Theo Ban An toàn giao thông tỉnh Phú Thọ, sau nhiều lần mở các đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ không phải mũ bảo hiểm cho người đi xe mô tô, xe gắn máy bước đầu đã đạt những kết quả nhất định, tạo được chuyển biến trong nhận thức người dân.
|
Tăng cường tuyên truyền vận động người dân đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn (Ảnh minh họa. Nguồn: dangcongsan.vn) |
Từ hơn một năm, các đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh đã đồng loạt thanh tra các cơ sở kinh doanh, buôn bán mũ bảo hiểm trên địa bàn. Qua công tác thanh tra đã phát hiện 85 cơ sở sai phạm, tiến hành tịch thu, tiêu hủy trên 1.700 chiếc mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ, không có dấu hợp qui (tem CR), vi phạm về nhãn mác hàng hóa…Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động của tỉnh cũng tiến hành xử lý 22.519 trường hợp không đội mũ bảo biểm, nhắc nhở 15.650 trường hợp đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn khi đi xe mô tô, xe gắn máy.
Tỉnh Phú Thọ không có cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm, nhưng có rất nhiều cửa hàng, cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm và các điểm bán mũ bảo hiểm lưu động khác. Trong thời gian qua, tỉnh đã tập trung tuyên truyền cho các chủ cơ sở kinh doanh, mua bán mũ bảo hiểm, tổ chức cam kết không bán loại mũ bảo hiểm không đạt quy chuẩn; đồng thời hướng dẫn người dân nắm rõ thông tin đội mũ bảo hiểm đúng quy định, cách nhận biết và phân biệt mũ bảo hiểm sử dụng cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy. Đối với loại mũ bảo hiểm không có đủ 3 lớp (vỏ mũ, đệm hấp thu xung động bên trong và quai đeo); mũ không ghi nhãn và không có dấu hợp quy CR là mũ không hợp lệ.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban An toàn giao thông tỉnh, công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm đối với người tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy vẫn còn khó khăn do hiện nay chưa có quy định cụ thể về xử phạt vi phạm hành chính đối với người sử dụng mũ bảo hiểm không đạt chuẩn khi đi xe mô tô, xe gắn máy, nên tỷ lệ người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn vẫn diễn ra khá phổ biến. Người tham gia giao thông còn xem nhẹ tác dụng của mũ bảo hiểm, có tâm lý đội mũ bảo hiểm để đối phó các lực lượng chức năng. Công tác phối hợp giữa các ngành chức năng còn nhiều hạn chế, việc tiến hành kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục. Công tác nhận biết mũ bảo hiểm đạt chuẩn còn nhiều khó khăn, chưa có phương tiện hỗ trợ, nên việc nhận biết chỉ bằng mắt thường. Quy định xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm khi có vi phạm còn nhiều bất cập, chưa cụ thể, rõ ràng nên đã tạo kẽ hở cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm lách luật.
Thời gian tới, các lực lượng chức năng sẽ xử phạt nghiêm đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy (kể cả người ngồi phía sau) không đội mũ bảo hiểm, đội mũ bảo hiểm không đúng quy cách hoặc đội mũ không phải mũ bảo hiểm dành cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy…Riêng đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, mua bán mũ bảo hiểm (kể cả bán hàng lưu động); các đối tượng vận chuyển, tàng trữ mũ bảo hiểm giả mạo, mũ bảo hiểm không có dấu hợp quy, chưa công bố tiêu chuẩn chất lượng; vi phạm về nhãn hàng hóa; các loại mũ bảo hiểm nhập lậu, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng…, nếu cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện cũng sẽ xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh tiếp tục giám sát và hậu kiểm các thương nhân đã kiểm tra, đồng thời kiểm tra các thương nhân mới phát sinh, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm./.