Ngổn ngang những nơi cơn bão đi qua
Một tuần sau khi cơn bão số 5 quét qua Đà Nẵng, những tuyến đường đã thông nhưng hiện trường vẫn còn ngổn ngang. Ngày 21/10, đoàn công tác của Tập đoàn Đèo Cả gồm một số cố vấn và cán bộ đáp chuyến bay sớm từ Hà Nội tới Hải Vân để thăm cán bộ công nhân viên của Công ty Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) và đánh giá thiệt hại sau ảnh hưởng của bão lũ.
|
Một khối lượng lớn đất đá cần phải dọn dẹp, thu gom sau khi cơn bão số 5 quét qua khu vực hầm Hải Vân |
Từ trên cao, các thành viên trong đoàn đều trầm ngâm khi nhìn qua cửa sổ máy bay, thấy được dãy Bạch Mã in hằn nhiều vết xước sau trận đương đầu với thiên nhiên. Đã qua 7 ngày khi bão lũ tấn công, biển Đà Nẵng vẫn chưa trong xanh trở lại như ngày thường, mà sền sệt một màu nâu xám bởi nước lũ kéo theo đất núi đổ xuống.
Cơn lũ chiều 14 rạng 15/10 có sức tàn phá khủng khiếp khi làm thay đổi cả dòng chảy của con suối tồn tại nhiều đời nay. Con suối này góp nhặt những dòng nước từ các khe núi khắp nơi trên lừng chừng dãy Bạch Mã, chảy qua cửa hầm phía Nam khoảng 1km trước khi đổ ra biển. Trước khi lũ đến, đó là dòng chảy nhỏ, nằm lẩn khuất trong cây rừng phủ kín, người đi đường khó có thể quan sát được. Sau cơn lũ, cả một vạt rừng biến mất, hiện ra dòng chảy trơ trọi, tan hoang.
Trận bão lũ cũng đã thổi bay các nắp bể, nơi chứa nước ngầm trước cửa hầm phía Nam của hầm Hải Vân. Đất lấp kín cả 3 bể, các bể chứa này có tổng dung tích 30m3 chứa nước cấp cho bể cứu hoả trên đỉnh núi và sinh hoạt.
Những ngày sau khi cơn bão đổ bộ, công việc được ưu tiên hàng đầu của Công ty Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả là khẩn trương làm cho con đường lưu thông trở lại, sau đó là thau rửa các bể chứa nước ngầm. Việc thụt rửa bể không hề đơn giản, bởi những bể ngầm khi đó đã bị bùn đất nén chặt lại. Các cố vấn đã dặn dò anh em kiểm tra kỹ không khí trong bể, sau nửa tiếng phải trèo lên nghỉ ngơi để đảm bảo an toàn sức khỏe…
Đêm trắng ở Hải Vân
Cơn bão lũ lịch sử quét qua Đà Nẵng thực sự là một trải nghiệm “chưa từng có” đối với cán bộ, công nhân viên HHV. Nhớ lại những giờ phút căng thẳng và cam go khi phải ứng phó với cơn lũ dữ, ông Phan Lê Dũng – Chủ tịch Công đoàn HHV chia sẻ: “Chưa khi mô thấy lũ lên nhanh như rứa. Sau nửa giờ đồng hồ, nhiều căn nhà đã bị nước dâng lên ngang đầu gối. Ở đây nhiều người lao động còn phải thuê nhà, nhà ở những vùng thấp. Lũ rút đi nhiều gia đình hỏng hết máy giặt, tủ lạnh, tivi…”.
|
Nước lũ gây ngập lụt trên nhiều tuyến đường ở Đà Nẵng do ảnh hưởng của bão |
Căn nhà trọ của vợ chồng anh Lê Công Hồng – Phạm Thị Lý ở quận Liên Chiểu thành phố Đà Nẵng bị nước ngập lên ngang vai người lớn. Anh Hồng là nhân viên cứu hộ cứu nạn hầm Hải Vân. Chị Lý kể lại buổi chiều hôm đó khi nước dâng lên, chồng đang trực ở hầm, chị cùng 2 con trai leo lên gác, kêu gọi hàng xóm mà không ai có thể tiếp cận. Khi nước chạm mép gác, chị phải để con trong chậu nước. “Hoang mang tột độ, nước chỉ lên một chút nữa thôi thì không biết chuyện gì xảy ra”, chị Lý nói.
Cũng giống như gia đình chị Lý, căn nhà của anh Phan Văn Hiến – nhân viên xí nghiệp vận hành hầm vẫn còn ngấn lũ để lại ngang tường nhà, đồ đạc hư hỏng, nhưng trước sự quan tâm của đồng nghiệp đoàn thể, ai cũng cảm động và động viên nhau “còn người còn của”.
Trước đó, ngay từ khoảng 20 giờ ngày 14/10, trước tình hình mưa to và nước bắt đầu dâng lên trên các tuyến đường của thành phố Đà Nẵng, Ban lãnh đạo Công ty HHV chỉ đạo cho các vị trí trực giữ nguyên vị trí, không giao ca, các ca tiếp theo tạm nghỉ ở nhà để đảm bảo an toàn và giữ liên lạc để nhận các thông báo từ Ban lãnh đạo cũng như Ban Phòng chống bão lũ của Công ty.
Đến 20h42 phút sau đó, Trưởng ca điều hành ra lệnh dừng lưu thông qua hầm, dừng giao thông tại 2 trạm kiểm soát Nam và Bắc, triển khai chặn các xe tại vị trí đường ra hầm Hải Vân 1 và hướng vào hầm Hải Vân 2. Lượng nước đổ xuống mang theo đất, đá, cát và các cây cối lớn lấp kín đường, xô ngã tất cả những vật cản có trên đường đi. Nước bao vây toàn nhà điều hành nơi có lực lượng trực giám sát và cứu hộ đang làm việc và có nhiều phương tiện chuyên dụng đang tập kết tại đây. Lúc này, yêu cầu đảm bảo an toàn cho con người là trên hết, tiếp sau đó là hạn chế tối đa các thiệt hại về tài sản.
Sau khi nhiều xe máy, bốt trực của cảnh sát giao thông bị cuốn trôi vì nước lũ, đến khoảng 23h00 ngày 14/10, lượng nước vẫn đổ về rất lớn nhưng lúc này dòng chảy đã ổn định và không còn vật cản, Ban lãnh đạo Công ty, Xí nghiệp chỉ đạo ưu tiên thông tuyến để đảm bảo việc lưu thông cho các xe mắc kẹt và giảm áp lực giao thông trên quốc lộ 1A vốn đã bị tắc từ 19h00 cùng ngày.
Những hi sinh thầm lặng
Sau hơn 48 giờ liên tục, trong đó có 6 giờ đồng hồ trong cơn lũ quét, cán bộ nhân viên hầm Hải Vân đã đảm bảo được an toàn cho con người và phương tiện, thiết bị chuyên dụng và các tài sản khác của Tập đoàn tại khu vực, đảm bảo xử lý kịp thời, linh hoạt trong mọi tình huống để đạt được kết quả tốt nhất.
Đến 13h00 phút ngày 15/10/2022, vệt đường cuối cùng của đường dẫn hầm 1 hiện ra trong tiếng hò reo vui mừng của tất cả những người có mặt tại đây. Những vệt bùn non kèm đất đá, cành cây cuối cùng từ sâu trong hầm 1 được đẩy ra khỏi cửa hầm để có thể bắt đầu thông xe. 13h15 phút, Ban lãnh đạo HHV chính thức cho thông xe hướng Nam - Bắc qua 2 ống hầm.
|
Nhờ nỗ lực của các công nhân và người lao động sau nhiều giờ liên tục, hầm Hải Vân đã được khơi thông, đảm bảo sự thông suốt của huyết mạch giao thông quốc gia |
Việc thông hầm là để đảm bảo an toàn giao thông và giảm áp lực giao thông rất lớn, tuy nhiên vẫn còn hàng ngàn mét khối đất đá chất cao hai bên đường cần được xử lý gấp vì nếu không, chỉ cần một cơn mưa nhỏ, toàn bộ đất đá lại tràn ra mặt đường làm cho công sức của mọi người trở thành vô nghĩa. Bởi vậy, sau khi thông hầm, công việc giải phóng hiện trường với khối lượng đất đá rất lớn cùng với việc đảm bảo an toàn cho phương tiện lưu thông qua hầm an toàn được tiếp tục triển khai. Cho đến 20h ngày 15/10, khối lượng đất đá tại các điểm có nguy cơ tái sạt lở được xử lý xong.
Nhớ lại những giờ phút ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, anh Đặng Đình Công, công nhân vận hành máy xây dựng công trình thuộc Xí nghiệp Hầm đường bộ Hải Vân kể lại: “Mưa lớn khiến khối lượng lớn đất đá đổ xuống đường dẫn tới hầm Hải Vân. Trong lúc cấp bách như vậy, anh Võ Ngọc Trung - Giám đốc Xí nghiệp đã cho tôi lên hỗ trợ và khắc phục để thông hầm. Lúc đó gia đình tôi cũng bị nước tràn vào nhà, vợ tôi cũng đang đi làm không về kịp. Sau khi bố trí 2 con ở nơi an toàn, tôi rời nhà di chuyển lên hầm nhưng nước ngập xe không đi được, tôi phải tìm cách đi bộ ra đường lớn để xe cứu hộ, cứu nạn chở tôi lên hầm. Lên tới nơi, tôi thấy khối lượng đất đá quá “khủng”, máy xúc cũng ngập đến nửa bánh. Tôi tìm cách khởi động máy và tìm cách chạy máy để làm việc. Lãnh đạo HHV và các cán bộ nhân viên trực hôm đó đã thống nhất thông hầm 2 trước, bởi hầm 1 đất đá tràn vào nhiều. Lúc đó khoảng 1h đêm 15/10/2022, máy xúc bắt đầu dọn chuyển đất đá, đến 5h sáng cơ bản thông hầm 2, cũng may công việc đã xong, nhà tôi cũng không ngập sâu,… tôi cơ bản hoàn thành nhiệm vụ của mình”.
Anh Công chia sẻ thêm: “Bằng tất cả khả năng của mình, tôi sẵn sàng hỗ trợ Tập đoàn dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Lúc nhận được điện thoại của Lãnh đạo Công ty, tôi bắt đầu di chuyển đến hiện trường. Quãng đường từ nhà đến Ban Điều hành chỉ 11km, bình thường mất 15 phút để đến thì nay mất gần 2 giờ đồng hồ tôi mới có mặt và vận hành máy xúc liên hợp để hỗ trợ nhóm hiện trường làm việc được vì phải lội bộ vượt qua các điểm ngập nặng có dòng chảy xiết”.
Trong tình hình toàn thành phố đều bị ảnh hưởng bởi lũ quét, Ban Điều hành Công ty Hầm Hải Vân đã có thông báo, nhà cán bộ nhân viên nào bị ngập có thể sắp xếp xử lý an toàn cho gia đình trước, tuy nhiên 100% người lao động đều xung phong tham gia đến hiện trường để mở đường thông tuyến. Rất nhiều công nhân, người lao động như anh Công đã không ngại khó khăn, vất vả, tận tâm và trách nhiệm với công việc.
Mưa bão đã tạm qua đi nhưng hình ảnh những chiếc áo mang logo Đèo Cả mang theo tâm huyết, khát vọng cống hiến vẫn miệt mài vì sự thông suốt của huyết mạch giao thông quốc gia./.