|
Phó Thủ tướng kết luận hội nghị. |
Ngày 23/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành dẫn đầu đoàn công tác làm việc tại Bắc Giang về khôi phục sản xuất sau dịch.
Cùng đi có đồng chí Nguyễn Văn Thể, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT), đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và PTNT, Văn phòng Chính phủ.
Về phía tỉnh Bắc Giang, tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Dương Văn Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang; Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Lê Ô Pích, Phan Thế Tuấn và đại diện lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
100% doanh nghiệp trong KCN đã hoạt động trở lại
Báo cáo với đoàn công tác, đồng chí Lê Ánh Dương cho biết, từ tháng 5 đến tháng 6, Bắc Giang phải đối mặt với dịch bệnh COVID-19 bùng phát chưa từng có. Dịch ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống, KT-XH. Sau gần 2 tháng, Bắc Giang đã đẩy lùi dịch bệnh. Từ tháng 7/2021, toàn tỉnh đã trở lại trạng thái bình thường mới, vừa phòng, chống dịch (PCD) vừa khôi phục và đẩy mạnh phát triển KT-XH.
Đến nay, tỉnh đã qua 52 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng. Toàn tỉnh đã tiêm được hơn một triệu liều vắc-xin phòng dịch Covid-19, đạt gần 68% dân số từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 mũi. Dự kiến đến hết tháng 10 này, tỷ lệ bao phủ vắc- xin sẽ đạt 75% dân số từ 18 tuổi trở lên.
|
Đồng chí Lê Ánh Dương báo cáo một số kết quả PCD, khôi phục sản xuất của Bắc Giang. |
Với quyết tâm cao khôi phục phát triển sản xuất, Bắc Giang đã triển khai đồng bộ, quyết liệt, sáng tạo các giải pháp. KT-XH của tỉnh hồi phục đạt tương đương và cao hơn trước thời điểm dịch bùng phát. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế (GRDP) 9 tháng năm 2021 đạt 5,5%. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp 10 tháng tăng 14,7% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu 10 tháng đầu năm cao hơn 2,7% so với cả năm 2020... Sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản đạt kết quả nổi bật.
Hiện 100% doanh nghiệp (DN) trong KCN đã hoạt động trở lại, tổng số lao động làm việc tăng cao hơn so với thời điểm trước dịch. Các DN quy mô lớn phục hồi sản xuất nhanh, đã sử dụng lao động ở mức tương đương, thậm chí nhiều hơn lao động so thời điểm trước dịch.
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy và phát triển sản xuất, thu hút đầu tư tại các KCN, CCN; bảo đảm lưu thông, vận chuyển hàng hóa, hành khách, tỉnh Bắc Giang đề nghị Chính phủ quan tâm xem xét, sớm phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng 3 KCN: Tân Hưng, Yên Lư và Yên Sơn-Bắc Lũng; mở rộng 2 KCN Quang Châu, Hòa Phú.
Hiện nay, tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang đang tập trung phát triển công nghiệp, có tuyến đường sắt liên vận quốc tế Hà Nội - Đồng Đăng - Bằng Tường đi qua. Nhu cầu vận chuyển hàng hóa qua đường sắt rất lớn; tuy nhiên, chỉ có duy nhất ga Yên Viên là ga liên vận, dẫn đến các DN khi vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu từ Bắc Giang sang Trung Quốc và ngược lại phải vận chuyển từ Bắc Giang qua ga Yên Viên, gây áp lực lớn lên hệ thống giao thông đường bộ và tăng chi phí cho DN.
Để giảm tải áp lực giao thông cho đường bộ, nâng cao hiệu quả khai thác đường sắt, giảm thời gian, chi phí vận chuyển hàng hóa cho DN, đề nghị Bộ GT-VT xem xét, bổ sung ga liên vận quốc tế tại tỉnh Bắc Giang. Hiện nay, giá bán thịt lợn hơi giảm, người chăn nuôi bị thua lỗ, để giải quyết vấn đề này, tỉnh đề nghị Chính phủ chỉ đạo giảm nhập khẩu thịt lợn giúp bảo vệ thị trường trong nước. Giá thức ăn chăn nuôi ở mức cao, đề nghị chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, tham mưu đề xuất giảm thuế nhập khẩu một số nông sản là đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi, góp phần giảm giá thành sản xuất.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái, cho biết, quốc lộ 31, đoạn qua Lục Ngạn, Sơn Động đã xuống cấp, đề nghị Bộ GT-VT quan tâm sớm khởi công thi công cải tạo, nâng cấp tuyến đường. Cùng đó, tạo điều kiện cho tỉnh về các thủ tục xây dựng cầu Như Nguyệt.
Góp ý cho tỉnh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho rằng, tỉnh cần sớm hoàn thiện kịch bản phục hồi kinh tế, trong đó, lấy phục hồi sản xuất công nghiệp là trọng tâm. Cần quan tâm đầu tư hạ tầng xã hội cho người lao động như nhà ở công nhân, nhà trẻ, siêu thị…
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, việc thường xảy ra ách tắc giao thông tại nút thắt cầu Như Nguyệt, cầu Xương Giang là điểm nghẽn đối với sự phát triển của tỉnh.
Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ sẽ tích cực chỉ đạo, đôn đốc, thúc đẩy việc nâng cấp Quốc lộ 31, cố gắng trong quý II/2022 sẽ khởi công. Về đề xuất làm ga liên vận, Bộ đã chỉ đạo Cục Đường sắt, Tổng công ty đường sắt phối hợp với Sở GTVT Bắc Giang. Bộ cam kết sẽ hỗ trợ tối đa.
Phấn đấu cuối năm 2022 khánh thành cầu Như Nguyệt
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao tỉnh Bắc Giang thời gian qua vừa triển khai phòng, chống dịch tốt, với những giải pháp thích ứng với từng giai đoạn, vừa phát triển kinh tế.
|
Đồng chí Lê Văn Thành cùng đại diện lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, một số bộ, ngành làm việc tại Công ty TNHH Hosiden Việt Nam. |
Ghi nhận sự phục hồi tại Công ty Hosiden, là DN có tổng số ca F0 lớn nhất tỉnh, là tâm dịch của KCN nhưng đến nay phục hồi mạnh, bảo đảm cung ứng cho các chuỗi sản xuất, Phó Thủ tướng cho biết, hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo 13 địa phương phục hồi sản xuất KCN, khu chế xuất, tuy nhiên, không phải địa phương, DN nào cũng có thể phục hồi được như Bắc Giang.
Nhờ phòng chống dịch bài bản, kịp thời, nhanh gọn, giảm thiểu thiệt hại, Bắc Giang có tốc độ phục hồi sản xuất rất nhanh, lượng công nhân cao hơn trước dịch. Nhiều chỉ tiêu phát triển KT-XH cao hơn. Qua cách làm của tỉnh, có thể rút ra một số bài học. Trước tiên, tỉnh đã làm tốt mô hình doanh nghiệp là chủ thể của quá trình phục hồi sản xuất, “từ khâu chuẩn bị vật tư, nguyên liệu, kế hoạch sản xuất, DN lo điều kiện bảo đảm an toàn PCD, hỗ trợ về nơi ăn chốn nghỉ, môi trường làm việc cho công nhân... Còn chính quyền các cấp, hệ thống chính trị là trung tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là kiểm soát dịch bệnh.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, dù phục hồi sản xuất nhanh, Bắc Giang không được chủ quan, không để dịch bệnh tái phát. Cần quan tâm hơn nữa tới điều kiện và đời sống sinh hoạt của công nhân. Qua kiểm tra tại một số tỉnh phía Nam cho thấy, một số công nhân phải ở trong khu chật chội, không bảo đảm. Vì thế, tới đây khi phê duyệt KCN dứt khoát phải bố trí đất ở dành cho công nhân.
Với các kiến nghị của tỉnh Bắc Giang, Phó Thủ tướng cho rằng, Cầu Như Nguyệt là cây cầu quan trọng, kết nối, động lực phát triển không chỉ của địa phương mà còn cho cả nước. Vì vậy, việc đề xuất cây cầu này thể hiện tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo tỉnh Bắc Giang. Thời gian tới, tỉnh cần phối hợp tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phấn đấu cuối năm 2022 khánh thành cầu Như Nguyệt. Cùng đó, Bộ GT-VT sớm khởi công quốc lộ 31.
Về việc xuất chuồng lợn hơi của nông dân, Phó Thủ tướng chỉ đạo rà soát lại việc nhập khẩu thịt lợn. Bắc Giang nên có cuộc họp với các DN để chia sẻ với bà con; hỗ trợ thị trường, hình thành cửa hàng bình ổn giá./.