Phát huy vai trò UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong bảo đảm TTATGT

Thứ hai, 29/11/2021 16:38
(ĐCSVN) – Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm về bảo đảm TTATGT trong năm 2022, bên cạnh sự vào cuộc, điều hành của các Bộ, Ban, ngành, cơ quan chức năng thì Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đóng vai trò là kênh chỉ đạo, phối hợp thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và khắc phục ùn tắc giao thông trên địa bàn.
Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an TP. Nha Trang kiểm soát trên đường Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Thành Nam 

Do tình hình dịch bệnh COVID-19 trong năm 2021 diễn biến phức tạp cho nên từ cuối tháng 6 năm 2021 ở nhiều địa phương, nhất là thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam, phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 23/3/2020 và Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Một số địa phương tuy không thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn nhưng ban hành các quy định chặt chẽ về phòng chống dịch đối với người và phương tiện ra/vào địa bàn, dẫn đến số lượng phương tiện và người tham gia giao thông giảm rất sâu (nhất là hoạt động giao thông trên các tuyến liên tỉnh và giao thông nội bộ của các địa phương áp dụng chỉ thị 15, 16), qua đó dẫn đến hoạt động giao thông bị đình trệ, số lượng và lưu lượng phương tiện tham gia giao thông giảm nhiều so với trước đó, do vậy góp phần vào việc kéo giảm TNGT. Tuy nhiên, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, dịch bệnh COVID-19 từng bước được đẩy lùi tạo tiền đề để cuộc sống của người dân đã quay trở lại trạng thái bình thường mới, nhiều hoạt động kinh tế - xã hội được nối lại... Thực tế đó đang đặt ra những nhiệm vụ cấp bách cho ngành giao thông nhằm bảo đảm an toàn cho người dân trong trạng thái "bình thường mới".

Trên tinh thần đó, để tiếp tục triển khai thực hiện Kết luận số 45-KL/TW ngày 01/02/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư; căn cứ điều kiện thực tế của địa phương, trong thời gian tới, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần xây dựng kế hoạch bảo đảm TTATGT năm 2022 theo chủ đề năm với một số nhiệm vụ trọng tâm:

Xây dựng kế hoạch chuyên đề tuyên truyền, vận động gắn với giám sát thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT và chủ đề năm An toàn giao thông 2022 “Xây dựng văn hóa giao thông an toàn gắn với kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19”; phát huy mạnh mẽ vai trò của các tổ chức chính trị xã hội, các loại hình văn hóa nghệ thuật dân tộc, các công cụ truyền thông hiện đại để tạo chuyển biến quan trọng trong văn hóa giao thông trên toàn quốc.

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 23/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách bảo đảm TTATGT trong hoạt động vận tải đường bộ; Chỉ thị số 23/CT-TTg về tăng cường bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa; Chỉ thị số 29/CT-TTg về xử lý phương tiện hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định; Chỉ thị số 32/CT-TTg về tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông; Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt và Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 19/01/2018 về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện.

Chỉ đạo ngành GTVT đẩy nhanh tiến độ, chất lượng và bảo đảm TTATGT gắn với phòng, chống dịch COVID-19 tại các dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp KCHTGT của tỉnh, thành phố; xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo trì KCHTGT, chú trọng rà soát, xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT trên mạng lưới tỉnh lộ và quốc lộ được Bộ GTVT uỷ thác quản lý; kiểm tra, siết chặt kỷ cương công tác đào tạo sát hạch, cấp GPLX; quản lý an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện cơ giới đường bộ, phương tiện thuỷ nội địa.

Chỉ đạo Công an tỉnh, thành phố tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT theo chỉ đạo của Bộ Công an, Cục Cảnh sát giao thông, Kế hoạch Năm An toàn giao thông 2022 của địa phương và các kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn giao thông trên địa bàn.

Chỉ đạo Uỷ ban nhân dân cấp quận, huyện, thị xã, xã, phường tăng cường biện pháp cảnh giới, bảo đảm ATGT tại điểm giao cắt đường bộ với đường sắt không có rào chắn; làm gờ giảm tốc và cắm biển cảnh báo nguy hiểm từ đường phụ ra đường chính tại tất cả các điểm giao cắt giữa đường huyện, đường xã, đường nội bộ, đường giao thông nông thôn (bao gồm cả lối đi dân sinh), sử dụng kinh phí bảo trì đường bộ và huy động người dân tham gia hỗ trợ, bảo đảm phù hợp quy định pháp luật (đối với lối đi dân sinh); cương quyết không để phát sinh lối đi dân sinh trái phép qua đường sắt, gắn trách nhiệm và xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu cấp huyện, xã nếu để phát sinh lối đi dân sinh trái phép. Tổ chức cảnh báo và bố trí người gác tại các lối đi dân sinh qua đường sắt có mật độ phương tiện cao. Đề xuất cơ chế để tạo nguồn kinh phí cho chính quyền huyện, xã xây dựng đường gom.

Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị trực thuộc Trung ương tăng cường thực hiện các giải pháp đột phá về chống ùn tắc giao thông; chỉ đạo tăng cường các lực lượng hướng dẫn giao thông, xây dựng phương án phân luồng và bố trí lực lượng điều tiết giao thông tại các tuyến trọng điểm, tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động giao thông; thực hiện quyết liệt việc lập lại trật tự, kỷ cương đối với giao thông đô thị, kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý theo đúng quy định đối với mọi trường hợp vi phạm trật tự đô thị, TTATGT, trông giữ xe trái phép, lập lại trật tự trong quản lý lòng đường, vỉa hè; xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch hành động đường thông-hè thoáng đến cấp phường, thị trấn. Chú trọng tới việc tích hợp kết cấu hạ tầng giao thông hỗ trợ cho vận tải công cộng và các phương thức vận tải bền vững khác như đi bô và đi xe đạp trong quy hoạch tổng thể, bảo đảm an toàn giao thông tốt nhất cho nhóm yếu thế trong xã hội như trẻ em, phụ nữ, người già, người tàn tật và nhóm người dễ bị tổn thương khi tham gia giao thông như người đi bộ, xe đạp, xe máy./.

Lan Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực