cầu này đã bị nghiêng, tại các dầm cầu ốc đã long và tự rơi xuống suối. Ván lát bằng gỗ đã tu sửa một lần vào cuối năm 2009, nay đã mục, không đảm bảo cho việc đi lại, chỉ có những người “to gan” mới đi được trên cây cầu này. Chúng tôi cũng đã báo cáo, gửi tờ trình với UBND huyện, họ cũng đã xuống khảo sát thực tế nhưng chưa trả lời, việc sửa chữa cầu vẫn thấy khả thi. Về phía xã, nguồn vốn tự bỏ ra để sửa chữa thì xã không có nổi, bởi nguồn kinh quá phí lớn.
Cũng theo ông Lún, để khắc phục tạm thời, xã Mường Mươn đã chỉ đạo nhân dân ở 4 bản: Púng Giắt 1, Púng Giắt 2, Huổi Ho và Huổi Meo, mỗi hộ góp một tấm ván, nộp cho trưởng bản để tu sửa mặt cầu. Tuy nhiên cho đến thời điểm này chỉ có một số ít hộ nộp ván lát mặt cầu, nhiều hộ không thực hiện dù chính quyền xã đã tuyên truyền xuống tận cơ sở.
Việc cây cầu Púng Giắt 2 xuống cấp nghiêm trọng, gây nguy hiểm đến tính mạng cho người qua lại trên cầu, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội của người dân trên địa bàn xã Mường Mươn đã rõ. Đã hơn 3 năm qua, người dân ở bốn bản Púng Giắt 1, 2, Huổi Meo, Huổi Ho mỗi lần đi qua cây cầu là một lần “đánh đu” tính mạng với “tử thần”. Không biết đến khi nào, bao giờ tính mạng của người dân ở 4 bản trên được đảm bảo khi đi trên cây cầu tồn tại như một cái bẫy này?