Việt Nam – Pháp chia sẻ kinh nghiệm về phát triển giao thông đô thị

Thứ sáu, 27/06/2014 20:36

(ĐCSVN)Ngày 27/6, Hội thảo Pháp - Việt về giao thông đô thị đã diễn ra tại Hà Nội. Hội thảo có sự hợp tác của Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, Cơ quan phát triển Pháp (AFD) và Cơ quan Thương mại Pháp (UBIFRANCE).

 

 Hội thảo là cơ hội để các chuyên gia, nhà quản lý của hai nước chia sẻ kinh nghiệm về
phát triển giao thông đô thị (Ảnh: KPG)

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường nhấn mạnh: Trong những năm qua, tại Việt Nam, mật độ phương tiện cá nhân gia tăng nhanh chóng, cùng với phương tiện giao thông công cộng dẫn tới nhiều hệ lụy như: Ô nhiễm môi trường và khí thải, ùn tắc vào giờ cao điểm và tai nạn giao thông tăng cao. Biện pháp giải quyết cho vấn đề giao thông đô thị ở Việt Nam chính là phát triển các loại hình vận tải công cộng, song song với hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định: Là một nước đang phát triển, có nhiều hạn chế về nguồn lực và kỹ thuật, Việt Nam rất cần sự quan tâm, giúp đỡ về mặt đầu tư, tài chính, kỹ thuật và quản lý của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Pháp và các nước châu Âu.

Tại Hội thảo, các đại biểu Việt Nam đã trình bày hiện trạng lĩnh vực giao thông đô thị Việt Nam, những mong muốn trong lĩnh vực này, cũng như trao đổi về cách thức chia sẻ kinh nghiệm với các đối tác của Pháp.

Các đại biểu của Pháp đã giới thiệu kinh nghiệm, năng lực và thành tựu của nước mình trong lĩnh vực này, kể cả trong phát triển hạ tầng và khai thác vận hành hệ thống và các giải pháp giao thông thay thế.

Theo Đại sứ Pháp tại Việt Nam Jean-Noël Poirie, hiện nay, các thách thức đặt ra cho Việt Nam chính là  dân số tăng nhanh (khoảng trên 800.000 người/năm) và tốc độ đô thị hóa nhanh (dân số đô thị tăng thêm khoảng 1 triệu người/năm; 60% dân số Việt Nam sẽ sinh sống ở khu vực đô thị vào năm 2050 so với 33% năm 2013). Việt Nam cần thiết phải đầu tư phát triển hệ thống giao thông đô thị có hiệu suất cao để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Trước tình hình này, các kế hoạch, quy hoạch tổng thể của hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đều nhấn mạnh vào việc phát triển hệ thống giao thông đô thị tổng thể tích hợp nhiều phương tiện. Theo đó, 8 tuyến tàu điện ngầm sẽ được xây dựng tại Hà Nội và 7 tuyến tại TP. Hồ Chí Minh, trong số đó, nhiều tuyến đang trong giai đoạn thi công.

10 doanh nghiệp của Pháp tham gia tại Hội thảo lần này là các doanh nghiệp có uy tín, hầu hết đều đã có hoạt động tại Việt Nam và tham gia vào các dự án đang được triển khai. Các doanh nghiệp này cùng chia sẻ tầm nhìn của họ về hướng phát triển của các thành phố trên quan điểm giao thông đô thị, cũng như kinh nghiệm, công nghệ và dịch vụ cung cấp trong lĩnh vực này./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực