Bắc Giang thúc đẩy liên kết vùng, tạo động lực mới: Bài 2- Kinh tế “cất cánh”

Thứ tư, 25/10/2023 23:53
(ĐCSVN) - Hệ thống giao thông trong tỉnh và đối ngoại từng bước hoàn thiện đồng bộ mở hướng kết nối các lĩnh vực khác, tạo động lực phát triển KT - XH. Nhờ đó, Bắc Giang đạt nhiều dấu ấn rõ nét, khẳng định được vị trí quan trọng trên bản đồ công nghiệp, nông nghiệp, du lịch của vùng, của cả nước.

Điểm sáng thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp

Các chỉ số đánh giá về môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay đều có sự cải thiện. Chỉ trong hơn 2 năm, tỉnh đã thu hút được gần 5 tỷ USD vốn đầu tư quy đổi, duy trì trong nhóm 10 tỉnh, TP có kết quả thu hút đầu tư tốt nhất cả nước. Báo cáo mới nhất của UBND tỉnh nêu, 10 tháng năm 2023 thu hút đầu tư đạt 2,2 tỷ USD, gấp 2 lần so với cùng kỳ.

Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Electric Motorcycle Yadea Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Châu (Việt Yên). 
Bắc Giang hiện là nơi “làm ổ” của nhiều “đại bàng” gồm các tập đoàn xuyên quốc gia về sản xuất linh kiện điện tử, chất bán dẫn, pin năng lượng mặt trời đến từ Đài Loan, Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản như: Foxconn, Luxshare, JA Solar, Hana Micron… Trong đó, Foxconn và Luxshare hiện đang tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động, lớn nhất tỉnh. Nhờ kết nối giao thông thuận lợi, tại Bắc Giang còn xuất hiện hàng loạt doanh nghiệp (DN) vệ tinh sản xuất linh kiện, phụ tùng cho công ty “mẹ” ở các tỉnh lân cận như: Thái Nguyên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc…

Mới đây, Công ty TNHH Hana Micron Vina (DN Hàn Quốc) mở rộng nhà máy giai đoạn 2 với số vốn lên gần 600 triệu USD; trở thành một trong những dự án có suất vốn đầu tư/ha lớn nhất (khoảng 90 triệu USD/ha), gấp 8 lần suất vốn đầu tư trung bình của các dự án có vốn đầu tư nước ngoài tại các khu công nghiệp (KCN) của tỉnh. Đây là dự án sản xuất chất bán dẫn đầu tiên tại miền Bắc, tạo cơ hội để tỉnh thu hút nhiều hơn các dự án công nghệ cao phù hợp với chủ trương, chiến lược thu hút đầu tư của Chính phủ.

Theo Ban Quản lý Các KCN tỉnh, hiện trong các KCN có hơn 400 DN đang hoạt động, tạo việc làm cho hơn 200 nghìn công nhân, cao hơn so với trước khi xảy ra dịch Covid-19. Những năm gần đây, công nghiệp liên tục giữ đà tăng trưởng hơn 20%; kim ngạch xuất khẩu duy trì trong nhóm 8 tỉnh, TP đạt hơn 10 tỷ USD… đã đưa Bắc Giang trở thành một cực tăng trưởng ở khu vực Đông Bắc của Tổ quốc.

Đánh giá cao về triển vọng thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp của Bắc Giang, ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam cho rằng, hiện nay các DN châu Âu đang chuyển hướng đầu tư ra phía Bắc và một trong những địa phương mà DN lựa chọn là Bắc Giang. Bởi lẽ từ Bắc Giang đi Thủ đô, Sân bay Quốc tế Nội Bài chỉ trong khoảng 1 giờ xe chạy; lên cửa khẩu biên giới Việt - Trung mất khoảng 2 giờ; hệ thống giao thông kết nối đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không đồng bộ, rất thuận lợi trong việc giao lưu kinh tế, thương mại với khu vực và quốc tế.

Trên thực tế, 8 KCN của Bắc Giang với diện tích hàng nghìn ha có đất sạch đến đâu đã được nhà đầu tư thuê hết đến đó. Đón bắt làn sóng đầu tư mới, tỉnh đang tập trung đẩy mạnh giải phóng mặt bằng (GPMP) các khu, cụm công nghiệp để sẵn sàng có quỹ đất sạch, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư với phương châm chủ động “làm ổ đón đại bàng”, thành công của nhà đầu tư là thành công của tỉnh.

Nông sản rộng đầu ra, du lịch nhiều khởi sắc

Ngoài công nghiệp, Bắc Giang có tiềm năng lớn về phát triển nông nghiệp. Đáng chú ý, vải thiều Bắc Giang được người tiêu dùng trong nước, quốc tế đánh giá là “Niềm tự hào của nông sản Việt Nam” với chất lượng vượt trội và vùng trồng chuyên canh lớn nhất cả nước (hơn 28 nghìn ha), sản lượng hằng năm khoảng 200 nghìn tấn.

 Du khách nước ngoài trải nghiệm mùa vải chín Lục Ngạn.

Được đánh giá là “điển hình của nông sản Việt” bởi vải thiều Bắc Giang đã có mặt tại các thị trường “khó tính” như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và một số nước EU…; được bán trong hệ thống thương mại hiện đại và sàn thương mại điện tử với giá bán luôn ổn định. Đây cũng là sản phẩm có vai trò quan trọng, nếu tiêu thụ không thuận lợi sẽ tác động tiêu cực đến người trồng vải. Vì vậy, Bắc Giang chủ động phối hợp với các địa phương xúc tiến tiêu thụ ở trong và ngoài nước, kết nối đưa nông sản đi muôn nơi.

Ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sản xuất và kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân, xã Hồng Giang (Lục Ngạn) nói: “Mỗi mùa vải thiều, HTX đưa hàng nghìn tấn quả vào hệ thống siêu thị, các DN, địa phương trong cả nước. Thông qua sự hỗ trợ kết nối của chính quyền, ngành chức năng mà sản phẩm của HTX có đầu ra ổn định. Chuẩn bị cho mùa cam, bưởi tới đây, đã có nhiều DN ở địa phương lân cận ký thỏa thuận với HTX để bao tiêu sản phẩm”.

Không chỉ nông sản của Bắc Giang, hiệu quả trong liên kết tiêu thụ đã tạo dòng chảy đa chiều cho nông sản trong vùng. Sản phẩm thế mạnh của các tỉnh khác như ổi, gạo nếp cái hoa vàng, hành tỏi của Hải Dương; na Lạng Sơn; chè Thái Nguyên và thủy, hải sản của Quảng Ninh cũng được tiêu thụ thuận lợi tại thị trường Bắc Giang và các tỉnh, TP khác. Điểm nhấn trong hoạt động liên kết, xúc tiến thương mại cho nông sản là các tỉnh đều tổ chức hoạt động quảng bá sản phẩm, tiếp cận khách hàng mới, mở rộng thị trường.

Cách làm của Quảng Ninh là tổ chức cho các DN, thương nhân trên địa bàn đến Bắc Giang tham quan, tìm kiếm cơ hội hợp tác; tổ chức hỗ trợ DN, điểm bán hàng, giới thiệu, bán nông sản Bắc Giang tại Quảng Ninh. Tỉnh Hải Dương cũng đã phối hợp với Bắc Giang tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng; tham gia hội nghị, kết nối giao thương do hai tỉnh tổ chức; thông tin về các sản phẩm và khả năng cung ứng của tỉnh Bắc Giang cho các DN, nhà phân phối, bán lẻ của tỉnh Hải Dương và ngược lại. Có thể thấy rằng liên kết vùng đã góp phần thiết thực giải bài toán về “đầu ra” cho nông sản.

Nhờ liên kết, phát triển du lịch cũng có khởi sắc. Nhận thức rõ tiềm năng, lợi thế của tỉnh, Bắc Giang xây dựng 4 sản phẩm du lịch đặc trưng gồm: Du lịch văn hóa tâm linh; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch vui chơi, giải trí, thể thao golf và du lịch cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả, làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp. Thị trường khách du lịch được nhắm đến là Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Thực hiện Nghị quyết số 112 của Tỉnh ủy Bắc Giang về phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025, sự quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng du lịch có trọng tâm, trọng điểm, sự liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, TP lân cận từng bước có hiệu quả đã tạo nên bức tranh du lịch nhiều sắc màu của Bắc Giang.

Ông Trương Quang Hải, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Bắc Giang đánh giá, nhờ liên kết giữa các địa phương, đơn vị làm du lịch, nhất là công tác tuyên truyền, quảng bá, nhiều tour dần hình thành, thu hút du khách. Nếu như trước đây các đoàn du lịch chủ yếu là người trong tỉnh thì nay các công ty lữ hành ở Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương đã bắt tay liên kết với thành viên hiệp hội du lịch của tỉnh xây dựng các tour đưa khách đến. Điển hình như Liên minh Hành trình tâm linh (gồm 6 DN du lịch lớn ở Hà Nội) tổ chức tour “Hành trình tâm linh theo dấu chân Phật Hoàng” trong 2 ngày, 1 đêm…

 Trong thực hiện liên kết vùng, Bắc Giang phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, cùng chia sẻ để vượt qua khó khăn. Nhờ đó tạo động lực cho kinh tế “cất cánh”, quy mô nền kinh tế của tỉnh hiện đứng thứ 13 cả nước, vượt mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đề ra.

Xác định trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh là Khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử, Bắc Giang đã ký kết với Quảng Ninh và Hải Dương tổ chức nhiều hoạt động liên kết. Sở chuyên ngành của Quảng Ninh và Bắc Giang cùng tổ chức chương trình giới thiệu sản phẩm du lịch của hai tỉnh, đồng thời kết nối để DN lữ hành hai bên trao đổi khách hàng.

Với Hải Dương, Sở VHTTDL hai tỉnh phối hợp xây dựng bản đồ du lịch, tài liệu, tập gấp tuyên truyền về du lịch với mục tiêu xây dựng hai địa phương một điểm đến. Phối hợp hình thành tuyến du lịch Bắc Giang - Hải Dương nhằm khai thác sản phẩm du lịch tâm linh - sinh thái. Nhờ cách làm này, tuyến du lịch kết nối Côn Sơn - Kiếp Bạc tỉnh Hải Dương với chùa Vĩnh Nghiêm, suối Mỡ, khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử của tỉnh Bắc Giang được nhiều du khách biết đến, trải nghiệm.

Liên kết phát triển du lịch cũng tạo cú huých cho sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả, làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp của Bắc Giang. Ông Hoàng Văn Hiệp, Giám đốc HTX Du lịch Đồng Dao (Lục Ngạn) cho biết: “Từ đầu năm đến nay, điểm du lịch sinh thái Bầu Tiên của HTX đón hơn 30 nghìn lượt khách, một nửa số đó là người ở Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Thái Nguyên... trải nghiệm mùa vải thiều. Chúng tôi có thêm nguồn thu từ dịch vụ du lịch nhưng mừng hơn là có thêm một kênh để tiêu thụ vải thiều và các loại trái cây khác”.

Theo thống kê, lượng khách du lịch đến Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Dương năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 đều tăng mạnh so với thời điểm trước dịch Covid -19. Một trong các nhiệm vụ liên kết mà Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Dương đang quan tâm là chuẩn bị xây dựng và triển khai các kế hoạch khai thác phát triển du lịch Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc khi được UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về liên kết vùng và những đòi hỏi từ thực tiễn, Bắc Giang đã chủ động thúc đẩy liên kết vùng với phương châm “hướng ra Thủ đô, hướng ra biển”. Trong thực hiện liên kết vùng, Bắc Giang phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, cùng chia sẻ để vượt qua khó khăn. Nhờ đó tạo động lực cho kinh tế “cất cánh”, quy mô nền kinh tế của tỉnh hiện đứng thứ 13 cả nước, vượt mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đề ra.

Theo Báo Bắc Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực