Vĩnh Long: Nhiều khó khăn trong quản lý giao thông đường thủy

Thứ ba, 22/04/2014 13:52

Chưa có biện pháp xử lý chế tài nghiêm đối với phương tiện giao thông thủy không thực hiện đăng ký đăng kiểm, việc phối hợp giữa các ngành, các địa phương chưa chặt chẽ trong quản lý hành lang bảo vệ luồng tuyến và tuyên truyền nâng cao nhận thức đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa là những khó khăn của tỉnh Vĩnh Long trong thực hiện Luật Giao thông đường thủy nội địa.

Tỉnh Vĩnh Long hiện có 357 bến thủy nội địa, 1 trạm quản lý đường sông thực hiện quản lý 25 tuyến sông, kênh rạch với chiều dài 179,5 km. Qua khảo sát của ngành chức năng thì tỷ lệ phương tiện không đăng ký, đăng kiểm chiếm 70 – 80% tổng số phương tiện. Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Vĩnh Long, từ đầu năm 2014 đến nay, các ngành chức năng đã xử lý 1.400 vụ vi phạm Luật Giao thông đường thủy nội địa, thu phạt 1,3 tỷ đồng.

Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên tuyến đường thủy nội địa trước khi vào mùa mưa lũ năm 2014, trong quý 2, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Vĩnh Long tổ chức đợt kiểm tra giấy phép đăng ký đối với 273 bến hàng hóa, kiểm tra điều kiện, tiêu chuẩn hoạt động của 84 bến hành khách, bến khách ngang sông, kiểm tra nhắc nhở các đơn vị thi công xây dựng các công trình vượt sông chưa thực hiện đúng tiêu chuẩn phân cấp kỹ thuật đường thủy nội địa và kiểm tra các cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa, phục hồi phương tiện giao thông thủy nội địa. Tại các đoạn sông trọng điểm như khu vực cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ, khu vực cù lao 4 xã huyện Long Hồ, cù lao 2 xã Thanh Bình – Quới Thiện (huyện Vũng Liêm), lực lượng chức năng tăng cường kết hợp với chính quyền các tỉnh, huyện giáp ranh kiểm tra xử lý các phương tiện khai thác cát sông quá thời gian quy định, neo đậu không đúng vị trí ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường thủy.

Tại huyện trọng điểm Trà Ôn, ngành giao thông kết hợp với các đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, xây dựng mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy” tại khu vực bến phà Trà Ôn –Lục Sỹ Thành và nhân rộng xây dựng mô hình “bến phà tự quản, phòng chống tai nạn đuối nước trẻ em” ở các huyện, thị xã. Ngành cũng phối hợp với các đoàn thể: Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân…tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng để phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức người dân về công tác đảm bảo an toàn giao thủy nội địa trên địa bàn./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực