Cũng theo đơn vị này, chi phí lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án là trên 50 tỷ đồng, chi phí lập báo cáo đánh giá tác động môi trường là hơn 1,3 tỷ đồng...Các chi phí này do nhà đầu tư đề xuất chi trả được tính vào tổng mức đầu tư của dự án, nếu báo cáo nghiên cứu khả thi không được phê duyệt hoặc không lựa chọn được nhà đầu tư thực hiện dự án thì nhà đầu tư đề xuất dự án chịu mọi rủi ro.
|
Việc thi công đèo Prenn và chi trả chi phí để lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư đường cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc cho thấy quyết tâm đưa hạ tầng giao thông chất lượng cao đến Tây Nguyên của Đèo Cả. (Ảnh: DV) |
Tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc với tổng chiều dài khoảng 66 km, trong đó: Trên địa phận tỉnh Đồng Nai khoảng 11 km (đi qua huyện Tân Phú); tỉnh Lâm Đồng khoảng 55 km (đi qua huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Bảo Lâm và TP.Bảo Lộc). Điểm đầu dự án tại Km60+100 (trùng với điểm cuối của dự án đường bộ cao tốc Dầu Giây - Tân Phú tại cầu vượt trực thông nút giao Quốc lộ 20) thuộc địa phận xã Phú Trung (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai). Điểm cuối dự án tại Km126+360, giao với đường Nguyễn Văn Cừ, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. |
Cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc là dự án đầu tiên được Hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định chủ trương đầu tư, các thủ tục rất phức tạp, quá trình thực hiện còn nhiều bất cập làm kéo dài dự án. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ và sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương là tỉnh Lâm Đồng, các khó khăn của dự án dần được tháo gỡ. Hiện dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1386/QĐ-TTg ngày 10/11/2022.
Trước đó, vào ngày 10/2, Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) – Công ty cổ phần Xây dựng Đèo Cả (DCC) đã phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức khởi công dự án nâng cấp, mở rộng đèo Prenn. Đây là tuyến đường đèo cửa ngõ kết nối TP.Đà Lạt với sân bay Liên Khương, cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, là đường giao thông huyết mạch đi về TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Tuyến đường đi qua khu vực địa hình đồi núi cao, đường hẹp và nhiều đoạn tuyến quanh co, ảnh hưởng đến tầm nhìn của người tham gia giao thông gây mất an toàn, lưu lượng giao thông trên tuyến rất lớn và thường xuyên xảy ra ùn tắc.
Tổng Giám đốc Công ty HHV Nguyễn Quang Huy cho biết: "Dự án nâng cấp, mở rộng đèo Prenn sau khi hoàn thành có quy mô 4 làn xe ôtô theo tiêu chuẩn đường cấp 3 miền núi, sẽ nâng cao năng lực lưu thông, an toàn giao thông và giảm thiểu tai nạn cho các phương tiện tham gia và góp phần thu hút đầu tư, phát triển du lịch của TP.Đà Lạt nói riêng, tỉnh Lâm Đồng nói chung”.
Về phía ông Nguyễn Tấn Đông – Phó Chủ tịch HĐQT Công ty HHV khẳng định, dự án nâng cấp, mở rộng đèo Prenn là cơ hội để Tập đoàn Đèo Cả chứng minh năng lực với địa phương thông qua việc tổ chức triển khai thi công dự án về đích đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, góp phần từng bước phát triển hạ tầng giao thông của địa phương. Ngay sau khi có kết quả trúng thầu, nhà thầu đã triển khai các công tác chuẩn bị, điều động và bố trí hơn 200 nhân sự kỹ sư trình độ cao, công nhân lành nghề cùng hơn 80 đầu máy móc thiết bị, tổ chức 10 mũi thi công (5 mũi thi công đường, 5 mũi thi công cầu, tường chắn) để triển khai ngay sau lễ khởi công. Ngoài ra, Nhà thầu sẽ tổ chức thi công xuyên các ngày nghỉ, ngày lễ và phấn đấu hoàn thành dự án vượt tiến độ./.