Tháo gỡ điểm nghẽn về giao thông để thúc đẩy liên kết vùng

Thứ tư, 03/11/2021 20:38
(ĐCSVN) – Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho rằng, một trong những điểm nghẽn lớn nhất hiện nay chính là giao thông chưa thuận lợi. Đồng chí đề nghị, giai đoạn tới cần có cơ chế đặc thù cho vùng TDMNBB và ban hành Nghị quyết tiếp theo. Trong đó cần tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc, nhất là về giao thông; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương, tạo động lực cho sự phát triển.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương trao đổi tại buổi làm việc. 

Ngày 3/11, đoàn công tác do đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương làm Trưởng đoàn làm việc tại Bắc Giang nhằm khảo sát mô hình phát triển công nghiệp, đô thị phục vụ tổng kết Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 1/7/2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ (TDMNBB) đến năm 2020.

Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.

Theo đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, khu vực TDMNBB có vị trí địa lý đặc biệt quan trọng. Sau 17 năm thực hiện Nghị quyết 37, vùng đã có những bước phát triển rất ấn tượng làm thay đổi bộ mặt KT-XH của cả vùng; đời sống người dân trong vùng được nâng lên, biên giới Tổ quốc được giữ vững, nhiều chỉ tiêu KT-XH vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra. Tuy nhiên, kinh tế khu vực này vẫn là vùng lõm so với cả nước, khoảng cách giữa vùng núi, miền xuôi ngày càng tăng.

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, những năm qua, Bắc Giang nổi lên là tỉnh đứng đầu khu vực với tăng trưởng cao; thu hút vốn đầu tư cho phát triển tăng nhanh, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định. Đặc biệt, vừa qua, Bắc Giang đã làm tốt mô hình vừa sản xuất, vừa chống dịch COVID-19.

Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn đề nghị Bắc Giang chia sẻ một số kinh nghiệm phát triển KT-XH, trong đó đánh giá rõ vai trò của Nghị quyết 37; giai đoạn tới đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù gì cho sự bứt phá; đâu là điểm nghẽn, yếu tố nào là đột phá cho sự phát triển của vùng.

Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn đánh giá cao cách làm, tư duy của Bắc Giang. 

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương khẳng định, Nghị quyết 37 có tác động tích cực đối với phát triển KT-XH của vùng. Quá trình thực hiện Nghị quyết cho thấy, tính chủ động của các địa phương được nâng lên, tạo nhiều liên kết và động lực cho sự phát triển. Giữa các tỉnh trong vùng đã liên kết thực hiện nhiều công trình, chương trình phát triển KT-XH. Điển hình, năm nay, Bắc Giang xây dựng nhiều công trình giao thông đấu nối với các tỉnh lân cận.

Tuy nhiên, đồng chí cho rằng, giữa các tỉnh trong khu vực chưa có sự phối hợp chặt chẽ về định hướng, quy hoạch phát triển nên chưa phát huy lợi thế của các địa phương. Nhiều chính sách được triển khai nhưng chủ yếu nghiêng về chính sách an sinh mà chưa có sự kích cầu phát triển. Điều này trước mắt giúp bà con ổn định nhưng lại có sự ỷ lại, không muốn thoát nghèo.

Bắc Giang có sự bứt phá, đạt được nhiều kết quả nổi bật trước hết là do có nhiều lợi thế như gần Thủ đô Hà Nội và được hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa (đất công nghiệp của Bắc Ninh ít dần, các nhà đầu tư đã chọn Bắc Giang để sản xuất, kinh doanh). Khi có thành công bước đầu, Bắc Giang chuyển hướng tư duy, không trông chờ vào sự hỗ trợ, tăng cường kết nối nền kinh tế trong phát triển.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho rằng, một trong những điểm nghẽn lớn nhất hiện nay chính là giao thông chưa thuận lợi. Đồng chí đề nghị, giai đoạn tới cần có cơ chế đặc thù cho vùng TDMNBB và ban hành Nghị quyết tiếp theo. Trong đó cần tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc, nhất là về giao thông; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương, tạo động lực cho sự phát triển.

Đoàn công tác thăm mô hình đô thị của Công ty cổ phần Tập đoàn Bách Việt. 

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương thông tin quy hoạch tỉnh hiện nay được lập theo Luật Quy hoạch. Nội dung quy hoạch tích hợp đầy đủ các phương án phát triển các ngành, lĩnh vực. Phương án phát triển đã bao gồm danh mục các dự án cụ thể gắn với nhu cầu sử dụng đất. Để giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, đồng chí đề nghị các Bộ, ngành Trung ương xem xét trình cấp có thẩm quyền sửa đổi các quy định theo hướng tăng cường phân cấp cho các địa phương; cho phép địa phương sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương đầu tư trong thực hiện kết cấu hạ tầng giao thông vì thực tế hiện nay, một số tuyến quốc lộ, Trung ương không đủ nguồn lực đầu tư, trong khi đây là các tuyến giao thông huyết mạch của địa phương, lại xuống cấp nghiêm trọng, địa phương có thể cân đối nguồn lực để đầu tư.

Qua thực tế nắm bắt tại Bắc Giang, đồng chí Nguyễn Hồng Sơn đánh giá cao Bắc Giang đã có tầm nhìn xa, tư duy liên kết vùng sáng tạo. Về ủy quyền, phân cấp, đồng chí đề nghị Bắc Giang tổng hợp bằng văn bản, cụ thể thêm một số kiến nghị. Đồng chí mong muốn, Bắc Giang sẽ phát huy lợi thế của tỉnh đi sau để phát triển xanh, bền vững.

Trước đó, đoàn công tác đã thăm Khu đô thị mới Bách Việt Lake Garden, phường Dĩnh Kế (TP Bắc Giang)./.

 

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực