Kết nối mạng lưới giao thông tiểu vùng Mê Công

Thứ sáu, 12/07/2013 15:27

Chương trình hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) được lãnh đạo các nước trong vùng đưa ra tại Hội nghị Cấp cao Côn Minh (Trung Quốc) vào tháng 7-2005, nêu bật vai trò quan trọng của một hệ thống giao thông kết nối GMS xuyên biên giới, hiệu quả đối với việc phát triển kinh tế. Hỗ trợ chương trình này, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã tài trợ kinh phí nghiên cứu thiết lập mạng lưới giao thông vận tải (GTVT) có chất lượng tốt, liền mạch và đa phương thức để kết nối hoàn chỉnh GMS. 

 

Quốc lộ 217 hiện đang xuống cấp nghiêm trọng
với nhiều đoạn sụt lớn, cua gấp.. (Nguồn: báo Nhân Dân)
 

Hành lang đông bắc của GMS dài gần 800 km, bao gồm Nam Ninh - Quảng Tây (Trung Quốc); Hà Nội, Thanh Hóa (Việt Nam); Luông Phra-băng (Lào) và Băng-cốc (Thái-lan) là một trong những hành lang quan trọng của GMS. Quốc lộ 217 là đoạn cuối của tuyến hành lang đường bộ đông bắc này. Việc nâng cấp quốc lộ 217 không chỉ góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông cho tỉnh Thanh Hóa, mà còn mở một lối ra biển gần nhất cho các địa phương vùng đông bắc Thái-lan và Lào. Cùng các đoạn tuyến đường 6, 6A, 6B của tỉnh Hủa Phăn (Lào), sẽ kết nối vùng đông bắc Lào với bắc Việt Nam. Chính phủ hai nước Việt Nam - Lào ủng hộ mạnh mẽ việc nâng cấp các tuyến đường này để khai thác tiềm năng kinh tế hành lang đông bắc GMS, giúp cho vùng bắc Lào tiếp cận thuận lợi với cảng biển Nghi Sơn (Thanh Hóa). Triển khai mục tiêu trên, ngay từ đầu năm 2008, đoàn công tác của ADB và Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã khảo sát hiện trường, nghiên cứu và ADB đã hỗ trợ kỹ thuật 1,3 triệu USD chuẩn bị dự án nâng cấp mạng lưới giao thông GMS thứ hai (nâng cấp quốc lộ 217).

Trên cơ sở báo cáo nghiên cứu khả thi của đơn vị tư vấn, sự đồng thuận của ADB, Bộ GTVT đã quyết định phê duyệt đầu tư dự án này, giao Ban Quản lý dự án (PMU) 1 làm chủ đầu tư. Hiệp định vay vốn cho dự án đã được Chính phủ Việt Nam và ADB ký kết, với tổng mức đầu tư 97,4 triệu USD (tương đương gần 1.900 tỷ đồng); trong đó, vốn vay ưu đãi của ADB 75 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam 22,4 triệu USD. Nhà thầu tư vấn giám sát dự án là Liên danh Yooshin (Hàn Quốc) - Nippon Koei (Nhật Bản). Theo đó, sẽ nâng cấp hơn 88 km quốc lộ 217 từ thị trấn Ðồng Tâm (huyện Bá Thước) tới biên giới Việt  Nam - Lào tại cửa khẩu Na Mèo (huyện Quan Sơn) đạt tiêu chuẩn cấp 4 miền núi, mặt đường rộng 6,5 m, đạt vận tốc 40 km/giờ; hai tuyến tránh thị trấn Cẩm Thủy và sửa chữa một số đoạn hư hỏng.

