|
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cùng một số đại biểu thăm gian hàng trưng bày nông sản tại huyện Lục Ngạn. |
Ngày 11/11, UBND tỉnh Bắc Giang chủ trì phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ cam, bưởi và các nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh với 10 điểm cầu tại tỉnh Bắc Giang, trong đó điểm cầu chính tại huyện Lục Ngạn. Hội nghị được phát sóng trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Bắc Giang.
Điểm cầu ngoài tỉnh gồm 4 điểm cầu tại Trung ương, 1 điểm cầu tại Trung Quốc và hàng trăm điểm cầu ở các siêu thị, chợ đầu mối, kênh phân phối, doanh nghiệp/thương nhân kinh doanh tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, TP: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.
Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn cho biết, Bắc Giang có tiềm năng lớn về phát triển nông nghiệp với số lượng cây ăn quả phong phú, đa dạng, nhiều sản vật nông nghiệp đặc trưng, nổi tiếng, đặc biệt là vải thiều. Tổng đàn vật nuôi lớn, luôn nằm trong tốp 5 tỉnh dẫn đầu cả nước về chăn nuôi lợn, gà.
Hiện nay, cam, bưởi và một số nông sản của tỉnh bắt đầu cho thu hoạch. Tỉnh Bắc Giang cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN), thương nhân thu hoạch, chế biến, lưu thông và tiêu thụ cam, bưởi, na, thịt lợn, thịt gà.
|
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Bắc Giang. |
Cũng theo Phó Chủ tịch Phan Thế Tuấn, những tháng cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Bắc Giang có nhiều loại nông sản cung cấp ra thị trường. Trong đó, cam các loại khoảng 48 nghìn tấn, bưởi 37 nghìn tấn, 4 nghìn tấn na được sản xuất an toàn, VietGAP, truy xuất nguồn gốc; 17 nghìn tấn thịt gà; 60 nghìn tấn thịt lợn.
Bên cạnh đó, tỉnh có vùng trồng rau chế biến, rau an toàn hơn 11 nghìn ha, sản lượng hơn 230 nghìn tấn đủ năng lực cung cấp cho các nhà máy chế biến nông sản, các siêu thị trong, ngoài tỉnh và xuất khẩu.
Phó Chủ tịch Phan Thế Tuấn nhấn mạnh, thời gian tới, tỉnh Bắc Giang định hướng phát triển nông nghiệp gắn với dịch vụ du lịch, văn hóa. Hiện nay, tỉnh đang nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các DN lữ hành đến khảo sát, đầu tư với các sản phẩm du lịch như: Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch khám phá gắn với trải nghiệm hoa trái vườn đồi.
Sau hội nghị này, Bắc Giang kỳ vọng sẽ có nhiều hợp đồng liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản chủ lực của tỉnh và mong muốn sẽ được đón nhiều hơn du khách đến trải nghiệm cây ăn quả tại địa phương.
Nhân dịp này, tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục đàm phán với cơ quan chức năng của Trung Quốc và một số quốc gia có thị trường tiềm năng trong khu vực và trên thế giới thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh.
Kịp thời thông tin về hàng rào kỹ thuật khi xuất khẩu các loại nông sản tươi, nông sản qua chế biến sang các quốc gia; chỉ đạo cơ quan chức năng của Bộ quan tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch; hướng dẫn tỉnh Bắc Giang thực hiện quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng bảo đảm các điều kiện tiêu thụ tại các hệ thống phân phối hiện đại và xuất khẩu; hướng dẫn triển khai mô hình kinh tế số trong nông nghiệp. Hỗ trợ tỉnh Bắc Giang quảng bá, xúc tiến tiêu thụ nông sản chủ lực của tỉnh đến với thị trường trong và ngoài nước; tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ nông sản chủ lực của tỉnh Bắc Giang.
Đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch định hướng phát triển du lịch Bắc Giang nói chung và du lịch trải nghiệm gắn với vùng cây ăn quả nói riêng phù hợp với chương trình du lịch quốc gia, du lịch liên vùng, liên địa phương; quan tâm hỗ trợ quảng bá, giới thiệu, các danh lam, thắng cảnh, điểm du lịch văn hóa của tỉnh với các tổ chức lữ hành uy tín nhằm xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp; quan tâm xúc tiến du lịch địa phương ở trong và ngoài nước.
|
Đại diện lãnh đạo các đơn vị, địa phương ký kết biên bản ghi nhớ, hợp tác tiêu thụ nông sản. |
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã tham luận giới thiệu về sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của địa phương; kinh nghiệm xúc tiến thương mại; các giải pháp lưu thông hàng hóa, đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương nhấn mạnh, hội nghị là một trong những sự kiện nhằm cụ thể hóa quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Giang trong thực hiện mục tiêu kép; thể hiện sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương; sự quan tâm giúp đỡ, đồng hành hết sức trách nhiệm của các tỉnh, TP bạn; đặc biệt là sự đồng hành của DN, doanh nhân, các cơ quan truyền thông đối với các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh.
Đồng chí Lê Ánh Dương nhấn mạnh, hội nghị đã có nhiều ý kiến tham luận, tỉnh Bắc Giang nghiêm túc tiếp thu và định hướng chỉ đạo trong thời gian tới. Một trong những kết quả của hội nghị là các DN, cơ quan, đơn vị tại các điểm cầu trong cả nước đã phối hợp với Sở Công thương Bắc Giang ký biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ cam, bưởi và các nông sản chủ lực tỉnh Bắc Giang năm 2021. Điều này mở ra triển vọng hợp tác rộng rãi trong việc đưa cam, bưởi và các nông sản chủ lực của tỉnh Bắc Giang đến với các thị trường trong và ngoài nước.
Tỉnh Bắc Giang cam kết sẽ chỉ đạo quyết liệt, cụ thể hóa từng vấn đề mà các đại biểu quan tâm như: Chủ động công tác truyền thông, cam kết về chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn, dán tem nhãn truy xuất nguồn gốc, đa dạng các kênh phân phối, kết hợp bán hàng truyền thống với thương mại điện tử.
Nhân dịp này, có 57 văn bản được ký kết, ghi nhớ về tiêu thụ nông sản của tỉnh.
Cùng ngày, UBND huyện Lục Ngạn tổ chức họp báo thông tin về tình hình sản xuất, tiêu thụ cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng của huyện năm 2021./.