Lễ cúng máng nước thiêng của người Ca Dong

Thứ năm, 18/01/2024 09:21
(ĐCSVN) - Lễ cúng máng nước của người Ca Dong, xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam là một nghi lễ nông nghiệp lâu đời, quan trọng bậc nhất trong năm, với ý nghĩa cầu mong thần nước, thần rừng, thần núi đưa nước về với người dân bản làng, để có cuộc sống mạnh khỏe, ấm no, hạnh phúc.​

Người Ca Dong có đời sống gắn bó với canh tác nông nghiệp, nguồn nước được xem là mạch nguồn của sự sống. Bởi vậy lễ cúng bến nước in đậm bản sắc một nghi lễ nông nghiệp lâu đời, thể hiện đời sống tín ngưỡng của tộc người. Trong xu thế hội nhập đang diễn ra hiện nay, sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc tác động khiến đời sống, văn hóa của đồng bào có những đổi thay, nhiều tập quán lâu đời ít nhiều bị mai một.

Bởi vậy, việc duy trì nghi lễ truyền thống đặc trưng như Lễ cúng máng nước, có ý nghĩa góp phần vào việc gìn giữ bản sắc văn hóa các tộc người ở vùng cao tỉnh Quảng Nam. Đồng thời là cơ sở để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, hướng đến phát triển du lịch cộng đồng, góp phần vào sự phát triển đời sống, xã hội ở địa phương.

 Lễ cúng bến nước được đồng bào Ca Dong tổ chức vào dịp cuối năm, nhằm cầu mong thần núi, thần rừng, thần nước đưa nước về với bản làng, để người dân có cuộc sống khỏe mạnh, ấm no, hạnh phúc.
 Để tiến hành Lễ, người dân trang trọng chuẩn bị các vật phẩm cho buổi Lễ. Già làng phân công việc cho từng người, người chuẩn bị rượu cần, người làm cây nêu, thanh niên trai tráng đi tìm những ống lồ ô to đẹp để làm đường ống dẫn nước từ đầu nguồn về nơi làm Lễ.
 Buổi lễ có sự tham gia của chủ Lễ, ông là người có uy tín với cộng đồng, am hiểu luật tục, đóng vai trò dẫn dắt điều hành buổi Lễ.
 Không gian Lễ tràn ngập sắc màu những vật phẩm lễ, đồ trang trí, cùng đó là hòa quyện trang phục truyền thống của người dân, tạo nên bức tranh văn hóa Ca Dong đa sắc mầu.
 Cây nêu lớn được quấn quanh thân sợi tre, treo các hình trang trí là trung tâm của lễ cúng.
 Trong tiếng cồng chiêng rộn ràng, già làng thực hiện các nghi thức cúng cổ truyền. Lời khấn của già làng gửi đi thông điệp cầu nguyện cho dân làng có một mùa màng bội thu, người dân làm ăn thuận lợi, đoàn kết; dân làng có nguồn nước trong lành quanh năm…
 Những bài cúng và những nghi thức lễ cổ truyền lần lượt được thực hiện.
 Chủ lễ thực hiện nghi thức lấy huyết heo hoà vào dòng nước từ đầu nguồn chảy về làng qua những ống lồ ô. Khi nước về máng ở vị trí cây nêu, già làng tiếp tục cắt tiết một con gà để tạ ơn thân linh đã cho nước về với dân làng.
 Tiếp đó, những người tham gia buộc chỉ đỏ vào tay già làng, với ý nghĩa gửi gắm niềm tin của cả cộng đồng vào chủ Lễ. Già làng  dặn dò con cháu và các thành viên trong bản làng phải biết giữ gìn nguồn nước trong lành, luôn đoàn kết, yêu thương, đùm bọc nhau.
 Nghi thức trong lễ bên máng nước nguồn chảy về bản làng.
 Hằng ngày, bến nước là nơi đồng bào Ca Dong mang quả bầu khô, ống lồ ô, ống nứa đến lấy nước nấu ăn, sinh hoạt, trẻ em vui chơi. Nơi bà con gặp gỡ, chuyện trò, kết nối cộng đồng. Vì thế, từ lâu bến nước đã trở thành biểu tượng văn hóa vừa gần gũi vừa thiêng liêng trong đời sống của người Ca Dong.
 Sau phần Lễ là phần Hội, người dân sẽ tổ chức ăn mừng, đánh cồng chiêng và chúc phúc nhau.
 Nghi lễ cúng máng nước thể hiện sự tôn trọng thiên nhiên của người Ca Dong, có ý nghĩa to lớn trong việc kết nối cộng đồng. Đồng thời góp phần cho bức tranh văn hóa cộng đồng 54 dân tộc anh em thêm đa dạng và lung linh sắc mầu.
N Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực