|
Ảnh minh họa: Báo Công thương |
Thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh tình trạng phương tiện vận tải đường bộ vi phạm chở hàng quá tải trọng, bắt đầu từ 6h sáng ngày 9/4, Tổng cục đường bộ phối hợp cùng lực lượng liên ngành đã tổ chức thí điểm kiểm soát, xử lý ô tô chở hàng quá khổ, quá tải trên quốc lộ 5. Địa điểm tổ chức kiểm soát tại trên tuyến Quốc lộ 5 từ km 78- km 79 thuộc địa phận xã Lê Thiện, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng.
Theo đại diện của Tổng cục đường bộ cho biết: Trong vòng 20 ngày (từ 9-28/4), tổ công tác liên ngành sẽ xử lý kiên quyết những xe quá tải quá khổ vi phạm, đồng thời thông qua đợt ra quân này sẽ tuyên truyền chủ hàng, lái xe ý thức không chở quá tải. Trường hợp vi phạm, lực lượng chức năng yêu cầu lái xe viết bản cam kết không tái phạm và gửi thông báo đến chủ hàng, doanh nghiệp biết. Các loại xe được tập trung kiểm tra gồm: xe ôtô tải, xe ôtô đầu kéo rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc, xe ôtô chở Container, chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn của cầu, đường; xe ôtô vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng vi phạm các quy định trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Tuy nhiên, do đã được thông tin từ trước nên trong ngày đầu liên ngành tổ chức ra quân kiểm tra, xử lý vi phạm, xe quá tải “vắng bóng” một cách lạ thường. Theo nhiều doanh nghiệp vận tải, trong ngày đầu tiên kiểm tra tải trọng xe, đa số các chủ đơn vị vận tải không cho xe hoạt động và chờ đợi liên ngành sẽ tiến hành cân tải trọng xe theo cách toàn bộ trọng tải xe hay là trọng tải trục xe. Trong cả buổi sáng ra quân, mặc dù đã yêu cầu dừng gần 10 phương tiện nhưng tổ công tác liên ngành của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) và Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội (Tổng cục VII, Bộ Công an) chỉ xử lý được đúng một trường hợp xe tải biển kiểm soát 16k-9125 chỉ có trọng lượng 3 tấn nhưng đã chở hàng vượt quá tải trọng 40%.
Theo Thượng tá Lưu Thanh Hiệp, Phó trưởng Phòng 6, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (C67, Bộ Công an): Những ngày vừa qua, xe trọng tải lớn chạy qua tuyến đường này không nhiều. Xe có đi qua thì cũng chỉ chở container rỗng. Một số doanh nghiệp vận tải đang dò xét, nghe ngóng lực lượng cảnh sát giao thông làm nghiêm hay không trong ngày đầu tiên này để có những đối sách. Tuy nhiên, thời gian qua, nhất là sau khi có thông tin về việc kiểm soát xe quá tải trọng, doanh nghiệp đã có bước chuyển biến quan trọng về nhận thức trong việc xe quá tải lưu thông trên đường.
Trong buổi họp liên ngành rút kinh nghiệm vào buổi trưa cùng ngày, ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chỉ đạo: Trong đợt ra quân này, lực lượng chức năng chỉ tiến hành kiểm tra quy định xử lý xe chở quá tải trọng tổng thể còn xe quá tải trọng trục cần lộ trình thực hiện sau khi giải thích rõ cho doanh nghiệp có sự đồng thuận. Bởi theo các chuyên gia kỹ thuật, xử lý tải trọng trục xe liên quan nhiều đến yếu tố kỹ thuật như: bốc xếp hàng, khoảng cách giữ các tâm trục trong sự phân bổ trọng tải hàng hóa… Khi hàng xếp lệch, tải trọng trục sẽ dồn về một phía nên ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng của cầu đường lớn hơn rất nhiều so với trọng tải toàn bộ xe quá tải.
Ngoài ra, theo Thiếu tá Phạm Quang Huy, Phòng 6, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt, hiện nay năng lực trạm cân chưa làm được, nếu kiểm tra phương tiện cùng lúc sẽ gây ùn tắc giao thông. Vì thế, bước đầu tổ công tác liên ngành sẽ chỉ có thể thực hiện kiểm tra tổng tải trọng xe.
Trong buổi sáng ra quân của lực lượng liên ngành cũng đã có tới đại diện hơn 30 doanh nghiệp vận tải có mặt tại điểm kiểm tra để tìm hiểu về các quy định xử phạt cụ thể. Không ít các doanh nghiệp đã tỏ ra khá băn khoăn về một số quy định đối với tải trọng xe lưu hành; vấn đề kiểm tra tải trọng tổng thể hay kiểm tra tải trọng trục; container được đóng và kẹp chì hàng từ nước ngoài đã quá tải trọng nên không thể bắt doanh nghiệp vận chuyển chịu phạt; tải trọng qua đăng ký của Cảnh sát giao thông hay Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải).../.