Theo Thứ trưởng GTVT Lê Ðình Thọ, mục tiêu của dự án là cải thiện khả năng tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ xã hội và thị trường, xóa đói, giảm nghèo và nâng cao hiệu quả của mạng lưới đường bộ, vận tải trong khu vực dự án cũng như tiểu vùng, tạo kết nối thuận lợi giữa Thái-lan, Lào và Việt Nam. Dự án được tiến hành song song với một dự án tương tự, cải tạo tuyến đường nối ở Lào, nâng cấp những đoạn bị hư hại nghiêm trọng và thay thế các cầu, công trình thoát nước kém chất lượng. Tuy nhiên, do điều kiện nguồn vốn có hạn, trước mắt chỉ đủ xây dựng giai đoạn 1. Bộ GTVT sẽ nỗ lực thúc đẩy tìm kiếm nguồn vốn để sớm triển khai giai đoạn 2 dự án, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và hiệu quả cho toàn bộ dự án. Còn Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến đánh giá, quốc lộ 217 là tuyến huyết mạch phía tây bắc của tỉnh, việc nâng cấp, mở rộng tuyến đường có ý nghĩa lớn đối với tỉnh Thanh Hóa cũng như các vùng phụ cận. Ðiều này thể hiện sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước đối với đồng bào khu vực miền núi, đời sống còn gặp nhiều khó khăn có điều kiện xóa đói nghèo, phát triển kinh tế.

Tổng Giám đốc  PMU 1 Hoàng Ðình Phúc cho biết: Quốc lộ 217 dài gần 200 km, trải qua thời gian dài đã xuống cấp nghiêm trọng. Trừ một số đoạn đi qua các thị trấn, tuyến đường hiện tại rất hẹp với chiều rộng mặt đường khoảng 5 m đối với hơn 100 km đầu tiên và chỉ còn 3,5 m đối với 88 km ở phía tây Thanh Hóa. Quãng đường 88 km này bao gồm phần lớn là địa hình đồi núi với những đoạn cua gấp và dựng đứng. Trên cung đường này, các phương tiện phải đi với tốc độ khoảng 25 km/giờ, thậm chí xe khách, xe tải chỉ chạy với tốc độ 10 km/giờ.

Phần lớn các kết cấu dọc tuyến hiện ở tình trạng rất kém, do thiếu được duy tu, bảo dưỡng, lại bị nhiều phương tiện tải trọng lớn "băm nát", khiến nhiều đoạn bị nứt sâu, lớp mặt bị bong tróc. Trong mùa mưa, nhiều cầu cống trên tuyến bị ngập sâu tới hàng mét, bản mặt một số cầu nhiều chỗ bị thủng thành từng lỗ rộng, tải trọng giới hạn các cầu phần lớn chỉ còn 18 tấn, hệ thống lan can, bảo vệ ta-luy đều bị hư hỏng nghiêm trọng. Cuối tháng 6 vừa qua, sau khi hoàn thành công tác tuyển chọn nhà thầu (Công ty cổ phần Ðầu tư xây dựng Minh Tuấn) cho gói thầu đầu tiên xây dựng tuyến tránh thị trấn Cẩm Thủy, PMU 1 đã tiến hành khởi công dự án, các gói thầu của sáu hợp phần còn lại cũng được mời thầu trong tháng 6 vừa qua, dự kiến trong năm nay sẽ khởi công toàn bộ dự án, phấn đấu hoàn thành dự án vào năm 2016.

Dự án này tuy quy mô về vốn không lớn, nhưng tác động và hiệu quả lại không hề nhỏ. Ngoài tính khả thi về mặt kinh tế, còn giúp cải thiện sinh kế, xóa đói nghèo cho khoảng một triệu người dân miền tây Thanh Hóa dọc theo tuyến đường và khoảng 200 nghìn người dân phía nước bạn Lào; trong đó phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện sống rất khó khăn. Sau khi hoàn thành nâng cấp, mở rộng, thay thế các cây cầu yếu, sẽ nâng mức độ an toàn giao thông, mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường, các dịch vụ xã hội và tạo thêm nhiều việc làm cho người dân. Hơn nữa, mục tiêu của dự án còn hướng đến khả năng thu hút thêm nhiều nhà đầu tư, tăng cường hợp tác phát triển kinh tế và thương mại nội vùng và toàn khu vực GMS.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực