Thứ ba, 04/08/2015 15:39 (GMT+7)
Ngày 3/8, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã làm việc với tỉnh Bình Thuận về tình hình đảm bảo an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn.
|
Ảnh minh họa. (Nguồn: baophuyen.com.vn) |
Hiện trên địa bàn Bình Thuận có tuyến đường sắt Thống Nhất đi qua với chiều dài 175 km (từ km 1439+200 đến km 1614+128) và tuyến đường sắt nhánh Phan Thiết – Mương Mán dài hơn 9 km. Phần lớn đường sắt trên địa bàn tỉnh đi qua vùng rừng núi có địa hình đồi dốc hiểm trở, nhiều đường cong bán kính nhỏ… Do đó, công tác quản lý về hành lang an toàn giao thông đường sắt, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt, đảm bảo an toàn giao thông, cứu hộ cứu nạn gặp nhiều khó khăn phức tạp.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Thuận Phạm Văn Nam cho biết: Hiện trên địa bàn tỉnh, tình trạng giao cắt giữa đường bộ và đường sắt phát sinh nhiều nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Tính đến ngày 30/6/2015, toàn tỉnh có 241 điểm giao cắt trên toàn tuyến đường sắt; trong đó có 65 điểm giao cắt với đường ngang hợp pháp được cảnh báo bằng biển báo, 176 điểm giao cắt với đường ngang dân sinh (đường ngang bất hợp pháp).
Để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, Bình Thuận đã chỉ đạo các địa phương có tuyến đường sắt đi qua phối hợp với đơn vị chức năng tiến hành rào chắn các đường ngang dân sinh… Tính đến ngày 30/6/2015, cơ quan chức năng đã rào chắn 42 đường ngang dân sinh, các vị trí còn lại cũng đã được lắp biển cảnh báo “chú ý tàu hỏa, dừng lại quan sát tàu hỏa khi qua đường sắt”...
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Hồ Trọng Ngũ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội ghi nhận những nỗ lực của tỉnh Bình Thuận trong việc kéo giảm tai nạn giao thông. Tỉnh đã thực hiện khá tốt việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt. Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đề nghị trong thời gian tới, Bình Thuận cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với ngành đường sắt tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông đường sắt; tăng cường biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt, nhất là đảm bảo an toàn tại các đường ngang dân sinh nhằm giảm thiểu thiệt hại tính mạng người dân và tài sản của Nhà nước./.