Mỗi năm, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang xảy ra hàng trăm vụ tai nạn giao thông. Riêng 5 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh xảy ra 132 vụ tai nạn giao thông, làm chết 64 người, bị thương 133 người, so với cùng kỳ năm trước, giảm 20 vụ, nhưng lại tăng 26 người chết và 37 người bị thương.
|
Ảnh minh họa hiện trường một vụ tai nạn. (Nguồn: nld.com.vn) |
Theo Thượng tá Hà Mỹ Thành, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ Công an tỉnh Kiên Giang, nguyên nhân xảy ra tai nạn giao thông trong thời gian qua là do người điều khiển phương tiện giao thông chạy quá tốc độ, tránh vượt sai quy định, chở quá trọng tải cho phép, sử dụng rượu bia... nhưng sâu xa nhất vẫn là ý thức người tham gia giao thông còn hạn chế.
Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Kiên Giang Phạm Thống Nhất cho biết: Ngoài những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn giao thông như trên còn có nguyên nhân khác là do các địa phương triển khai các văn bản trên chưa được đồng bộ; trong đó có sự phối hợp giữa các ban, ngành cấp tỉnh trong thực hiện công tác đảm bảo an toàn giao thông chưa nhịp nhàng. Từ đó, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông những năm qua, cũng như những tháng đầu năm nay, chưa đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, việc triển khai các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh theo từng đợt cao điểm chưa được địa phương triển khai tốt. Ngoài ra, cấp huyện và một số xã, phường chưa thực hiện hết chức năng của mình trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, thường chỉ giao cho các lực lượng chức năng như công an, thanh tra giao thông. Do đó, một số địa phương thường bỏ ngỏ hoặc khi thực hiện lại không đạt yêu cầu.
Theo Thượng tá Võ Việt Hùng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường thủy - Tổ trưởng Tổ thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh Kiên Giang, để vấn đề mang tính căn cơ giải quyết tai nạn giao thông trong thời gian tới, trước hết phải bắt đầu từ sự tự ý thức của người tham gia giao thông. Ban An toàn giao thông cần phối hợp với cơ quan công an, chính quyền địa phương các cấp tổ chức tốt việc tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật quy định về lĩnh vực giao thông đường thủy, đường bộ; bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông; các giải pháp trọng tâm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, xử lý vi phạm hành chính; đồng thời thường xuyên tuần tra, kiểm tra trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và các tuyến đường trên địa bàn; tăng cường kiểm tra và xử lý các hành vi xâm hại đến công trình giao thông, các hộ xây dựng trong phạm vi hành lang an toàn giao thông đường bộ, các trường hợp mua bán và sản xuất kinh doanh vi phạm lòng, lề đường, vỉa hè./.