Trong khó khăn, Bắc Giang vẫn luôn thực hiện tốt công tác an sinh xã hội

Thứ hai, 22/11/2021 20:23
(ĐCSVN) – Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, trong khó khăn chung, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bắc Giang đã quan tâm thực hiện tốt công tác an sinh xã hội; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; chăm lo đời sống cho người nghèo, người lao động.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi làm việc. 

Chiều 22/11, đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) làm việc với tỉnh Bắc Giang về công tác quản lý nhà nước lĩnh vực lao động, việc làm, người có công và công tác bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tiếp và làm việc với đoàn, có các đồng chí: Dương Văn Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Lê Ánh Dương, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành tỉnh và các trường cao đẳng nghề trên địa bàn.

Báo cáo với đoàn công tác, đồng chí Mai Sơn cho biết, năm 2021, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực lao động, việc làm, người có công và công tác bảo trợ xã hội trên địa bàn tiếp tục được tỉnh tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện.

Dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 song tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách bảo đảm việc làm, an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, góp phần ổn định và phát triển kinh tế, xã hội. Toàn tỉnh tạo việc làm thêm cho 35 nghìn lao động; hơn 356 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội, bằng 109,5% so với cùng kỳ. Chương trình giảm nghèo được thực hiện đồng bộ, hiệu quả, bền vững.

Các chế độ bảo trợ xã hội, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; phòng, chống tệ nạn xã hội được quan tâm. Đến thời điểm này, các chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID- 19 theo Nghị quyết số 68, Nghị quyết 116 của Chính phủ cơ bản được giải quyết.

Tỉnh Bắc Giang đề ra 7 nhiệm vụ trọng tâm nhằm thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực lao động, việc làm, người có công và công tác bảo trợ xã hội. Trong đó quan tâm tổ chức đối thoại với doanh nghiệp (DN); thực hiện tốt việc kết nối cung - cầu lao động; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các chính sách cho người có công…

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Thái phát biểu tại buổi làm việc. 

Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Bắc Giangg kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐTBXH nhiều nội dung. Trong đó, đề nghị phân bổ nguồn lực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025 và định hướng đến năm 2030 ngay từ đầu giai đoạn. Sớm ban hành chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, ưu tiên bố trí nguồn lực cao hơn đối với vùng khó khăn nhằm thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo; quan tâm xem xét, chỉ đạo giải quyết đối với các trường hợp được ghi là liệt sĩ trong lịch sử Đảng bộ xã nhưng còn thiếu một số thông tin; quan tâm, đầu tư, nâng cấp một số cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh.

Thành viên đoàn công tác và các sở, ngành tỉnh đã trao đổi, làm rõ những khó khăn, vướng mắc và định hướng một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong thực hiện chính sách cho người có công, lao động - việc làm, giáo dục nghề nghiệp, giảm nghèo thời gian tới.

Theo Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Giang Dương Văn Thái, thời gian qua, tỉnh đã sớm ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, dành nguồn kinh phí, huy động xã hội hoá quan tâm chăm lo đời sống người có công, đối tượng chính sách, hộ nghèo. Đồng thời tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực lao động, việc làm, đào tạo nghề.

Đồng chí nhấn mạnh, tỉnh Bắc Giang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp, dịch vụ, giải trí. Tỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư lớn, vì thế nhu cầu đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là lao động chất lượng cao trong thời gian tới là rất lớn.

Mới đây, Thường trực Tỉnh uỷ đã thông qua Đề án xây dựng Trường Trung cấp nghề miền núi Yên Thế thành Trường Cao đẳng nghề miền núi Bắc Giang, qua đó giải quyết nhu cầu đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong tỉnh và một số tỉnh lân cận như Thái Nguyên, Lạng Sơn. Để Đề án sớm triển khai, đồng chí mong muốn Bộ LĐTBXH sớm phê duyệt và hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng. Ngoài ra, quan tâm hỗ trợ kinh phí cho tỉnh xây dựng Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp ở vị trí mới đáp ứng yêu cầu chăm sóc đối tượng.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Đào Ngọc Dung đánh giá cao tỉnh Bắc Giang đã vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19, có bước phát triển đột phá về tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, phát triển công nghiệp. Trong khó khăn chung, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bắc Giang đã quan tâm thực hiện tốt công tác an sinh xã hội; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; chăm lo đời sống cho người nghèo, người lao động.

Khẳng định phát triển kinh tế phải đi liền với tiến bộ, công bằng xã hội, làm sao để người dân vừa là đối tượng tham gia công cuộc đổi mới đồng thời là người thụ hưởng, Bộ trưởng mong muốn tỉnh Bắc Giang tập trung phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu, ngăn chặn rủi ro. Quan tâm chăm lo đối tượng người có công, bảo trợ, yếu thế. Ngoài thực hiện đúng, đủ, nhanh chính sách đối với người có công, tỉnh cần thành lập tổ công tác có sự tham gia của Bộ để giải quyết dứt điểm tồn đọng hiện nay về hồ sơ liệt sĩ.

Với nhiều tiềm năng, lợi thế, tỉnh cũng cần quy hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, xây dựng một số trường nghề trọng điểm, chất lượng cao, đào tạo nhiều trình độ (cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, 9+), góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, lao động có tay nghề trong DN.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trò chuyện với sinh viên Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Việt - Hàn. 

Bộ trưởng cũng gợi ý tỉnh sử dụng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo nâng cao kỹ năng tay nghề cho người lao động. Tập trung cao trang bị kỹ năng mềm cho học viên các trường nghề, giảm học lý thuyết, tăng thực hành, liên kết chặt chẽ giữa trường nghề và DN, gắn chặt cung cầu với dự báo, xu hướng phát triển kinh tế địa phương để tập trung đào tạo, đáp ứng nguồn nhân lực cho tương lai.

Đối với công tác giảm nghèo, tỉnh cần quan tâm hỗ trợ về sinh kế, đầu tư hạ tầng thiết yếu, đồng thời đặt mục tiêu tập trung xóa nhà tạm, dột nát xong trong 2 năm tới bằng nguồn lực hỗ trợ của Trung ương và huy động nhân lực tại chỗ ở địa phương.

Bộ trưởng nhất trí với kiến nghị của tỉnh về thành lập Trường Cao đẳng nghề miền núi Yên Thế trên cơ sở nâng cấp Trường Trung cấp nghề miền núi Yên Thế; Trường Cao đẳng nghề công nghệ Việt - Hàn thành lập trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp; quan tâm tạo điều kiện cho Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự bổ sung 3 nghề gồm: Điều dưỡng, dược, kỹ thuật phục hồi chức năng thuộc khối ngành chăm sóc sức khoẻ và hỗ trợ kinh phí xây dựng lại Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp để thực hiện tốt chức năng chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội. Về một số kiến nghị, đề xuất khác của tỉnh, Bộ trưởng giao các Vụ, Cục liên quan phối hợp với tỉnh giải quyết.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH đến thăm Trường Cao đẳng nghề công nghệ Việt - Hàn. Đây là một trong những trường đào tạo nghề uy tín, chất lượng của cả nước. Năm 2021, nhà trường đào tạo 21 nghề, với tổng số 5,3 nghìn học sinh, sinh viên. Kết quả tuyển sinh hàng năm đều vượt chỉ tiêu, số người có nhu cầu học nghề vượt quy mô đào tạo. Nhà trường đã thiết lập quan hệ đối tác bền vững với hơn 150 DN; tỷ lệ sinh viên có việc làm ngay sau khi ra trường đạt hơn 94%.

Trò chuyện với cán bộ giảng viên, học sinh, sinh viên nhà trường, Bộ trưởng ghi nhận, đánh giá cao cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề của nhà trường ngày càng khang trang, hiện đại; quy mô tuyển sinh, chất lượng đào tạo nâng lên; tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm cao. Bộ trưởng đánh giá cao tỉnh Bắc Giang đã quan tâm công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, là địa phương điển hình của cả nước về đào tạo nghề 9+; liên kết chặt chẽ với DN, hình thành “3 nhà” trong dạy nghề gồm: Nhà nước - nhà trường - nhà DN trong hoạt động đào tạo.

Bộ trưởng nhất trí với các kiến nghị của nhà trường về việc tiếp tục hỗ trợ trường xây dựng trường cao đẳng đa ngành đạt tiêu chí chất lượng cao vào năm 2025. Trọng tâm là hỗ trợ đầu tư các phòng thực hành trọng điểm đối với những nghề có hàm lượng công nghệ 4.0 cao như: Trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo, điều khiển học.

Đầu tư xây dựng Trung tâm Đánh giá kỹ năng nghề quốc gia thuộc nhà trường để phục vụ đánh giá kỹ năng nghề cho người lao động tỉnh Bắc Giang tham gia thị trường lao động trong nước và quốc tế; hỗ trợ việc thiết lập Trung tâm Đào tạo liên tục VKTech.

Nhấn mạnh công tác đào tạo nghề nói chung hiện nay còn phụ thuộc vào DN, Bộ trưởng đề nghị nhà trường tăng cường liên kết, hợp tác với DN theo hướng DN cùng chia sẻ lợi ích, trách nhiệm trong công tác đào tạo. Cần lựa chọn ngành nghề thuộc lĩnh vực công nghiệp để tập trung đào tạo vì đây là thế mạnh của trường. Sử dụng giáo trình nước ngoài để đáp ứng nguồn nhân lực trong nước và quốc tế, tiến tới xây dựng trường trở thành một trong những trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao của cả nước và khu vực…/.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực