(ĐCSVN) – Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Chiến lược phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 về cơ bản sẽ giữ nguyên các quan điểm nêu trong Chiến lược 1686, chỉ điều chỉnh bổ sung một số ý; các mục tiêu tổng quát đến năm 2050 cơ bản giữ nguyên, có điều chỉnh một số mục tiêu đến năm 2020.
|
Vì mục tiêu phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đồng bộ về kết cấu, vận tải, công nghiệp và dịch vụ cao (Ảnh: Đường sắt Việt Nam) |
Theo đó, tập trung hoàn thành nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện có; đẩy lùi tiến độ và điều chỉnh lại quy mô theo hướng nghiên cứu các phương án khả thi xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; điều chỉnh tiến độ xây dựng các tuyến đường sắt nối với các khu cảng biển, khu công nghiệp lớn, khu du lịch và đường sắt nối với các nước có chung biên giới với Việt Nam trong mạng lưới đường sắt xuyên Á và điều chỉnh thị phần vận tải cho phù hợp với khả năng đầu tư hạ tầng đường sắt.
Thêm nữa, bổ sung giai đoạn 2020 đến 2030 để GTVT đường sắt Việt Nam phù hợp với mục tiêu chung của ngành GTVT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; điều chỉnh, cô đọng lại giữa mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn; bỏ danh mục các dự án đầu tư (đưa vào quy hoạch phát triển GTVT đường sắt); đồng thời, cập nhật bổ sung một số ý trong các chính sách và giải pháp thực hiện về tổ chức và thể chế, huy động nguồn vốn, phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ để bảo đảm việc thực hiện Chiến lược là chắc chắn và tích cực; phát triển GTVT đường sắt đồng bộ cả về kết cấu hạ tầng, vận tải, công nghiệp và dịch vụ đạt trình độ cao.
Đối với các dự án cụ thể, cần tập trung vào tuyến đường sắt Bắc - Nam, rà soát lại đường sắt đô thị, cụ thể hóa, mang tính khả thi cao để có hướng đầu tư thực hiện. Theo đó, các đơn vị liên quan cần phải xác định rõ hơn tính kết nối với các loại hình vận tải khác, kết nối vùng miền, địa phương; gắn chiến lược với các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, đặc biệt là gắn với bảo vệ môi trường, công nghiệp đường sắt, đa phương thức, kế hoạch đầu tư cho công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với những nước có ngành đường sắt phát triển./.