Bắc Giang nỗ lực xây dựng "chính quyền thân thiện"

Thứ bảy, 04/12/2021 21:17
(ĐCSVN) – Mô hình "chính quyền thân thiện" là biện pháp cải cách hành chính nhằm đổi mới mạnh mẽ lề lối làm việc của chính quyền cơ sở, xây dựng phong cách "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân", hướng đến sự hài lòng của người dân của đội ngũ cán bộ, công chức, chiến sĩ công an ở cơ sở.
leftcenterrightdel
Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công của tỉnh Bắc Giang. 

Đây là nét nổi bật trong việc triển khai Kết luận số 54-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 110-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay.

Xây dựng chính quyền thân thiện, vì dân

Mô hình "chính quyền thân thiện" là biện pháp cải cách hành chính nhằm đổi mới mạnh mẽ lề lối làm việc của chính quyền cơ sở, xây dựng phong cách "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân", hướng đến sự hài lòng của người dân của đội ngũ cán bộ, công chức, chiến sĩ công an ở cơ sở.

Trong năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang đã chỉ đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp với Ban cán sự đảng UBND tỉnh xây dựng mô hình điểm "chính quyền thân thiện" tại phường Trần Phú, thành phố Bắc Giang; thị trấn Đồi Ngô, huyện Lục Nam; xã Hợp Đức, huyện Tân Yên. Thời gian thực hiện từ tháng 9/2021 đến tháng 10/2022. Mô hình chính quyền thân thiện hướng tới các tiêu chí cán bộ thân thiện, hoạt động của chính quyền thân thiện và môi trường làm việc thân thiện với Nhân dân.

Theo đó, cán bộ chính quyền thân thiện, trước hết là hình ảnh người đứng đầu gương mẫu, thân thiện và có trách nhiệm với nhân dân; công chức của chính quyền luôn có thái độ lịch sự, thân thiện, cởi mở, gần gũi khi tiếp xúc với nhân dân; xử lý công việc thành thạo, chuyên nghiệp; tận tình, chu đáo hướng dẫn người dân, tổ chức đến làm thủ tục hành chính một cách nhanh gọn, sớm nhất có thể; không gây phiền hà, sách nhiễu người dân.

Hoạt động của chính quyền thân thiện, là biện pháp đổi mới mạnh mẽ lề lối làm việc từ “mệnh lệnh hành chính” sang “phục vụ, hướng dẫn, vận động, thuyết phục”; bảo đảm công khai, dân chủ, hướng tới chính quyền điện tử; hoạt động của chính quyền gần gũi, tạo được thiện cảm với Nhân dân, thông qua các hoạt động cụ thể, như việc chính quyền cơ sở tổ chức trao giấy chứng nhận kết hôn; gửi thư chúc mừng, chia buồn, kèm theo "lời nhắc nhở" ở mặt sau về việc thực hiện quy định của pháp luật, quy ước của địa phương; gửi thư xin lỗi khi trả kết quả không đúng hẹn hoặc triển khai các dự án làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân...

Môi trường làm việc thân thiện, hướng tới cảnh quan, môi trường công sở nơi tiếp đón người dân văn minh, lịch sự; bảo đảm các nhu cầu thiết yếu của người dân khi đến làm việc với chính quyền, như có cây xanh, ghế đá, chỗ để xe, ghế ngồi chờ ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; được sử dụng wifi, máy tính miễn phí để truy cập thông tin về thủ tục hành chính, máy photocoppy để phục vụ người dân khi cần thiết... Bố trí bộ phận tiếp nhận và trả kết quả khoa học, gọn gàng, bảo đảm tổ chức và công dân đến giao dịch thuận tiện, đáp ứng 4 tiêu chí “nhanh hơn, tiết kiệm hơn, hợp lý hơn, thân thiện hơn”; có sự gần gũi, thân thiện hơn giữa cán bộ, công chức khi làm việc với Nhân dân.

Mục tiêu xuyên suốt và cuối cùng của "chính quyền thân thiện" là đặt sự hài lòng của người dân là mục tiêu phấn đấu trong hoạt động của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

leftcenterrightdel
Đoàn khảo sát mức độ hài lòng của người dân tại xã Mai Trung, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang.  

Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chính quyền và cán bộ, công chức 

Cho biết rõ hơn về việc triển khai nhiệm vụ này, đồng chí Phạm Văn Thịnh, Ủy viên BTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết, năm 2021, Ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang đã chủ trì phối hợp với một số cơ quan, đơn vị tổ chức khảo sát sự hài lòng của người dân đối với công chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND các cấp.

Chương trình khảo sát diễn ra 2 tuần, từ 25/10/2021 đến 5/11/2021 tại 100% bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND các cấp. Nội dung khảo sát sự hài lòng của người dân đối với thái độ, trách nhiệm, kỹ năng phục vụ của công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính đối với người dân.

Nội dung khảo sát là đánh giá sự hài lòng của người dân về thái độ ứng xử, trách nhiệm, kỹ năng, nghiệp vụ của công chức trực tiếp giải quyết TTHC tại bộ phận "một cửa" của UBND 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) với 9 nội dung tiêu chí thông qua phiếu hỏi như: Thông tin tiếp cận dịch vụ; thời gian, quá trình giải quyết TTHC; thái độ công chức; cách hướng dẫn người dân khi đến giao dịch...

Nhằm bảo đảm kết quả khảo sát mang tính khách quan, thuận tiện cho người được lấy ý kiến, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã phối hợp với đơn vị chức năng tạo mã QR Code cho từng đối tượng nhận và trả kết quả; sử dụng phần mềm khảo sát đã được thiết lập tại chuyên trang Quy chế dân chủ tỉnh Bắc Giang.

leftcenterrightdel
Cán bộ đoàn Thanh niên xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang) hướng dẫn công dân truy cập vào phần mềm để trả lời câu hỏi khảo sát. Ảnh Đoàn xã Dĩnh Trì cung cấp. 

Bên cạnh đó, các cấp bộ đoàn từ tỉnh đến cơ sở cử cán bộ, đoàn viên trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính, lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với công chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND các cấp.

Thông qua hoạt động trên, Ban Dân vận Tỉnh ủy có cơ sở tham mưu với Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có những giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND các cấp; đồng thời triển khai kế hoạch xây dựng mô hình điểm “chính quyền thân thiện” xã, phường, thị trấn.

Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang cho biết, hiệu quả của việc khảo sát lấy ý kiến sự hài lòng của người dân được thể hiện ở 2 phương diện. Việc khảo sát giúp cho công chức bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND các cấp nâng cao nhận thức của mình về ý thức, trách nhiệm; khi làm việc, giao tiếp với người dân đã phải cân nhắc hơn trong tinh thần, thái độ, ứng xử, thay đổi theo hướng tích cực, tôn trọng người dân; góp một phần giảm bớt tiêu cực, phiền hà, nhũng nhiễu với người dân.

Cùng với đó, người dân nhận thức sâu sắc, rõ ràng hơn về quyền làm chủ của mình trong tham gia xây dựng chính quyền; củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp.

Đánh giá cao cách làm này, đồng chí Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Bắc Giang cho biết, kết quả khảo sát là nguồn thông tin quan trọng, tương đối khách quan, chính xác về kết quả thực hiện cải cách hành chính của chính quyền các cấp; đồng thời góp phần phát hiện, nhận diện những biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực của công chức bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND các cấp trên địa bàn tỉnh.

Thường trực Tỉnh ủy sẽ xem xét, chỉ đạo Ban cán sự đảng UBND tỉnh, các Huyện ủy, Thành ủy thực hiện các giải pháp xử lý các vấn đề còn tồn tại qua khảo sát sự hài lòng của người dân đối với công chức bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND các cấp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bắc Giang cho biết, trong dài hạn, đây sẽ là một trong những căn cứ quan trọng để thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số PCI, PAR INDEX, SIPAS, PAPI của tỉnh Bắc Giang và xây dựng mô hình “Chính quyền thân thiện”.

“Qua kết quả khảo sát sự hài lòng của người dân này đã cho thấy đây là việc làm quan trọng, cần thiết đối với công tác lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng trong giai đoạn hiện nay” – đồng chí Lê Thị Thu Hồng nêu rõ.

Vì thế, đây sẽ là hoạt động được chỉ đạo thực hiện thường kỳ, hằng năm. Đối với cấp tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu Ban Dân vận Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp triển khai thực hiện nền nếp, định kỳ 6 tháng/1 lần trong việc khảo sát sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh./.

Trung - Hòa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực