Cần lưu ý gì khi thẻ từ ATM bị “khai tử” sau ngày 31/12?

Thứ sáu, 26/11/2021 11:00
(ĐCSVN) - Bạn đọc Kim Oanh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) hỏi: “Hiện tôi và người nhà vẫn đang sử dụng thẻ ATM từ để giao dịch rút tiền. Vừa qua có một người bạn chia sẻ với tôi về việc thẻ ATM từ sẽ không còn được sử dụng sau ngày 31/12/2021 trong khi tôi chưa nhận được thông báo cụ thể nào từ phía ngân hàng phát hành thẻ. Vậy thông tin trên có chính xác và tôi cần lưu ý gì liên quan đến vấn đề này hay không?”
Ảnh minh họa: HC 

Trả lời:

Theo Thông tư 41 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành ngày 28/12/2018 quy định, từ sau ngày 31/12 năm nay, 100% các thẻ ATM công nghệ từ (thẻ có dải băng từ mặt sau) sẽ bị ngừng hỗ trợ và không được chấp nhận tại các điểm giao dịch trên toàn quốc, thay vào đó là dạng thẻ chíp.

Dữ liệu thống kê cho thấy, tính đến quý II năm nay, tổng số lượng thẻ nội địa đang lưu hành là 98 triệu thẻ. Tổng số lượng thẻ quốc tế đang lưu hành là 20 triệu thẻ. Mục tiêu đặt ra trước đó đến cuối năm 2021 sẽ có ít nhất 30% số thẻ lưu hành phải tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ nội địa, tương đương khoảng 21 triệu thẻ chip.

Ghi nhận thời điểm tháng 11/2021 cho thấy nhiều ngân hàng thương mại bắt đầu thông báo ngừng hỗ trợ thẻ ATM công nghệ từ và khuyến khích khách hàng chuyển đổi sang thẻ chip có độ bảo mật cao hơn, hiệu quả giao dịch tốt hơn.

Tuy nhiên, cũng có một số người dùng thẻ, đặc biệt của ngân hàng TMCP Nhà nước, cho biết không nắm được thông tin thẻ từ ATM sẽ bị "khai tử" sau ngày 31/12. Do vậy, bạn Kim Oanh nên liên hệ trực tiếp với ngân hàng nơi phát hành thẻ cho bạn để tìm hiểu rõ thông tin tránh để quá thời hạn chuyển đổi theo quy định làm ảnh hưởng đến việc giao dịch của bạn.

Để hỗ trợ khách hàng có thể duy trì các hoạt động thanh toán, không bị gián đoạn ngay cả với những thẻ cũ chưa gắn chip, một số ngân hàng đã gửi thông báo hướng dẫn cụ thể cho khách hàng.

Có 3 cách phổ biến để đổi thẻ từ sang thẻ chip. Cụ thể:

Cách thứ nhất: Khách hàng chỉ cần mang chứng minh thư hoặc hộ chiếu, hoặc thẻ căn cước công dân còn hiệu lực đến điểm giao dịch của ngân hàng và đề nghị chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip.

Cách thứ hai: Truy cập vào ứng dụng ngân hàng số, mobile banking để thực hiện và nhận thẻ tại nhà hoặc tại điểm giao dịch của ngân hàng.

Ngoài ra, ở một số ngân hàng số, người dùng có thể đổi thẻ từ sang thẻ chip tại các cây ATM đa năng.

Để thúc đẩy khách hàng đổi thẻ từ sang thẻ chip, một số ngân hàng như Techcombank, SHB, Nam A Bank...vẫn đang triển khai miễn phí chuyển đổi cho khách hàng từ nay cho tới cuối năm.

Sau thời gian miễn phí, khách hàng sẽ thực hiện đổi thẻ từ sang thẻ chip với mức phí tương tự mức phí đổi thẻ thông thường, và tùy theo quy định của từng ngân hàng, phổ biến nhất là 50.000 đồng/lần.

Ngoài ra, để bảo quản thẻ ATM gắn chip, khách hàng cần lưu ý không để thẻ chip gần các vật sắc nhọn như dao, kéo… và bảo quản chúng trong ví mềm để tránh hư hỏng chip; không bẻ, uốn cong thẻ vì có thể làm sai lệch các thông tin do chip có các mạch điện tử bên trong; bảo quản thẻ ở nơi ở nhiệt độ thường vì thẻ được cấu tạo từ nhựa cứng nên có thể nhanh hư hỏng nếu ở điều kiện không phù hợp.

Theo nhận định của giới chuyên gia, việc chuyển đổi từ thẻ ATM từ sang thẻ ATM gắn chip rất có lợi cho người sử dụng, góp phần nâng cao mức độ bảo mật, tốc độ giao dịch, tính an toàn và đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Việc chuyển đổi này cũng mở ra cơ hội phát triển các dịch vụ thanh toán thẻ tại Việt Nam; tăng cường sự phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững cho thị trường thẻ ngân hàng.

Với sự số hóa trong xã hội ngày nay, thì sử dụng thẻ từ ATM là nhu cầu thiết yếu của rất nhiều người. Tuy nhiên, để đảm bảo tính bảo mật cũng như mã hóa tốt hơn cho các thông tin người dùng, mọi người hãy liên hệ với ngân hàng mình đang sử dụng để thực hiện việc chuyển đổi sang thẻ chip./.

Ban Bạn đọc - Cộng tác viên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực