|
Các đồng chí chủ trì hội nghị. |
Các đồng chí: Lê Ánh Dương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ 714; Trần Công Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực BCĐ 714 chủ trì. Cùng dự có đại diện các đơn vị thành viên BCĐ, một số sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh.
Qua rà soát, đến ngày 28/2, toàn tỉnh còn 1.595 nhà tạm, nhà dột nát cần xây mới, sửa chữa. Thực hiện mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2024, BCĐ 714 triển khai Kế hoạch vận động, hỗ trợ xây dựng xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hỗ trợ gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở, nhà xuống cấp cần được sửa chữa, xây mới trên địa bàn tỉnh với chủ đề “Triệu tấm lòng yêu thương, xây nghìn căn nhà Đại đoàn kết”.
Theo đó, đối với hộ nghèo, mức hỗ trợ xây mới 50 triệu đồng/nhà, sửa chữa 25 triệu đồng/nhà; đối với hộ cận nghèo, mức hỗ trợ xây mới 40 triệu đồng/nhà, sửa chữa 20 triệu đồng/nhà. Kinh phí hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo từ nguồn xã hội hóa do MTTQ các cấp chủ trì, phối hợp với tổ chức thành viên vận động.
Đối với gia đình người có công, kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa, bảo đảm theo các quy định hiện hành; giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu triển khai thực hiện.
Đối với hộ dân tộc thiểu số nghèo ở vùng dân tộc thiểu số, vùng núi; hộ dân tộc Kinh sinh sống ở các thôn, xã đặc biệt khó khăn, nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và xã hội hóa, bảo đảm theo các quy định hiện hành; giao Ban Dân tộc tỉnh chủ trì phối hợp với ngành chức năng, UBND các huyện tham mưu triển khai thực hiện.
Ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ, các hộ gia đình sử dụng nguồn lực sẵn có, huy động sự đóng góp, giúp đỡ của anh em dòng họ, cộng đồng nơi cư trú, kết hợp với sự giúp đỡ của lực lượng công an, quân đội, các tổ chức chính trị - xã hội...
|
Đồng chí Lê Ánh Dương phát biểu tại hội nghị. |
Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm vận động xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn; đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm phát huy tối đa các nguồn lực.
Kết luận hội nghị, đồng chí Lê Ánh Dương đề nghị thành viên BCĐ, các địa phương xác định rõ mục tiêu, đối tượng được hỗ trợ là những hộ có nhà không đủ ba tiêu chí: Nền cứng, tường cứng, mái cứng nhằm nâng cao chất lượng đời sống, bảo đảm an toàn cho nhân dân. Các địa phương thành lập BCĐ 714 cấp huyện, tổ chức rà soát, tổng hợp các nguồn lực để xây dựng kế hoạch thực hiện với lộ trình cụ thể, đăng ký chỉ tiêu với BCĐ tỉnh.
Các thành viên BCĐ tỉnh căn cứ nhiệm vụ được giao triển khai có hiệu quả kế hoạch và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đánh giá tiến độ thực hiện. Chú trọng tuyên truyền, lan tỏa những cách làm hay, hiệu quả trong hỗ trợ hộ nghèo xây mới và sửa chữa nhà ở. Cấp ủy các địa phương tích cực vào cuộc, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kế hoạch sát với chỉ đạo của tỉnh, phù hợp với tình hình thực tiễn tại cơ sở. Sau hội nghị này cần phổ biến, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân, huy động các cơ quan, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị vào cuộc, khơi dậy tinh thần nỗ lực của chính các hộ được hỗ trợ.
|
Các đại biểu dự hội nghị. |
Các đơn vị thành viên, huyện, thị xã, thành phố tổ chức phát động ủng hộ kinh phí xóa nhà tạm, nhà dột nát trước ngày 15/3; tiến hành tổng hợp các nguồn lực, căn cứ vào đó xây dựng lộ trình thực hiện kế hoạch, tổ chức các đợt thi đua. Đồng thời chỉ đạo MTTQ cơ sở phối hợp với các tổ chức, đơn vị tới các gia đình nắm bắt nhu cầu, đối tượng cần hỗ trợ; có lộ trình giúp từng trường hợp, bảo đảm chất lượng công trình, tiến độ đề ra.
Ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh, các địa phương cần tích cực, linh hoạt, đa dạng hình thức vận động. Cùng với tiền mặt có thể vận động nhà hảo tâm, người dân hỗ trợ vật liệu xây dựng, ngày công lao động, đồ dùng sinh hoạt, thiết bị vệ sinh, nội thất... Qua đó góp phần bảo đảm khởi công các công trình trong quý III, hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trong quý IV năm nay theo đúng kế hoạch đề ra./.