Cử tri tin tưởng, kỳ vọng Quốc hội khóa mới

Thứ tư, 21/07/2021 15:50
(ĐCSVN) – Ngày 20/7, Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc. Đây là kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ mới, có vai trò đặt nền móng cho hoạt động của Quốc hội khóa XV với nhiều nội dung, quyết sách quan trọng. ​

Sự kiện quan trọng này được đông đảo cử tri, các tầng lớp nhân dân hết sức quan tâm và bày tỏ nhiều tin tưởng, kỳ vọng.

Cử tri Nguyễn Hùng Cường. 

Cử tri Nguyễn Hùng Cường ở tổ 4, phường An Tường, TP Tuyên Quang cho biết: Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV có ý nghĩa quan trọng khi Quốc hội tiến hành bầu, phê chuẩn kiện toàn nhân sự các chức danh lãnh đạo của các cơ quan Nhà nước; xem xét, thảo luận các báo cáo về kinh tế - xã hội và quyết định một số vấn đề quan trọng khác… Cử tri mong muốn Quốc hội sẽ kiện toàn được những nhân sự lãnh đạo chủ chốt trong bộ máy Nhà nước thực sự vững mạnh, có tầm nhìn chiến lược, quyết liệt, sáng tạo để lãnh đạo đất nước vững bước vượt qua khó khăn, phát triển bứt phá trong giai đoạn 2021 - 2026, tạo tiền đề cho những năm tiếp theo như mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Cử tri Bùi Thị Ngọc, ở tổ 11, thị trấn Yên Bình (Yên Bái) bày tỏ: Thời gian qua, cử tri ghi nhận và đánh giá rất cao sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội nhằm bảo đảm đời sống nhân dân. Tuy nhiên, trong đợt bùng phát thứ tư của đại dịch COVID-19 từ đầu tháng 5 đến nay đang đặt ra rất nhiều thách thức mới, do vậy cử tri mong muốn qua kỳ họp này, với việc xem xét quyết định Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm giai đoạn 2021 - 2025, Quốc hội sẽ đưa ra các quyết sách mang tính chiến lược trong tình hình mới, để có thể thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân vừa thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh; đồng thời triển khai nhiều chính sách, giải pháp duy trì, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và kích thích tiêu dùng trong nước, xuất khẩu trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Cùng với đó, cần nghiên cứu đưa ra các các giải pháp bảo đảm  an ninh trật tự xã hội, an ninh lương thực, thực phẩm cho  các vùng dịch; có biện pháp đủ mạnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về phòng, chống dịch bệnh để đảm bảo sức khỏe cho nhân dân.

Cử tri Bùi Thị Ngọc. 

Cử tri Phạm Thị Hiền, ở thị trấn Phó Bảng, Đồng Văn (Hà Giang) bày tỏ: Là một cử tri ở địa phương miền núi còn gặp nhiều khó khăn, tôi mong muốn trong kỳ họp này, các vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa được Quốc hội đưa ra bàn thảo, có các giải pháp căn cơ tạo động lực phát triển kinh tế vùng, để rút ngắn dần khoảng cách về tốc độ phát triển giữa các địa phương miền núi và miền xuôi, góp phần cải thiện, nâng cao đồng đều đời sống cho người dân. Bên cạnh đó, Quốc hội xem xét đưa ra một số quyết sách phát triển nông thôn miền núi, trong đó có việc tiếp tục quan tâm xây dựng chính sách hỗ trợ đặc thù cho các xã vùng khó khăn về vốn sản xuất, kinh phí đầu tư mua sắm trang thiết bị, tư liệu sản xuất… Phát huy thành tựu từ chương trình xây dựng nông thôn mới, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia “Xây dựng nông thôn mới”, Chương trình mục tiêu quốc gia “giảm nghèo bền vững” và Chương trình mục tiêu quốc gia “phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” gắn với Kế hoạch giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025…; hỗ trợ nông dân sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, người yếu thế trong xã hội; thực hiện tốt hơn chính sách người có công và chính sách bảo trợ xã hội. Giải quyết các vấn đề bức xúc về vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường; đất đai, bảo vệ và phát triển rừng; khám chữa bệnh, giáo dục đào tạo; an toàn giao thông, trật tự xã hội đang manh nha phát sinh ở một số địa bàn nông thôn miền núi. Tiếp tục cải thiện điều kiện làm việc và chế độ, chính sách cho cán bộ xã, phường, thị trấn, thôn, bản, khối phố, vì đây là đội ngũ cán bộ sát dân nhất, công việc nhiều, vất vả, nhưng chế độ thấp, điều kiện làm việc còn nhiều khó khăn…

Cử tri Bế Thị Thu Hà, ở xã Quảng Hưng, huyện Quảng Yên (Cao Bằng) kỳ vọng, thông qua kỳ họp Quốc hội tiếp tục đưa ra các giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, tăng cường các biện pháp chế tài xử phạt mạnh để đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm; tổ chức giám sát chặt chẽ nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục về môi trường trong toàn xã hội tạo ra sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó cần xem xét bổ sung, sửa đổi luật đất đai, hoàn thiện thể chế quản lý để chính sách và chế tài quản lý về đất đai gắn với thực tiễn hơn, bởi những năm qua pháp luật đất đai còn bộc lộ một số bất cập khiến tình trạng tranh chấp, khiếu nại vượt cấp trong lĩnh vực đất đai còn diễn ra phức tạp ở không ít địa phương…/.

Bài, ảnh: Kim Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực