Cho dù các ngành chức năng của tỉnh Quảng Ninh như Cảnh sát giao thông đường thuỷ, Cảng vụ nội địa, Thanh tra giao thông đã tăng cường kiểm tra đảm bảo an toàn giao thông đối với các phương tiện chở khách tham quan Vịnh Hạ Long, nhưng tai nạn giao thông (TNGT) vẫn xảy ra, làm nhiều người chết. Nguyên nhân của hầu hết các vụ tai nạn xảy ra tại vịnh Hạ Long, đều bắt nguồn từ ý thức chủ quan của những người điều khiển phương tiện.
Dư luận còn chưa nguôi về vụ TNGT xảy ra vào ngày 17/2/2011 tại khu vực đảo Ti –Tốp trên vịnh Hạ Long, tàu Trường Hải 06 đã bị chìm trong đêm làm 12 khách du lịch gồm các quốc tịch Anh, Mỹ, Nga, Nhật, Pháp, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Ốtxtrâylia và 1 người Việt Nam bị thiệt mạng, 9 người khách nước ngoài khác may mắn được cứu sống. Ngày 8/5/2011, cũng tại Vịnh Hạ Long, Tàu QN 2070 của Công ty TNHH Hải Long chở 28 khách du lịch người Pháp cũng bị ngập nước và chìm, rất may, được ứng cứu kịp thời nên không có thiệt hại về người.
Mới đây, chiều 3/10, tại khu vực hang Sửng Sốt, vụ va chạm giữa tàu Đông Phong 02 với xuồng chuyển tải chở 18 khách du lịch Đài Loan bị lật, 5 người đã thiệt mạng. Ý thức của người điều kiển phương tiện chở khách tham quan Vịnh Hạ Long một lần nữa được dư luận nhắc đến.
Ông Lê Hồng Thắng, Giám đốc Cảng vụ đường thuỷ nội địa tỉnh Quảng Ninh cho biết: Thời điểm xảy ra vụ TNGT đường thuỷ đặc biệt nghiêm trọng ngày 3/10 ở hang Sửng Sốt không có nhiều phương tiện ra vào, trời yên, biển lặng, tầm nhìn của người điều khiển phương tiện không bị ảnh hưởng, nhưng tai nạn giao thông vẫn xảy ra, như vậy rõ ràng liên quan đến ý thức của người điều khiển.
|
Tàu Đông Phong 02 và xuồng chuyển tải chở 18 khách du lịch Đài Loan sau khi được trục vớt (Ảnh: cand.com.vn) |
Một số nhân chứng khẳng định rằng, xuồng chở 18 khách Đài Loan và tàu chở khách Đông Phong 02 đã cắt mặt nhau khi rời cảng. Thanh giằng của tàu đã mắc vào xuồng. 18 hành khách trên xuồng bấn loạn ngả nghiêng, người điều khiển phương tiện không kịp xử lý. Nhiều người cho rằng, giá như ý thức của người điều khiển phương tiện cao hơn, tuân thủ các quy định về an toàn giao thông đường thuỷ; giá như chủ phương tiện yêu cầu số hành khách Đài Loan mặc áo phao khi ngồi trên xuồng thì đâu đến nỗi! Nguyên nhân của vụ tai nạn đang được cơ quan công an khẩn trương điều tra, sớm đưa ra kết luận cuối cùng.
Trước những vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Vịnh Hạ Long, ngoài việc yêu cầu các chủ phương tiện tuân thủ nghiêm các quy định về đảm bảo ATGT đường thuỷ, UBND tỉnh Quảng Ninh còn ban hành quyết định số 716/2011/QĐ-UBND về việc quản lý hoạt động của tàu vận chuyển khách tham quan du lịch và tàu lưu trú khách du lịch trên Vịnh Hạ Long, trong đó đáng chú ý là quy định độ tuổi của tàu chở khách du lịch nhằm đảm bảo an toàn hơn cho khách du lịch khi đi tham quan Vịnh Hạ Long – Di sản thiên nhiên thế giới.
Đại tá Vũ Đình Phú, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường thuỷ, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, tại Vịnh Hạ Long có trên 500 phương tiện tham gia chở khách du lịch. Chủ các phương tiện đều nắm rất rõ một số quy định về an toàn đường thuỷ, nhưng do ý thức chủ quan, khi rời bến một số thuyền trưởng bỏ qua các quy định về an toàn, ông Phú cho biết thêm.
Qua kết quả của cơ quan chức năng, nguyên nhân dẫn đến TNGT trên Vịnh Hạ Long bắt nguồn từ ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện. Bằng chứng, ngay tại phiên toà sơ thẩm ngày ngày 15/8/2012 xét xử vụ đắm tàu Trường Hải 06, Thuyền trưởng Nguyễn Văn Minh và máy trưởng Đỗ Văn Thắng đã khai nhận lỗi do chủ quan, khi thả neo tắt máy, đã không đóng van thông sông, vì vậy nước biển đã đi vào tàu. Dù nhận được phản ánh của hành khách về hiện tượng tàu nghiêng nhưng do chủ quan của thuyền trưởng, máy trưởng và các thuyền viên trên tàu đã dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Ông Lê Hồng Thắng, Giám đốc Cảng vụ đường thuỷ nội địa tỉnh Quảng Ninh, người có nhiều năm kinh nghiệm trong quản lý phương tiện thủy trên Vịnh Hạ Long cho rằng: Để đảm bảo an toàn giao thông đường biển cần phải đề cao đạo đức của người điều khiển. Mặt khác, cần rà soát lại các điểm tàu neo đậu ngủ đêm, điểm bán hàng lưu niệm, từ đó phân công đơn vị quản lý nhất là vào buổi tối để kịp thời phát hiện và xử lý những sự cố xảy ra trên tầu. Cùng chung quan điểm với ông Thắng, một chủ tàu chở khách du lịch tại Vịnh Hạ Long cho rằng ý thức của người điều kiển rất quan trọng, họ biết được sức gió, sức sóng, để từ đó điều chỉnh tốc độ sao cho phù hợp, an toàn.
Để ngăn chặn các vụ TNGT do lỗi chủ quan của những người điều khiển phương tiện gây nên bà Vũ Thị Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: Trước mắt yêu cầu các đơn vị cứu hộ cứu nạn, cũng như các ngành liên quan như: Giao thông vận tải, Công an, Văn hoá thể thao... xây dựng phương án cứu hộ, cứu nạn theo phương châm 4 tại chỗ trên biển. Về lâu dài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định sẽ xây dựng các kế hoạch đào tạo, tập huấn để nâng cao ý thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của người lao động trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt là đối với chủ phương tiện chở khách tham quan trên vịnh nhằm chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Tiến tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ nghiên cứu mở thêm và phân lại luồng, tuyến; đầu tư, nâng cấp bến tàu du lịch, mở thêm các điểm tham quan nhằm tránh ùn tắc tại hang Sửng Sốt, Thiên Cung trên Vịnh Hạ Long.
Trong 9 tháng năm 2012, Cảnh sát đường thủy Công an Quảng Ninh đã phát hiện, lập biên bản xử lý vi phạm 302 trường hợp tàu chở khách du lịch, với các lỗi vi phạm các qui định về đảm bảo TTATGT đường thủy như: người làm việc trên phương tiện không có chứng chỉ chuyên môn nghiệp vụ, giao cho người lái không có bằng thuyền trưởng, không trang bị đầy đủ thiết bị an toàn kỹ thuật của phương tiện.../.